19/01/2025 | 12:06 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 4 - Hoàng Long Huresu: Hành vi của nguyên Phó Giám đốc có dấu hiệu gian dối

Cập nhật lúc: 09/04/2020, 19:00

Những hành vi của bà Thủy - nguyên Phó Giám đốc Công ty Hoàng Long Huresu khiến 131 người không thể XKLĐ dù đã nộp tiền, liệu có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Nhiều hành vi có dấu hiệu gian dối

Nguyễn Thị Ngọc Thủy được Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (Hoàng Long Huresu) bổ nhiệm làm Phó Giám đốc công ty từ ngày 18/6/2018. Tuy nhiên, do làm việc không hiệu quả và có nhiều hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín của Hoàng Long Huresu mà bà Thủy đã bị cho thôi việc kể từ ngày 22/2/2019.

Những hành vi sai phạm của bà Thủy là gì thì Hoàng Long Huresu không tiết lộ, tuy nhiên trước đó bà Thủy đã nhận tiền của Công ty Công ty CP Vina Kinokuniya (Công ty Vinakino) để tiến hành XKLĐ cho hơn 150 người. Số người được XKLĐ thành công thực tế chỉ có 20 người, và chi phí bỏ ra để thực hiện việc này cũng lại do Hoàng Long Huresu chi trả chứ không phải bà Thủy.

Bên cạnh đó, chức danh Phó Giám đốc không chỉ được bà Thủy sử dụng với tư cách đại diện cho Hoàng Long Huresu, mà còn là Phó Giám đốc một số doanh nghiệp khác gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thịnh Long; Công ty Cổ phần Cung ứng Nhân lực Quốc tế Thành Đạt; Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trong đó, em gái bà Thủy là đại diện pháp luật cho Công ty Thành Đạt.

Bà Thủy tự xưng là Phó Giám đốc của nhiều doanh nghiệp liên quan đến XKLĐ ở phần chữ kí email cá nhân.

Đáng chú ý là tại các email do bà Thủy sử dụng để trao đổi với đối tác, thì cả 3 doanh nghiệp gồm Công ty Thịnh Long, Hoàng Long Huresu và Công ty Thành Đạt đều được đặt địa chỉ là số 80B Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Cần điều tra, làm rõ hành vi của bà Thủy

Liên quan đến những vấn đề trên, phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Đạt - Công ty Luật TNHH SH Legal Việt Nam.

Ông Đạt cho biết, việc bà Thủy được bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc Công ty Hoàng Long vào ngày 18/5/2018 nhưng lại sử dụng chức danh này để làm việc, trao đổi với Vinakino từ tháng 9/2017 có thể xem là hành vi gian dối. Hành vi này có thể được thực hiện qua lời nói, qua việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể. 

Ông Đạt cũng nhận định: “Hành vi gian dối có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không cần được xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như hành vi gian dối được thực hiện để chiếm đoạt tài sản thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bên cạnh việc sử dụng chức danh từ trước khi được bổ nhiệm, bà Thủy còn tự ý nhận địa chỉ số 80B Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội là chi nhánh của Hoàng Long Huresu mặc dù thực tế không phải như vậy. Đây cũng có thể coi là một hành vi lừa dối. Trường hợp Hoàng Long Huresu biết việc bà Thủy tự ý “đặt” chi nhánh tại số 80B Nguyễn Văn Cừ nhưng không có động thái ngăn cản sử dụng địa chỉ này thì cần được làm rõ, lý do tại sao Hoàng Long Huresu lại không ngăn cản?

Hành vi gian dối là một trong những dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, để xem xét có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không cần chứng minh có hành vi chiếm đoạt tài sản hay không?”, ông Đạt cho hay.

Để có thể kết luận những hành vi của bà Thủy và những cá nhân, tập thể liên quan có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra, cơ quan chức năng.

Đại diện Công ty CP Vina Kinokuniya cho biết, hồ sơ vụ việc đã được gửi tới Công an Hồ Chí Minh tiếp nhận làm sáng tỏ, bao gồm cả hành vi gian dối của bà Thủy và trách nhiệm của Công ty Hoàng Long Huresu. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng.