19/01/2025 | 18:39 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 4: Lợi dụng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia… muôn kiểu “bẫy” của TPCN giảm cân

Cập nhật lúc: 18/05/2023, 06:15

Dù đã bị cấm, không ít các đơn vị bán sản phẩm như Rich Slim, Slimherbal... vẫn dùng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia, thư cảm ơn, phản hồi của khách hàng để quảng cáo các sản phẩm viên uống giảm cân.

 LỢI DỤNG HÌNH ẢNH BÁC SĨ, CHUYÊN GIA... MUÔN KIỂU BẪY CỦA TPCN GIẢM CÂN

Thực phẩm chức năng (TPCN) đã không còn là một khái niệm xa lạ trong xã hội hiện đại. Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng gia tăng. Ngày càng có nhiều người tìm đến với các sản phẩm TPCN để bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người vẫn còn nhầm tưởng TPCN là thuốc và có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mặc các khuyến cáo liên quan mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. 

Vượt qua cái tên "thực phẩm", nhiều người đang tìm đến TPCN với mong muốn chữa được bệnh, thậm chí là bệnh nan y càng khiến các sản phẩm này nở rộ, mọc lên như nấm. 

Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 21% dân số đang sử dụng TPCN, tương đương hơn 20 triệu người ở khắp 63 tỉnh thành. Thị trường khổng lồ này là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị sản xuất TPCN, chính vì vậy không ít đơn vị đã không từ các "thủ đoạn" để quảng cáo, tâng bốc các công dụng của TPCN, cố tình "đánh lận con đen" để người tiêu dùng hiểu lầm. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, trên tinh thần nghiên cứu, chúng tôi khởi đăng tuyến bài: Thị trường thực phẩm chức năng: Phức tạp như "ma trận". 

Xin mời quý độc giả đón đọc Kỳ 4: Lợi dụng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia… muôn kiểu “bẫy” của TPCN giảm cân.

DỞ KHÓC DỞ CƯỜI VÌ TIN THỰC PHẨM CHỨC NĂNG GIẢM CÂN 

Nắm bắt được tâm lý 4 không: Không cần ăn kiêng và tập thể dục, Không ngại cơ địa khó giảm, Không tăng cân trở lại và Không tác dụng phụ, các loại viên giảm cân hay trà giảm cân, tạm gọi chung là thực phẩm chức năng (TPCN) xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, bao vây ráo riết những người đang không hài lòng với cân nặng của mình. Chỉ cần 1 thao tác đơn giản trên công cụ tìm kiếm, thì không chỉ thấy ngay rất nhiều kết quả mà lập tức newsfeed trên facebook cá nhân sẽ ngập tràn những lời chào mời quảng cáo đầy hấp dẫn, thậm chí các quảng cáo còn “truy đuổi” cho đến khi “khổ chủ” có động thái click vào quảng cáo, hay hoàn thành quy trình mua hàng - thanh toán, mới thôi.

Nếu như những năm trước, việc quảng cáo - bán hàng thường được thực hiện “thủ công”, trực tiếp trao đổi giữa người mua và người bán, thì ngày nay, với sự phát triển của internet, chỉ với vài thao tác trên máy tính hay điện thoại thông minh, khách hàng đã nhanh chóng nhận được sản phẩm chỉ sau vài giờ. Với những lời quảng cáo hoa mỹ, những phương thức truyền tải thông tin đa dạng, “bủa vây” người dùng, rất nhiều người dễ dàng mở hầu bao và sử dụng các sản phẩm như viên uống, trà, ngũ cốc… để giảm hoặc tăng cân.

Hậu quả thì có thể nhìn thấy rất rõ ràng qua các hồ sơ bệnh nhân tìm đến phòng khám dinh dưỡng sau khi dùng thực phẩm chức năng để giảm cân. Dưới đây là một số những trường hợp “dở khóc dở cười” hay thậm chí là "tiền mất, tật mang" vì tin dùng thực phẩm chức năng giảm cân.

