22/11/2024 | 23:09 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 3: Phơi nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra

Cập nhật lúc: 15/04/2020, 14:07

Sau những giờ tập huấn ở CDC, Nguyễn Xuân Thiện, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội cùng các bạn sinh viên tình nguyện ngay và luôn có mặt tại những điểm cách ly để hỗ trợ các y, bác sỹ...

Sau những giờ tập huấn ở CDC, Nguyễn Xuân Thiện, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội cùng các bạn sinh viên tình nguyện ngay và luôn có mặt tại những điểm cách ly để hỗ trợ các y, bác sỹ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Có lẽ vì chưa chính thức bước vào “cuộc chiến” nên khi gọi điện cho tôi, em vẫn vui vẻ: “Bọn em vẫn có thời gian để ăn chị ạ”. Sau cái hẹn sẽ điện lại chia sẻ công việc của em làm hôm đó, điện thoại của Thiện luôn trong trạng thái treo.

Bởi theo như chia sẻ của My (cô sinh viên đã nhắc đến kỳ 1) thì, do khi trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm, các em không thể sử dụng điện thoại hay bất cứ đồ dụng nào khác ngoài những thiết bị y tế phục vụ công việc.

Để nói chuyện hoặc tìm hiểu công việc của các em sinh viên tình nguyện của trường ĐH Y Hà Nội trong thời gian này vô cùng khó khăn. Bởi các em đã thực sự trở thành những “chiến binh” cùng các y bác sỹ trong công tác phòng, chống dịch. Trong khi những du học sinh, những cô cậu cùng lứa với các em đang yên ổn cách ly ở các ký túc xá hay doanh trại bộ đội thì ở bên ngoài, các em đang quay cuồng với công việc. Bánh mỳ, sữa hay những bữa ăn nhanh, đơn giản là “nguồn” năng lượng để các em đủ sức đương đầu với rất nhiều công việc đang chờ sẵn.

Sau những giờ học thế này, là thời gian các em chính thức hòa cùng đội ngũ các chiến binh.   
 Ảnh: ĐH Y Hà Nội cung cấp

Thiện kể, buổi sáng sau khi tập huấn xong ở CDC, em và các bạn chiều lên Quốc Oai để hỗ trợ các y, bác sỹ trên ấy lấy mẫu xét nghiệm. Lúc này, cũng giống như bao nhân viên y tế khác, các em trường kỳ với khẩu trang, với bộ đồ bảo hộ. Điện thoại, giấy sách… để riêng một chỗ, chẳng còn thời gian mà nghe điện thoại, chẳng đủ thời gian mà buồn bực với khóa luận, tất cả là vận dụng những kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế. Với hàng trăm, hàng nghìn người phải lấy mẫu để xét nghiệm, thì không cần phải trực tiếp làm, chỉ cần hỗ trợ thôi cũng đủ để các em mệt nhoài sau mỗi ngày hết việc.

“Bọn em vẫn có thời gian về nhà nghỉ ngơi”, Thiện nói, bởi em biết rằng, như vậy các em còn được ưu ái chán. Vì ở ngoài kia, các y bác sỹ… đồng nghiệp tương lai của các em, có những người hàng tháng trời chưa rời khỏi khu điều trị để về nhà. Hoặc như các anh, các chú bộ đội, CA, chính quyền… những người nhận nhiệm vụ sắp xếp và chuyên chở người cách ly thì đến thời gian nghỉ cũng không có. Việc mọi người mệt quá, chỉ cần có chỗ tựa lưng là thiếp đi ngay lập tức cũng là chuyện thường tình. Trong tình hình hiện nay, hàng nghìn người cách ly không phải ai cũng hợp tác, thì nhân sự ở bất cứ khâu nào cũng đều vô cùng áp lực và mệt mỏi như nhau.

Tình nguyện và cống hiến, nhưng theo Thiện, nhiều bạn còn giấu không cho chủ nhà mình trọ biết các em đang làm công việc gì. “Các bác ấy sợ bọn em bị phơi nhiễm rồi về lây cho gia đình nhà các bác ấy”, Thiện nói. Được làm việc trực tiếp, được trang bị đầy đủ kiến thức, với Thiện, các em hết sức tự tin. Thế nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi những người tung tin đồn thất thiệt, niềm tin không vững vàng khiến dư luận hoang mang và hoảng sợ. Việc sinh viên trường y các em trong dịp này nhiều bạn cũng là “nạn nhân” cũng là điều dễ hiểu. Cũng may, em cho biết, mình và một số sinh viên cùng trường thuê một căn nhà riêng biệt thế nên cũng đỡ phải lo “đối phó” trong trường hợp này.

Phơi nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Chẳng ai nói trước được điều gì, bởi hiện tại đã có một bác sỹ bị phơi nhiễm khi điều trị cho bệnh nhân Covid. Nhưng theo Thiện, trước khi vào cuộc chiến này, các em đã được trang bị kiến thức hết sức đầy đủ và hữu ích thế nên sẽ hạn chế ở mức thấp nhất những “tai nạn” nghề nghiệp như trên.

Thiện là một trong những sinh viên đầu tiên có tên trong danh sách tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch. Cuộc sống sinh viên trường y vốn đã không như sinh viên các trường ĐH thông thường, trong “cuộc chiến” này, các em lại càng phải cống hiến nhiều hơn. Khi hỏi về chuyện phụ cấp, Thiện cho biết, các em hiện chưa thấy có phụ cấp. “Bọn em cũng không để tâm chuyện ấy chị ạ. Em coi đây là nghĩa vụ của sinh viên y tụi em. Có như thế này mới hiểu hết ý nghĩa của ngành học, ý nghĩa của công việc của mình trong tương lai…”, Thiện nói. Với em, có mặt trong tốp sinh viên đi đầu đó vốn đã rất ý nghĩa.

    (Còn nữa)