19/01/2025 | 02:04 GMT+7, Hà Nội

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Hôm nay, Quốc hội bầu Chủ tịch nước

Cập nhật lúc: 23/10/2018, 10:21

Theo lịch trình dự kiến đã được công bố, sáng nay (23/10) Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước. Tới 15h cùng ngày, Quốc hội sẽ công bố kết quả kiểm phiếu.

  Theo lịch trình dự kiến, ngày 23/10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước. Ảnh: QH

Theo lịch trình dự kiến, ngày 23/10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước. Ảnh: QH.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín

Sáng 23/10, đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Quốc hội thành lập ban kiểm phiếu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về dự kiến nhân sự thành viên ban kiểm phiếu. Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên ban kiểm phiếu bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Trưởng ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín.

Dự kiến từ 15h ngày 23/10, Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch nước tuyên thệ (Truyền hình, phát thanh trực tiếp). Trước đó, vào chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

Ngày 22/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Tăng trưởng GDP duy trì đà tăng khá, mặc dù năm 2017 đã đạt mức tăng ấn tượng, ước cả năm GDP tăng khoảng 6,7%, đạt mục tiêu của Nghị quyết số 01/NQ-CP và đạt mức cao mục tiêu Quốc hội giao. Tiếp tục tập trung nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh thanh tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo; tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững. Trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được nâng lên…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018. Các vấn đề được Thủ tướng nêu ra trong đó có sự nổi lên mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động ngày càng rõ nét tới các quốc gia. Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, mạng Internet, mạng xã hội... đã làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh giữa các nền kinh tế trên thế giới, giữa các quốc gia trong khu vực, giữa các doanh nghiệp trong thị trường... trở nên căng thẳng hơn; những biến đổi về văn hoá, xã hội và môi trường diễn ra nhanh và phức tạp hơn, trong đó không ít những tác động tiêu cực. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế,... Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực thấp.

Ba trọng tâm phát triển KT-XH

Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2018 và 2019 là hai năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới còn nhiều rủi ro, thách thức, tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019 các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của nền kinh tế. Các trọng tâm được Thủ tướng đưa ra gồm: Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn và đẩy mạnh hơn nữa đổi mới tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản...

Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, khu vực, ngành hàng sản xuất gắn với chú trọng thị trường đầu ra, phát triển đồng bộ cả thị trường nội địa và nước ngoài, nghiên cứu các giải pháp ứng phó chủ động, giảm tác động tiêu cực của "chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" tới Việt Nam. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy tinh thần ngoại giao chủ động, sáng tạo, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại tạo môi trường hòa bình và ổn định cho đất nước phát triển.

Minh Anh