Vì ám ảnh với cân nặng, nhiều người đã viện đủ cách để có được số cân nặng như ý

Thường xuyên thấy không tự tin với cân nặng quá khổ của mình, chị Minh Vân (40 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nghe nhiều bạn bè mách bảo có một loại TPCN giảm béo có tác dụng rất tốt cho người muốn giảm cân. Theo quảng cáo, chỉ cần uống một liệu trình là có thể giảm 40% lượng mỡ dư của cơ thể, chị chi 3 triệu đồng mua về 5 hộp để uống dần. Thế nhưng, hiệu quả còn chưa kịp thấy, ngay ngày đầu tiên, sau khi uống xong, chị cảm thấy mệt mỏi, không tập trung vào công việc được. Nghĩ là tại chưa quen nên mới có triệu chứng như vậy nhưng sang ngày thứ 3, những triệu chứng trên có phần trầm trọng hơn: Chân tay mỏi, đầu óc quay cuồng. Lo sợ sẽ có chuyện không may, chị V. đành "âm thầm" vứt bỏ toàn bộ chỗ TPCN còn lại, mặc dù rất tiếc số tiền mình bỏ ra nhưng cũng không dám kể với ai.

Đồng cảnh ngộ với chị Vân, chị Trần Thị Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), cũng tin vào dòng trà kết hợp cà phê để "giảm béo". Chị uống đều đặn mỗi ngày hai gói vào lúc sáng sớm và vào buổi tối. Sử dụng 3 ngày thì những triệu chứng bất ổn của cơ thể cũng bắt đầu xuất hiện như nhức đầu, chóng mặt, nhất là sau khi vừa uống cà phê khoảng 1 giờ, tiếp sau đó là hiện tượng nóng trong người. Lúc này, chị không còn dám nghĩ đến cân nặng có giảm đi hay không, lập tức ngừng sử dụng và sau vài ngày cơ thể chị trở lại bình thường.

Chị Đặng Thị Kim Thu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ một câu chuyện "dở khóc, dở cười" hơn, sau khi sinh em bé, số cân nặng ngày một tăng mặc dù chị đã rất cố gắng điều chỉnh chế độ ăn uống. Sau vài lần tìm kiếm thông tin trên mạng, Facebook của chị liên tiếp xuất hiện các quảng cáo TPCN giảm cân với những lời mời gọi hấp dẫn như giảm ngay 5kg sau một tháng, không cần ăn kiêng, phù hợp với người không có thời gian tập thể dục... Thấy quảng cáo nhiều cũng bị thuyết phục chị Vân quyết định mua một loại trà giảm cân về uống và tự tin với việc vừa theo liệu trình giảm cân và vẫn có thể ăn uống thoải mái, kết quả, cân không những không giảm mà thậm chí còn... tăng so với lúc trước khi sử dụng sản phẩm. 

Đó mới chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp tại Việt Nam mà người sử dụng thực phẩm chức năng mắc phải. Vẫn biết tùy cơ địa mỗi người khác nhau nhưng cứ vài người sử dụng TPCN tăng/giảm cân lại xuất hiện 1 trường hợp như trên thì ai có thể đảm bảo cho sự an toàn, hiệu quả của các sản phẩm này?

Chỉ cần gõ từ khóa liên quan đến TPCN giảm cân, Google sẽ cho ra 1.020.000 kết quả trong vòng 0,52s

Trên thế giới, còn có những trường hợp đau lòng hơn thế khi lạm dụng việc sử dụng TPCN. Một nhóm các nhà khoa học Ấn Độ đã có bài viết đăng tải trên một tạp chí khoa học chuyên ngành về gan, ghi nhận về một ca nhiễm độc gan dẫn đến cái chết sau 2 tháng sử dụng thực phẩm chức năng của 1 hãng TPCN nổi tiếng.

Theo đó, một người phụ nữ 24 tuổi, có bệnh mãn tính suy tuyến giáp (hypothyroidism) từ trước và đang sử dụng thyroxine như chất bổ trợ trong 5 năm, người này đã sử dụng 3 sản phẩm giảm cân của hãng H. Sau 2 tháng sử dụng 3 sản phẩm trên, cô bắt đầu có những triệu chứng như chán ăn và vàng da và thỉnh thoảng bị ngứa. Lúc đầu chỉ số Bilirubin trong huyết tương là 12.4 mg/dL (mức bình thường là 1.1 mg/dL) cho thấy tình trạng gan bất thường. Sau 12 ngày chỉ số này lên đến 28.6 mg/dL, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu với giai đoạn 3 của hội chứng bệnh não (do) gan. Bệnh nhân sau đó được gấp rút chuyển sang trung tâm cấy ghép nội tạng để thay gan nhưng bệnh nhân đã qua đời trong lúc chờ đợi. Để tìm hiểu về ca bệnh nghiêm trọng này các nhà khoa học đã tìm kiếm các sản phẩm mà bệnh nhân này đã sử dụng trước khi chết. Sau đó phát hiện triệu chứng suy gan liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của hãng H. Và phát hiện ra rằng trong các sản phẩm này chứa rất nhiều kim loại nặng, các hợp chất nguy hiểm và vi khuẩn ảnh hưởng xấu đến gan.

Rõ ràng, vượt qua chuyện xấu đẹp, hiệu quả hay không hiệu quả, việc uống các sản phẩm giảm cân khi bản thân người tiêu dùng không thực sự hiểu về sản phẩm đó là một nguy cơ rất cần được cảnh tính và xem xét lại.

Bởi bằng việc sử dụng các quảng cáo thái quá, các bằng chứng giả khoa học và nhập nhèm "đánh lận con đen" trong các phương thức quảng cáo, các nhà bán hàng đang vô tình hay cố ý khiến người tiêu dùng hiểu lầm về sản phẩm của mình? 

Rất nhiều khuyến cáo đã được giới chuyên gia, bác sĩ đưa ra nhằm cảnh báo việc tùy tiện sử dụng TPCN tăng/giảm cân đang rầm rộ thời gian qua. Theo đó, không một sản phẩm nào có thể giúp tăng giảm cân chỉ trong vài ngày. Nếu thay đổi cân nặng quá nhanh, bạn có thể gặp phải những rối loạn trong quá trình chuyển hóa đạm, đường và mỡ. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. 

Thế nhưng, trái ngược với những khuyến nghị đó, trên nhiều website, mạng xã hội, thậm chí là các phương tiện truyền thông đại chúng, rất dễ dàng bắt gặp nhan nhản các quảng cáo trà, cà phê, TPCN tăng/giảm cân với những tác dụng nhanh, không gây tác dụng phụ như: "Giúp giảm cân tốt, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể", "giảm cân không cần ăn kiêng", "nếu sử dụng không hiệu quả xin hoàn lại tiền cho khách hàng" hay "Với 1 hộp 20 gói dùng trong 20 ngày bạn có thể giảm trung bình từ 6 đến 8kg"...

RICH SLIM LỢI DỤNG UY TÍN CỤC QUẢN LÝ THỰC PHẨM VÀ DƯỢC PHẨM HOA KỲ? 

Tại Việt Nam, khi người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm TPCN hỗ trợ tăng/giảm cân trên mạng Internet sẽ nhanh chóng nhìn thấy quảng cáo của nhiều thương hiệu quen mặt như Rich Slim, Lic, Herbalife, giảm cân Bona, viên uống Supplement Depot CLA, giảm cân Nhân Hưng, Keto Slim, viên uống giảm cân A+B Nhật Bản... Từ hàng nội địa đến hàng nhập khẩu, đa dạng trên thị trường với những quảng cáo, mỹ từ "có cánh" nhằm tạo ấn tượng, thu hút sự chú ý của khách hàng.

Đơn cử, Rich Slim được quảng cáo “có chiết xuất từ các loại thảo dược thiên nhiên tinh khiết, hoàn toàn an toàn trong quá trình giảm cân. Nhờ các tinh chất ICCG kết hợp với hoa hồng, vỏ cam, Rich Slim sẽ hỗ trợ giảm mỡ trong cơ thể một cách hiệu quả mà không có tác dụng phụ, không gây tiêu chảy hay mất nước như các loại giảm cân thông thường khác”. Không những giảm cân, Rich Slim còn được các nhà phân phối, người bán "tự tin" quảng cáo có thêm công dụng tham gia làm sạch đường ruột, đào thải các độc tố, thông tiểu cũng như tẩy mùi hôi qua đường miệng.

