19/01/2025 | 15:28 GMT+7, Hà Nội

Kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản VH TG

Cập nhật lúc: 24/11/2020, 10:10

Hà Nội long trọng kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Ngày 23/11, tại thềm điện Kính Thiên - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, UBND TP Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Các vị đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương

Tới dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Tân Cương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, theo dõi hướng dẫn Đảng bộ TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội; ông Michael Croft - Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam…

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được thưởng thức màn trống hội và sử thi tái hiện sự kiện lịch sử năm 1010, khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về kinh đô Thăng Long, mở ra Vương triều Lý.

Lễ kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới nhằm tôn vinh truyền thống văn hiến, anh hùng của kinh đô Thăng Long - Hà Nội; quảng bá những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản có bề dày hơn nghìn năm lịch sử của dân tộc - di sản vô giá của nhân loại; thiết thực chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, thành công Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, 75 năm thành lập UNESCO (1945-2020), 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2020).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản tiêu biểu, minh chứng cho lịch sử hào hùng và sự trường tồn của Thăng Long - Hà Nội

Vào ngày 1/8/2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được Ủy ban di sản thế giới của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: Là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài; Nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia; Là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng qua các thời kỳ lịch sử, có mối quan hệ giao lưu với khu vực và thế giới.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Từ năm 2002 - 2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm lịch sử

Để xây dựng Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm sáng về bảo tồn phát huy giá trị di sản, Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt hai đồ án: Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Thành cổ (tỷ lệ 1/500) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; đồng thời triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được Trung tâm chú trọng triển khai, trong đó, tập trung xây dựng Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; Đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu; nghiên cứu các nghi lễ trong cung đình và các hoạt động văn hóa phi vật thể. Đặc biệt là việc nghiên cứu khai quật khảo cổ tại Khu Di sản theo lộ trình và kế hoạch hàng năm. Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát, khai quật khu vực trung tâm Thành cổ, thu được nhiều kết quả mới, góp phần nhận diện rõ hơn diện mạo các kiến trúc, công trình trong khu vực Cấm thành Thăng Long để từng bước nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên.

Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam Michael Croft ghi nhận những nỗ lực của TP Hà Nội trong thực hiện các cam kết với UNESCO về gìn giữ, phát huy các giá trị di sản tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền quảng bá Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như trưng bày, triển lãm, trên website, mạng xã hội, quảng bá trực tuyến đã góp phần đưa di sản tiếp cận công chúng và khách tham quan. Các hoạt động hướng tới khách tham quan, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách tham quan được Trung tâm chú trọng triển khai như: Xây dựng hệ thống thông tin, đón tiếp; hoàn thiện bảng biểu giới thiệu, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên; đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cảnh quan, môi trường, cây xanh thảm cỏ, trồng theo mùa; nâng cấp nhà vệ sinh đạt chuẩn; quy hoạch, cải tạo bãi đỗ xe… Đặc biệt là phát triển chương trình giáo dục di sản, đưa di sản đến các trường học tiếp cận thế hệ trẻ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long

Với mong muốn mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách, Hoàng thành Thăng Long là một trong những di tích tiên phong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích như wifi, ứng dụng thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh; đưa di sản tiếp cận công chúng rộng rãi hơn bằng các hình thức trưng bày trực tuyến, tour tham quan ảo 360 độ; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng bằng công nghệ 3D…

Năm 2020, lần đầu tiên, Trung tâm đưa vào phục vụ khách tham quan một công cụ tiện ích, sáng tạo là màn hình tương tác diễn giải lịch sử Hoàng thành Thăng Long, giúp du khách trải nghiệm và khám phá di sản một cách thuận tiện dễ dàng nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của khu di sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Từ năm 2002 - 2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm lịch sử. Từ năm 2004, Bộ Quốc phòng đã từng bước thực hiện bàn giao Khu di tích Thành cổ cho TP Hà Nội. Tháng 10 cùng năm, Thành cổ Hà Nội lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản tiêu biểu, minh chứng cho lịch sử hào hùng và sự trường tồn của Thăng Long - Hà Nội. Di sản vô giá trong lòng đất đã phát lộ và trở thành tài sản của nhân loại sau đúng 1.000 năm lịch sử như là linh ứng của tổ tiên, và cũng là hào khí nghìn năm còn lưu mãi. Nhìn lại hành trình di sản của Hoàng thành Thăng Long chúng ta càng biết ơn những thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nền văn hiến, để lại cho hậu thế một di sản nhân loại hôm nay.

10 năm qua, thực hiện những cam kết của Chính phủ với UNESCO, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. TP Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đổi mới, sáng tạo và hội nhập, nắm bắt cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lâu dài.

Trong đó, chú trọng vào các mục tiêu: Nhất thể hóa quản lý di tích, di vật theo cam kết với Ủy ban di sản thế giới; tập trung triển khai các dự án thành phần theo quy hoạch được phê duyệt; hoàn thiện Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản cho thế hệ trẻ; tăng cường các hoạt động phát triển du lịch bền vững, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam Michael Croft ghi nhận những nỗ lực của TP Hà Nội trong thực hiện các cam kết với UNESCO về gìn giữ, phát huy các giá trị di sản tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Di sản Hoàng thành Thăng Long - kho báu của thế giới đã và đang nhận được sự quan tâm xứng đáng với vai trò, vị thế của di sản. Hà Nội hôm nay đã trở thành một thành viên trong Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO.

Vì thế, UNESCO kêu gọi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, các đối tác cùng toàn thể nhân dân nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn, quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long, làm giàu thêm các giá trị văn hóa đương đại từ văn hóa truyền thống, tăng cường tương tác, tăng cường tình yêu và sự quan tâm với di sản để Hà Nội ngày càng phát triển.

Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích trong công tác quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.