19/01/2025 | 15:16 GMT+7, Hà Nội

Kỹ năng sinh tồn cho trẻ em ở chung cư

Cập nhật lúc: 11/05/2019, 11:44

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Chưa đầy 1 tháng, đã có 3 vụ trẻ em tử vong vì rơi từ chung cư cao tầng xuống.

Đâu là giải pháp để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cư dân ở các tòa nhà chung cư, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ?

Tối 24/4 tại Khu nhà ở xã hội ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, một bé gái khoảng 4 tuổi đã rơi từ tầng 12 chung cư xuống đất. Thấy bé gái vẫn còn thở, cư dân tại khu vực đã nhanh chóng phối hợp đưa cháu bé đến bệnh viện cấp cứu.

ky nang sinh ton cho tre em o chung cu
Kỹ năng sống cho trẻ ở chung cư. Ảnh minh họa

Trước đó 4 ngày, một bé trai 4 tuổi cũng bất ngờ rơi từ tầng 11 của một khu chung cư ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xuống. Do thương tích quá nặng nên cháu bé đã tử vong. Được biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, bé trai ở nhà một mình nên đã trèo lên bàn ghế, leo ra cửa sổ rồi rơi xuống.

Gần đây nhất, ngày 8/5 tai nạn thương tâm đã xảy ra với gia đình có trẻ em nhỏ mới có 3 tuổi, sinh sống tại tầng 4 trên địa bàn Phường Phố Hữu Q.9 TP. HCM. Ban công, lan can, cửa sổ như thế nào mới được coi là tuyệt đối an toàn, chưa biết đến bao giờ mới thôi không còn là vấn đề nóng ở các tòa nhà chung cư?.

Liên quan đến vấn đề này Kỹ sư Nguyễn Đình Hùng – Trường ĐH Xây dựng cho rằng, để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc, với những gia đình có trẻ nhỏ khi mua nhà cần chọn căn hộ có lan can ban công cao từ 1,1m trở lên, lan can được làm thanh dọc, tuyệt đối không làm thanh ngang phòng trường hợp trẻ nghịch ngợm, thích leo trèo.

Bên cạnh đó, chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ cao từ 1m trở lên tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ. Cửa sổ phải lắp đặt thêm chấn song hoặc lưới an toàn ở ban công. Các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có thanh chắn có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm.

ky nang sinh ton cho tre em o chung cu
Lan can phải cao 1m trở lên để đảm bảo cho trẻ nhỏ

Ngoài ra, các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn. Các gia đình cũng không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ, ngoài ban công nhằm hạn chế việc trẻ con trèo lên cửa sổ, bàn ghế gây tai nạn.

Trường hợp, trẻ còn nhỏ, chưa ý thức được những nguy hiểm sẽ xảy ra khi trẻ lại gần các vị trí cửa sổ, ban công, hành lang thì cha mẹ cần phải luôn luôn coi chừng trẻ cẩn thận. Còn nếu trẻ đã lớn thì cần chỉ dạy cho các cháu hiểu các nguy cơ có thể dẫn đến khi lại gần các vị trí trên.

Nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn đáng tiếc trên là xuất phát từ chính sự bất cẩn của phụ huynh. Do đó, bên cạnh việc thực các biện pháp trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý một vài điểm sau:

- Không bao giờ rời mắt khỏi trẻ nhỏ, không để trẻ ở một mình, con trẻ phải luôn luôn trong tầm mắt hay nói rộng hơn là con trẻ phải luôn trong tầm kiểm soát của người lớn. Bởi ngoài nguy cơ rơi từ tầng cao thì còn nhiều nguy cơ khác như ổ điện, nước nóng, đồ vật nguy hiểm khác đều có thể làm hại trẻ.

- Trong trường hợp cả hai vợ chồng đều bận đi làm, nếu phải nhờ ông bà trông cháu thì cha mẹ nên dặn dò kỹ càng, đóng lại các cửa sổ, kiểm tra mọi biện pháp an toàn trước khi rời nhà.

- Cha mẹ cần hạn chế việc gửi con cho hàng xóm, nếu gửi cần tìm người tin tưởng, khỏe mạnh, minh mẫn và không phải trông đứa trẻ nào khác, bởi trường hợp người được gửi cũng đang trông một đứa trẻ khác thì sẽ có nhiều điều khó nói xảy ra.

- Ngoài ra, có một mẹo nhỏ cha mẹ cần lưu tâm trong việc nhờ trông con. Thường ở các chung cư, phía dưới luôn có trường mầm non, nếu phải đi đâu hãy bế trẻ xuống, gặp người quản lý, trình bày rõ với họ là bạn muốn gửi con một vài giờ, đa phần sẽ không ai từ chối trông con cho bạn. Vì các trường mầm non luôn cho học thử mà, coi như con bạn học thử thôi.

Phương Nguyễn