Rich Slim được quảng cáo là thuốc giảm cân cho người khó giảm cân

Để tăng sự uy tín, Rich Slim được giới thiệu là sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, bởi công ty HA. Herbal LLC., được FDA Hoa Kỳ (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chứng nhận. Thông tin được niêm yết rõ ràng trên bao bì sản phẩm bao gồm dấu phê duyệt chứng nhận của FDA và mã QR truy xuất nguồn gốc. Nhưng, chỉ với vài thao tác đơn giản cũng có thể kiểm tra được rằng website Haherbal.com dẫn từ mã QR niêm yết trên bao bì sản phẩm Rich Slim là website không hoạt động và người dùng không thể truy cập địa chỉ này. 

Dù được quảng cáo là sản phẩm được sản xuất với công nghệ hiện đại hàng đầu tại Mỹ, nhưng khi tìm kiếm sản phẩm trên trang thương mại điện tử lớn nhất tại Mỹ như amazon.com thì không thấy sản phẩm Rich Slim được bày bán, các sản phẩm khác của HA. Herbal cũng không được tìm thấy.

Rich Slim mập mờ thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Quảng cáo Rich Slim nhấn mạnh sản phẩm này được xác nhận bởi FDA Hoa Kỳ

Thực hiện khảo sát trên một nhóm người tiêu dùng có nhu cầu giảm cân, khi được đặt câu hỏi: "Điều gì làm anh chị tin tưởng vào các sản phẩm giảm cân khi quyết định mua?", hầu hết câu trả lời chúng tôi nhận được đều là bởi sản phẩm có bảm bảo, xác nhận của các đơn vị uy tín trong nước và trên thế giới.

Dường như hiểu được tâm lý này của người tiêu dùng, việc sản phẩm Rich Slim có chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA là một trong những thông tin được nhấn mạnh nhiều lần trong các quảng cáo của Rich Slim, trên tất cả các kênh. 

Rõ ràng, với xác nhận của một đơn vị uy tín như FDA, đương nhiên người tiêu dùng sẽ tin tưởng vào xuất xứ và thành phần, tính an toàn của sản phẩm. Nhưng có một sự thật mà ít người tiêu dùng trong nước biết được về quy trình chứng nhận cho các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm của FDA. 

Thứ nhất, FDA không chấp nhận khái niệm "thực phẩm chức năng - functional food", mà đơn vị này sử dụng khái niệm “dietary supplements - sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống”, bởi theo đơn vị này, việc sử dụng cụm từ Thực phẩm chức năng có thể lấp liếm ranh giới giữa các sản phẩm này và thuốc.

Thứ hai, khác với lầm tưởng của nhiều người về việc FDA có một quy trình nghiêm ngặt về việc kiểm định chất lượng, thành phần, tính an toàn trước khi đưa ra thị trường của các sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống - cái mà chúng ta gọi là TPCN, thực chất FDA chỉ coi các sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống/TPCN có các quy định đánh giá tương tự như các loại thực phẩm và đồ uống khác. Theo đó, để đăng ký với FDA các đơn vị sản xuất, đóng gói hoặc phân phối các sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống chỉ cần đáp ứng một số yêu cầu về thủ tục, thời hạn đăng ký, bao bì, và CGMPs...

FDA khẳng định ngay trên website của mình rằng "FDA không có thẩm quyền để kiểm tra, phê duyệt các sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống/TPCN để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của chúng trước khi chúng ra thị trường". Nghĩa là, đơn vị này không thực hiện tiền kiểm về tính an toàn và hiệu quả của các sản phẩm thực phẩm bổ sung chế độ ăn uống/TPCN trước khi đưa ra thị trường, mà chỉ khi trên thị trường ghi nhận các vấn đề, đơn vị này mới vào cuộc kiểm tra.

Chưa kể, trên website của mình FDA không cung cấp thông tin về việc đã chứng nhận cho các sản phẩm như thực phẩm bổ sung chế độ ăn uống/TPCN nhằm giảm cân, viên uống giảm cân... Ở khu vực thông tin về sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống, FDA liên tục có các cảnh báo cho người tiêu dùng về việc mua các sản phẩm "weight loss - giảm cân", "male enhancement - tăng cường sinh lý nam giới"... Liên quan đến việc cân nặng, FDA chỉ cung cấp thông tin về "thuốc quản lý cân nặng" đặc trị cho người bệnh, nằm trong danh mục "Thuốc". 

