23/11/2024 | 03:21 GMT+7, Hà Nội

Lãi suất huy động tăng: Lợi hay hại?

Cập nhật lúc: 28/06/2015, 13:19

Lãi suất huy động ngắn hạn của nhiều ngân hàng bắt đầu tăng đáng kể từ tháng 5 vừa qua. Điều này có tạo ra cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng như đã từng xảy ra?

Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động

Lãi suất huy động ngắn hạn của nhiều ngân hàng bắt đầu đảo chiều tăng từ tháng 5 vừa qua.

Ban đầu, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ. Sau đó, nhiều ngân hàng đã tham gia đợt tăng lãi suất này với biên độ từ 0,2- 0,5%/năm, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn từ 13 tháng trở xuống.

Với mức tăng này, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần đang bỏ khá xa lãi suất của các ngân hàng có vốn Nhà nước từ 0 5- 0,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng lớn hầu như vẫn không thay đổi.

Theo NHNN, tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng mạnh và đều qua các tháng. Đến trung tuần tháng 6 vừa qua, tín dụng cả hệ thống đã tăng gần 6,1%. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra yêu cầu đối với các ngân hàng thương mại, nếu có điều kiện thì tiếp tục giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động như thời gian vừa qua có thể khiến cho yêu cầu trên của Thống đốc khó thể trở thành hiện thực trong thời gian tới.

 

Trước việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân lo ngại khi phải đối mặt với áp lực lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này cũng ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế.

Bởi thông thường, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ áp dụng cho 1 - 2 năm đầu, thường các năm tiếp theo sẽ tính theo lãi suất thả nổi, đặc biệt là những khách hàng đã vay trong năm 2014 và hiện đến thời kỳ điều chỉnh lãi suất.

Trong khi đó, phần lớn DN nhỏ và vừa trong nước sử dụng đòn bẩy tài chính (vay nợ NH) rất cao nên lãi suất cho vay dù chỉ biến động thêm 0,5 - 1%/năm cũng gây áp lực không nhỏ, nhất là trong thời điểm cạnh tranh gay gắt, đầu ra khó khăn, những DN có tỉ lệ nợ vay lớn với lãi suất 9 - 10%/năm vẫn là gánh nặng.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất đang đi ngược mong muốn của cộng đồng DN và phục hồi nền kinh tế của Chính phủ. Bởi ngay từ đầu năm, NHNN cho biết trong năm nay sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay dài hạn thêm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ DN, nhưng thực tế lại khác.

Con dao hai lưỡi

Trao đổi trên BizLIVE xoay quanh vấn đề lãi suất huy động tăng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, nếu các ngân hàng tăng lãi suất huy động thì có khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cá nhân đi vay ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh việc tăng lãi suất huy động sẽ là con dao hai lưỡi: có lợi cho một bộ phận dân chúng gửi tiền và có bất lợi cho người đi vay. Nếu ở góc độ gửi tiền ròng thì có lợi, nhưng nếu đi vay ròng thì sẽ gặp bất lợi.

"Nhìn chung, việc tăng lãi suất là không có lợi, việc sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, chi phí vốn cho các doanh nghiệp sẽ tăng thêm. Đồng thời tăng lãi suất là một động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, lượng tiền vốn đổ vào nền kinh tế sẽ giảm đi dẫn đến không có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt lãi suất của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao", TS. Hiếu nhận định.

Theochuyên gia này, các ngân hàng nhỏ vẫn đang đói vốn, những kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán,... dần hấp dẫn khiến người dân rục rịch rút tiền, nên họ phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.

Trong khi, mục tiêu của Chính phủ và NHNN đang phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên diễn biến thị trường và điều kiện thị trường đang đi ngược lại mong muốn này, nhất là khi đồng VND phá giá, không thuận lợi cho chủ trương của các cơ quan điều hành.

NHNN sẽ dùng biện pháp nào để thực hiện ý chí của mình? Nếu để cơ chế thị trường vận hành thì khó có thể đẩy lãi suất xuống. Ông Hiếu nhấn mạnh đây là vấn đề hết sức cam go giữa chủ trương và thực tế của thị trường tài chính.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng động thái các ngân hàng tăng lãi suất huy động là điều hết sức bình thường. Ông cho rằng khi ngân hàng cần huy động nhiều hơn thì đẩy lãi suất lên, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản, chứng khoán ấm lên, các ngân hàng niêm yết biểu lãi suất hấp dẫn hơn nhằm thu hút người dân gửi tiền tiết kiệm.

Ngoài ra, TS. Lực cho rằng các ngân hàng đang muốn có thêm nguồn vốn để đẩy tín dụng đầu ra thị trường. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc lãi suất cho vay có tăng hay không không chỉ phụ thuộc vào lãi suất huy động, bởi vấn đề này liên quan đến chỉ đạo chung của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước: có thể lãi suất đầu vào tăng một chút nhưng lãi suất đầu ra không được tăng.

Thêm nữa, theo ý kiến của chuyên gia này, muốn tăng năng lực cạnh tranh, tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng sẽ không tăng lãi suất cho vay./.

 

“Lãi suất đến cuối năm sẽ ổn định

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây không phải là phổ biến, mặt bằng lãi suất huy động 6 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm thêm 0,2-0,5%/năm.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn là do trước đây, các ngân hàng này giảm sâu lãi suất huy động và hiện nay tăng lên ngang với mặt bằng chung. Còn lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng cơ bản vẫn ổn định.

Phó Thống đốc khẳng định, lãi suất từ nay đến cuối năm vẫn sẽ ổn định như hiện nay. Phụ thuộc cung cầu thị trường , NHNN sẽ có động thái bơm hút kịp thời, tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD nhưng đặt trong mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ mà NHNN đề ra từ đầu năm.