23/01/2025 | 10:33 GMT+7, Hà Nội

Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Nhiều hoạt động đặc biệt ý nghĩa

Cập nhật lúc: 06/10/2019, 15:00

Hà Nội đã và đang lên kế hoạch triển khai nhiều hoạt động chào mừng 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2019).

Đây cũng là dịp để quảng bá rộng rãi văn hóa, con người ở mảnh đất nghìn năm văn hiến đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Sở VH&TT Hà Nội là đơn vị nhận nhiệm vụ từ UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Trung ương và Hà Nội để xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động dịp kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Sở VH&TT thực hiện tuyên truyền, trang trí cổ động trước, trong và sau ngày kỷ niệm đồng thời tuyên truyền lưu động, chiếu phim, triển lãm trưng bày cũng như chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Ngoài ra, Sở VH&TT Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng, như: Chương trình nghệ thuật "Tôi yêu Hà Nội"; Lễ hội nghệ thuật áo dài "Nét son Hà Nội"; Lễ hội văn hóa dân gian đương đại 2019; Cuộc thi ảnh quốc tế 2019; Chương trình hòa nhạc ngoài trời, Giải chạy Báo Hà nội mới lần thứ 46 - Vì hòa bình năm 2019… Trong thời gian này, trên toàn thành phố cũng diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra các hoạt động: Ra mắt sách "Chúng ta đem vinh quang dân tộc trở về", khai mạc triển lãm "Hà Nội mùa thu năm ấy", tái hiện "Lễ chào cờ lịch sử tại khu vực sân Đoan Môn" và gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử…

Tối 2-10, tại Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Cảm xúc tháng 10”. Dự chương trình có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Chương trình đã tái hiện những ký ức hào hùng của Hà Nội 65 năm trước khi nhân dân Thủ đô đón đoàn quân chiến thắng trở về, thể hiện vẻ đẹp của Hà Nội trong bom đạn, hòa bình, xây dựng và phát triển. Tiêu biểu là các tiết mục: “Cảm xúc tháng 10”, “Hà Nội ngày trở về”, “Tình yêu Hà Nội” … Dịp này, chương trình cũng tri ân 6 nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội có mặt trong giây phút lịch sử 65 năm trước, gồm: Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh, nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Mạnh Hà, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Cương, nghệ sĩ Lê Thị Giới.

Cùng ngày, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã khai mạc Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội” qua tài liệu lưu trữ, do Chi cục Văn thư lưu trữ - Sở Nội vụ Hà Nội và Trung tâm phối hợp tổ chức. Theo Ban Tổ chức, Triển lãm giới thiệu gần 88 tài liệu, tư liệu lưu trữ và hình ảnh theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 - Địa giới hành chính Thành phố Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945; Giai đoạn 2 - Địa giới hành chính Thành phố Hà Nội từ năm 1945 đến 1954; Giai đoạn 3 - Địa giới hành chính Thành phố Hà Nội từ sau năm 1954. Triển lãm giới thiệu những bức tranh tổng thể của địa giới hành chính Hà Nội qua các thời kỳ khác nhau với mong muốn truyền tải tới công chúng và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô thông qua tài liệu lưu trữ các thời điểm của Hà Nội xưa và nay. Đây là các tài liệu lưu trữ đang được lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ của TP và một số tài liệu được sưu tầm tại các cơ quan lưu trữ, trung tâm… trên địa bàn Hà Nội.

Từ ngày 4 - 10-10, tại không gian phố bích họa Phùng Hưng cũng diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Ký ức Hà Nội 65 năm". Đặc biệt, sáng 10-10, chương trình kỷ niệm sẽ diễn ra tại đây tái hiện không khí hân hoan vui mừng của người dân Thủ đô trong ngày đón đoàn quân chiến thắng giữa mùa thu 65 năm trước. Những ký ức xưa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của mỗi chứng nhân lịch sử được tham gia sự kiện lớn 10-10-1954. Chương trình "Ký ức Hà Nội 65 năm"; nhằm mục đích tuyên truyền về một trong những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử của dân tộc tới người dân, du khách; ngoài ra tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước với các em học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung có cơ hội tìm hiểu về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Qua đó, giúp mỗi công dân có nhũng hành động thiết thực, ý nghĩa, đóng góp cho việc xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, đầy truyền thống và tự hào dân tộc.

Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cũng phối hợp tái hiện không gian Hà Nội những năm 1954 bằng việc giới thiệu tư liệu hình ảnh về Hà Nội năm 1954; trang trí không gian phố Bích họa Phùng Hưng với các hình ảnh cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, mô phỏng lại ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954. Bên cạnh đó sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn âm nhạc "Hà Nội ngày ấy"; biểu diễn thời trang "Sắc thu Hà Nội". Các hoạt động tương tác (trang điểm, trình diễn áo dài trên phố..).

Tái hiện lễ chào cờ lịch sử

Càng sát đến ngày kỷ niệm, đâu đâu cũng nhận thấy rõ rệt sự chuyển mình từ tuyến phố, con đường, đặc biệt các địa điểm trung tâm của Thủ đô. Rất nhiều người dân cũng dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi này, đồng thời mong muốn được chiêm ngưỡng cũng như tận hưởng những chương trình hấp dẫn nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Trong đó, điểm nhấn của chương trình "Ký ức mùa thu" là hoạt động tái hiện lại lễ chào cờ lịch sử cách đây 65 năm, đúng Ngày Giải phóng Thủ đô.