Vậy không rõ viên uống giảm cân Rich Slim được FDA chứng nhận là thực phẩm, đồ uống hay là thuốc mà lại được các đơn vị bán hàng quảng cáo là "Được FDA Hoa Kỳ chứng nhận an toàn, giảm cân hiệu quả", một việc mà FDA không làm? 

Và với những hiểu biết mơ hồ, thậm chí bằng 0 của người tiêu dùng về FDA, liệu có bao nhiêu người sẽ lầm tưởng về tính hiệu quả, an toàn của sản phẩm này tới quá trình giảm cân? 

Không dừng lại ở việc đưa thông tin không rõ ràng liên quan đến dấu xác nhận FDA, trên bao bì sản phẩm, Rich Slim khẳng định là một loại viên uống giảm cân, với dòng chú thích "Sản phẩm này không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh" nhưng không hiểu do vô tình hay hữu ý, các quảng cáo sản phẩm này liên tục nhấn mạnh “Thuốc giảm cân Rich Slim được coi là THUỐC GIẢM CÂN HIỆU QUẢ NHẤT HIỆN NAY vì nó "đặc trị" cho những ai béo phì, thừa cân lâu năm và sau sinh”.

Chưa kể hành vi gọi TPCN là Thuốc, cách thức quảng cáo này của Rich Slim đang cố tình dùng từ “nhất” để khẳng định hiệu quả của sản phẩm dù không đưa ra các tài liệu hợp pháp để chứng minh cho khẳng định này. Có thể là hành vi vi phạm quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.”

Rich Slim liên tục được quảng cáo là Thuốc giảm cân

Bên cạnh đó các website bán hàng Rich Slim còn đăng tải phản hồi của khách hàng với việc nhấn mạnh "Đang uống thuốc theo chế độ để duy trì không tăng cân trở lại...". Đây là một kịch bản chung rất dễ gặp ở các sản phẩm TPCN, khi các đơn vị bán hàng thi nhau dùng "thư cảm ơn", phản hồi của khách hàng để giới thiệu và gia tăng uy tín cho sản phẩm của mình. Mô-típ chung là "nhân vật chia sẻ" cho biết trước khi sử dụng đến sản phẩm thì dùng rất nhiều loại khác không có tác dụng, nhưng đến khi sử dụng sản phẩm đang được quảng cáo thì hiệu quả tức thì. Đó cũng là lý do người dùng viết thư cảm ơn, lời "feedback" để chia sẻ cho người khác. Để tăng tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh cụ thể của nhân vật trải nghiệm. Nhưng có muốn kiểm chứng được về những “bằng chứng sống” này cũng là một nhiệm vụ bất khả thi.

Hiện các bài cảm ơn, chia sẻ kinh nghiệm này được lan truyền rất nhiều trên mạng xã hội, website bán hàng... Và dù đã vi phạm quy định trong Nghị định 158 của Chính phủ về xử lý vi phạm về quảng cáo, hành vi sử dụng thư tín, hình ảnh của nhân viên và cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, quảng cáo gây hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh... nhưng tình trạng này vẫn rất khó kiểm soát và xử lý dứt điểm.

SLIMHERBAL TỰ "VẼ" RA CÁC BÁC SĨ, CHUYÊN GIA BẢO CHỨNG CHO SẢN PHẨM? 

Slimherbal được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc dòng TPCN giảm cân. Sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất tại Công Ty Dược Phẩm Và Thương Mại Phương Đông. Chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm thuộc về Công Ty Kiwi Econnect..

Theo quảng cáo, “Slimherbal có công dụng giảm được từ 7 đến 10kg chỉ sau một liệu trình sử dụng nhưng không gây ra hiện tượng mệt mỏi, mất nước. Hỗ trợ tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, kích thích đốt cháy mỡ thừa đem lại tác dụng giảm cân nhanh chóng; đốt cháy mỡ thường, hạn chế thèm ăn, sản phẩm ngăn ngừa sự hình thành của các mô mỡ mới. Thành phần 100% tự nhiên an toàn tuyệt đối không gây tác dụng phụ...”.

Slimherbal được nghiên cứu và sản xuất tại Công ty Dược phẩm và Thương mại Phương Đông. Chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm thuộc về Công Ty Kiwi Econnect..

Nói về các mức độ giảm cân, có một nguyên tắc chung mà các chuyên gia và bác sĩ đã chia sẻ đó là việc giảm cân an toàn sẽ dừng lại ở mức giảm 0,45 - 0,9kg mỗi tuần hoặc 1,6kg - 3,6 kg mỗi tháng. Nói cách khác, đó là khoảng 5 - 10% trọng lượng cơ thể. Và để làm được điều đó cần tiêu thụ calo (hay còn gọi là nạp ít lượng calo hơn so với mức cơ thể cần để duy trì cân nặng hiện tại) khoảng 3.500 calo, hay 5.000 calo mỗi ngày.

Tiến sĩ Elizabeth Lowden, bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Trung tâm giảm cân phẫu thuật và sức khỏe chuyển hóa Northwestern Medicine - Hoa Kỳ cho biết: “Trừ khi bạn đăng ký tham gia một chương trình giảm cân có sự giám sát về mặt y tế hoặc bạn vừa trải qua một cuộc phẫu thuật giảm cân thì việc giảm hơn 10 cân mỗi tháng là rất hiếm”.

Vậy nhưng ở một số quảng cáo các sản phẩm giảm cân như Slimherbal, việc có được các phản hồi từ khách hàng rằng đã giảm được 9 -10kg sau một tháng và 1,5 tháng sử dụng sản phẩm là rất phổ biến, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các website. Thậm chí, trên một website, còn có thông tin Slimherbal giúp giảm tới 25 - 30kg chỉ sau 1 tháng sử dụng.

Cũng liên quan đến việc quảng cáo các sản phẩm TPCN, tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Dù vậy, trên website quảng cáo Slimherbal, hình ảnh một Chuyên gia dinh dưỡng thẩm mỹ là Chuyên gia Oanh Hoàng, mặc áo blouse trắng đã được sử dụng kèm dòng thông tin: Đánh giá từ chuyên gia về sản phẩm Slimherbal: So với các sản phẩm khác trên thị trường thì SLIMHERBAL là sản phẩm hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ máu hoàn toàn khác biệt. Thành phần 100% thảo dược tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là quá trình làm săn chắc vùng da có mỡ, chuyển hóa mỡ thừa thành năng lượng. SLIMHERBAL đã và đang được đông đảo những người thừa mỡ, béo phì trên khắp đất nước tin dùng. Sản phẩm đã được Bộ Y Tế kiểm nghiệm và cấp phép sử dụng nên rất an toàn với cơ thể. Bạn hoàn toàn có thể loại bỏ đến 4kg mỡ thừa chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng sản phẩm. Nghiên cứu lâm sàng đã xác nhận rằng, để đạt được kết quả tốt nhất có thể, một liệu trình kéo dài 30 ngày sử dụng SLIMHERBAL là trung bình. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu đã có vào ngày thứ bảy sử dụng sản phẩm!

Slimherbal có mạo danh hình ảnh Chuyên gia, Bác sĩ để trục lợi hay không
Slimherbal có "mạo danh" hình ảnh Chuyên gia, Bác sĩ để trục lợi hay không?

Chưa kể những vi phạm về việc sử dụng hình ảnh nhân viên y tế, mặc trang phục của nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm, tính xác thực về phát ngôn của người được gọi là Chuyên gia dinh dưỡng thẩm mỹ này cũng còn nhiều câu hỏi bởi rất khó khăn để tìm được thông tin về vị chuyên gia này. Một số nỗ lực tìm kiếm chỉ cho thấy một kết quả tương tự về một "Chuyên gia dinh dưỡng thẩm mỹ Oanh Hoàng" chuyên bán thực phẩm chức năng, ngũ cốc dinh dưỡng... trên Facebook. 