BS Trần Duy Hưng, Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội trong ngày trở về. Ảnh: TL

Vào 15g ngày 10-10-1954, trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, tại sân Đoan Môn – Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ) đã diễn ra Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng. Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngày 10-10-1954 trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, nhân chứng lịch sử, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tái hiện lại Lễ chào cờ lịch sử năm ấy. Lễ chào cờ sẽ gồm các hoạt động: Rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng; chương trình văn nghệ "Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử". Sau đó, các nhân chứng, khách mời sẽ cùng thực hiện nghi lễ chào cờ tại sân Đoan Môn (đúng vị trí đoàn quân giải phóng thực hiện lễ chào cờ khi tiếp quản Thủ đô). Ngoài ra, chương trình "Ký ức mùa thu" còn có trưng bày "Hà Nội mùa thu năm ấy".

Thủ đô Hà Nội năm 1954 sẽ được tái hiện trong “Ký ức Hà Nội - 65 năm”. Ảnh: TL

Thông qua hình ảnh tư liệu, trưng bày, kể lại câu chuyện lịch sử về Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp từ ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), qua 9 năm nếm mật, nằm gai để tiến tới những giờ phút huy hoàng giải phóng Thủ đô. Trong chương trình, người dân Thủ đô và du khách còn được giao lưu với các nhân chứng lịch sử, nhà sử học để nghe kể về những kỷ niệm không bao giờ quên thời khắc đoàn quân tiến về Hà Nội. Cũng trong dịp này, Ban tổ chức ra mắt cuốn sách ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô "Chúng ta đem vinh quang dân tộc trở về". Cũng trong dịp này, Ban tổ chức ra mắt cuốn sách ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”. Chương trình “Ký ức mùa thu” diễn ra vào sáng 6-10 tại sân Đoan Môn, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài ra, một trong những hoạt động văn hóa – nghệ thuật lớn, có ý nghĩa đặc biệt trong chuỗi các hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện Liên hoan múa Rồng 2019. Sự kiện Liên hoan Múa Rồng lần thứ 5 được tổ chức với quy mô lớn, rộng khắp toàn TP Hà Nội. Liên hoan hứa hẹn sẽ góp phần tạo nên một lễ hội văn hoá truyền thống rộn ràng, vui tươi cho đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và du khách nước ngoài, qua đó góp phần giáo dục nâng cao ý thức trân trọng và giữ gìn các giá trị văn hoá quý báu của dân tộc cho thế hệ mai sau. Liên hoan cũng là cơ hội để các nghệ nhân, thành viên các đoàn múa rồng của Hà Nội gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm biểu diễn. Theo đó, Liên hoan Múa Rồng Hà Nội 2019 sẽ chính thức diễn ra từ 8g - 11g30 ngày 6-10-2019 tại khu vực phía trước tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh (ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Hàng Dầu).

Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Ðào Duy Từ) sẽ diễn ra triển lãm tranh chủ đề "Thu Hà Nội". Triển lãm trưng bày 37 tác phẩm tranh của nhóm 14 họa sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Hà Nội với chủ đề về tĩnh vật, phong cảnh đất nước, con người Việt Nam. Triển lãm còn giới thiệu những bức ký họa vẽ ngay tại trận chiến của các họa sĩ về đề tài chiến tranh - cách mạng, những năm tháng hào hùng đã qua của quân và dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ Thủ đô. Trong không gian đình Kim Ngân (số 42 và số 44 phố Hàng Bạc), Ban tổ chức giới thiệu 40 tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích, thể hiện vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Các hoạt động trưng bày, triển lãm khai mạc vào ngày 4-10 và kết thúc vào ngày 15-10.

Hà Nội - Thủ đô của sách và tri thức

Sáng 2-10, tại Hoàng thành Thăng Long, Hội sách Hà Nội lần thứ VI với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức đã khai mạc. Dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý. Với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”, Hội sách năm nay có sự tham gia của một số cơ quan ngoại giao tại Hà Nội như: Đại sứ quán Ấn Độ, Indonesia, Pháp, Ý và Séc); Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á, Hiệp hội xuất bản Phipippines, Myanmar; Tổ chức TP sách Malaysia và 14 nhà xuất bản đến từ Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Singapore.

Hội sách Hà Nội lần thứ VI


Điểm nhấn tại hội sách năm nay là không gian chuyên đề “Hà Nội - 20 năm Thành phố vì hòa bình” tập trung trưng bày, giới thiệu về sách, tư liệu truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội, truyền thống Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình và sách của các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội và nhà xuất bản nước ngoài, trưng bày tranh thiếu nhi với chủ đề “Em yêu Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”.

Cùng với đó, Hội sách còn có các buổi tọa đàm, giao lưu, giới thiệu sách như: Tọa đàm về 2 tựa sách “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ chợ - Đàng ngoài (1672 - 1697)", chương trình “Trò chuyện cùng nhà văn Chu Lai - một đời lính, một nghiệp văn”, chương trình “Sống không rác”…