Không chỉ dùng hình ảnh chuyên gia trong nước, đơn vị bán Slimherbal còn sử dụng cả hình ảnh và câu chuyện của một bác sĩ Hàn Quốc. Cụ thể, một website đưa câu chuyện về bác sĩ Lee Hwang Won - người được cho là chuyên gia dinh dưỡng, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho rất nhiều ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc. Theo website này, TS. BS Lee Hwang Won đã chia sẻ công khai trên một chương trình chăm sóc sức khỏe và làm đẹp tại Hàn Quốc về một phương pháp giảm cân an toàn mà ông thường tư vấn cho nhiều ngôi sao Hàn Quốc là một sản phẩm đặc biệt có tên Slimherbal. Sản phẩm này giúp giảm 25 - 30kg chỉ sau một tháng.

Điều đáng nói, hình ảnh người mặc áo blouse trắng mà website này sử dụng với dòng chú thích là chân dung bác sĩ Lee Hwang Won thực chất lại có tên là Park Woo Sik. Vậy thì, độ uy tín của thông tin mà vị "bác sĩ" này chia sẻ đáng tin đến đâu? Liệu người tiêu dùng có biết? 

Người được cho là bác sĩ Lee Hwang Won thực chất lại có biển tên là Park Woo Sik

Để tìm hiểu rõ hơn về những tác động của quảng cáo với tâm lý người tiêu dùng, chúng tôi đã liên hệ với Chuyên gia tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam. PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: "Việc cố tình vi phạm quy định, sử dụng hình ảnh y bác sĩ không có thật hoặc không kiểm chứng được là hành vi lợi dụng tâm lý khách hàng, quảng cáo sai sự thật, cố ý đưa ra nhiều tuyên bố sai lệch, gây hiểu lầm, lừa dối người tiêu dùng để quảng bá và mục đích bán các sản phẩm, dịch vụ cho công chúng với giá cao hơn giá trị thực.

Những hình thức thường thấy là dùng các thủ thuật như sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng, những người làm chuyên môn, cảm nhận từ những người đã sử dụng sản phẩm để tuyên bố rằng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, chứa những khoáng chất trên thực tế không có hoặc có rất ít. Cũng có thể là tạo ra một tuyên bố sai về chất lượng của sản phẩm trên cơ sở so sánh với các sản phẩm tương tự trên thị trường, nói dối về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm". 

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, sẽ chẳng có sản phẩm TPCN nào nói đến tác hại trong quảng cáo nên NTD cần hết sức thận trọng
PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, sẽ chẳng có sản phẩm TPCN nào nói đến tác hại trong quảng cáo nên NTD cần hết sức thận trọng

Với sản phẩm TPCN, các dòng chữ như hữu cơ, tự nhiên, ăn kiêng, không chất béo, không đường xuất hiện thường xuyên và luôn được nhấn mạnh, in đậm... khiến người tiêu dùng tự động lựa mua những mặt hàng lành mạnh này vì chắc mẩm sẽ là 100% hữu cơ mà không hiểu rằng, 100% hữu cơ, tự nhiên chưa chắc đã là 100% an toàn, còn chưa kể đến việc có khi chỉ được vài chục phần trăm hữu cơ chứ không được 100% như quảng cáo.

"Những quảng cáo sai sự thực như thế này nếu không được phát hiện và xử lý sớm, có thể khiến những công ty làm ăn trung thực bị cạnh tranh, dẫn đến thua lỗ. Và khi nhiều vụ việc quảng cáo sai sự thật bị phát hiện. Người tiêu dùng mất đi niềm tin nói chung không chỉ với những sản phẩm quảng cáo sai sự thật mà còn có thái độ tiêu cực với tất cả các dòng sản phẩm cùng loại", PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.

Về vấn đề này, dưới góc nhìn của PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, truyền thông là một thông điệp mà người sản xuất ra sản phẩm đó muốn người tiêu dùng hiểu được sản phẩm đó có tác dụng như thế nào. Với người sản xuất ra sản phẩm thì đương nhiên họ phải rất tin tưởng vào thành quả của mình nên họ truyền tinh thần vào sản phẩm, truyền sang ngôn ngữ của người sử dụng, cho nên đôi khi nói đi quá giới hạn cho phép, trong đó đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

Không dừng lại ở việc sử dụng hình ảnh các y, bác sĩ, chuyên gia để chứng minh về độ uy tín cho sản phẩm của mình, trên các website bán hàng, đơn vị phân phối Slimherbal không quên cung cấp hình ảnh các giấy tờ có dấu đỏ của của các đơn vị chức năng như Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hay Văn phòng công nhận chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ). Vậy nhưng cụ thể những giấy tờ này là gì, có nội dung như thế nào thì rất khó nói bởi chất lượng hình ảnh kém, mờ, nhỏ, không nhìn rõ. Khi click vào hình ảnh để xem thì thay vì phóng to bức ảnh lại dẫn đến một trang web bán hàng với các lệnh "chốt đơn" khác. Với những thông tin còn nhiều dấu hỏi như vậy, không rõ sản phẩm Slimherbal có thể đảm bảo tới đâu trong quá trình hỗ trợ giảm cân cho người sử dụng? 

Hình ảnh các giấy tờ có dấu đỏ của của các đơn vị chức năng như Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hay Văn phòng công nhận chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ được công khai nhưng chất lượng hình ảnh kém, mờ, nhỏ
Hình ảnh các giấy tờ có dấu đỏ của của các đơn vị chức năng như Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hay Văn phòng công nhận chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ được công khai nhưng chất lượng hình ảnh kém, mờ, nhỏ.

Rõ ràng, dù các lời quảng cáo về TPCN giảm cân có hoa mỹ như thế nào, người tiêu dùng vẫn nên tự mình tìm hiểu về các thành phần tại các nguồn uy tín hoặc hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, chứ không phải kiểm tra lại với người bán hàng bởi có thể câu trả lời nhận được chỉ là những lời tâng bốc, quảng cáo thái quá về chức năng thần thánh của sản phẩm.

Thành phần sản phẩm và cơ chế giảm cân là 2 yếu tố vô cùng quan trọng mà người dùng phải tìm hiểu. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm giảm cân nhập khẩu chứa sibutramine đã bị Bộ Y tế “bêu tên” như sản phẩm LKS Coffee, sản phẩm Serifa Beauty Solidmolid, sản phẩm Rozell Detox, sản phẩm RO Slim Booster, sản phẩm Clinic K… Đây là một chất cấm gây nhiều ảnh hưởng xấu đến tim mạch nhưng nếu không tìm hiểu kỹ, liệu người tiêu dùng có biết để tránh những sản phẩm này hay không?

Trước thực trạng trên, các bác sỹ khuyên rằng, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo trước những chiêu trò quảng cáo hấp dẫn với những công dụng tuyệt vời của TPCN để tránh mang họa vào thân. Khi thấy có những triệu chứng bất thường do sử dụng TPCN nên ngưng sử dụng và đến ngay bệnh viện để có được những biện pháp cứu chữa kịp thời.

“Mong mọi người hãy sáng suốt và cảnh giác, đặc biệt là người có những bệnh mãn tính do việc sử dụng các sản phẩm có thành phần độc tố có thể làm trầm trọng hơn căn bệnh sẵn có! Hãy tỉnh táo khi đưa ra một quyết định gì đó cho bản thân và những người thân yêu chung quanh! Có thể chén cơm, mớ rau, dĩa trái cây tươi còn có tác dụng tốt hơn là những muỗng bột thực phẩm chức năng mà người quảng cáo đang thần thánh hóa”, TS. Nguyễn Hồng Vũ - công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Hoa Kỳ đưa ra lời khuyên.

Theo nhiều chuyên gia y tế, cách sử dụng thực phẩm chức năng tốt nhất là phải có sự hướng dẫn của bác sĩ và những chuyên viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, hơn nữa người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác vì rất có thể mua nhầm hàng kém chất lượng. Đối với những loại thực phẩm chức năng có tác dụng tăng/giảm cân như trên, người sử dụng cần ý thức được những loại thực phẩm đó chỉ có chức năng hỗ trợ, chứ không có tác dụng toàn phần, nếu người sử dụng không kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý thì không thể có kết quả rõ rệt. 

Trên thị trường còn rất nhiều các sản phẩm giảm cân khác như Viên uống giảm cân AB Nhật Bản, Keto Slim, Lic... Những sản phẩm này có thực sự tốt như quảng cáo?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo TPCN sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CPNghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, như sau:

Trường hợp quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 68.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Nếu quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, thì bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017.

Đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/loi-dung-hinh-anh-bs-chuyen-gia-muon-kieu-bay-cua-tpcn-20201231000002112.html