19/01/2025 | 12:04 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 10: Xử phạt TPCN như \"đấm bịch bông\", cơ quan quản lý và NTD cần làm gì?

Cập nhật lúc: 14/06/2021, 06:15

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường thực phẩm chức năng nhận định, trong thời gian tới nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.

Vì sao "mảnh đất" thực phẩm chức năng ngày càng màu mỡ?

Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, với tốc độ nhanh chóng. Đây trở thành “mảnh đất màu mỡ” thu hút nhiều doanh nghiệp tập trung vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường thực phẩm chức năng nhận định, trong thời gian tới nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng đã gây ra không ít những khó khăn trong việc quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là trong việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Theo Bộ Y tế, thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người nhằm nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, cụ thể Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định thực phẩm chức năng gồm: Thực phẩm bổ sung (như các vitamin, khoáng chất, acid amin, acid béo, enzym, probiotics, prebiotics), các chất bổ sung có lợi cho sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dành cho các chế độ ăn đặc biệt, có lợi cho sức khỏe hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam đã cho kết quả thống kê như sau: Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng. Số sản phẩm được lưu hành trên thị trường cũng chỉ là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4,190 công ty đăng ký sản xuất kinh doanh TPCN. Số lượng sản phẩm được lưu hành cũng là một con số khổng lồ, lên tới hơn 10.930 sản phẩm. Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng thực phẩm chức năng cũng gia tăng đáng kể, cụ thể, đến năm 2019, tổng số người sử dụng là hơn 20 triệu người, chiếm tới hơn 21% dân số Việt Nam. 

Qua đó để thấy, thị trường thực phẩm chức năng đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ. Điều này diễn ra sở dĩ bởi các nguyên nhân sau:

Một, thực phẩm chức năng được biết đến với nhiều công dụng như: Chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng, hỗ trợ làm đẹp, hỗ trợ điều trị rất nhiều chứng và bệnh tật. Ngoài ra, việc tồn tại nguy cơ gia tăng các bệnh mãn tính không lây ngày càng gia tăng. Đây là các bệnh chưa thể phòng bệnh bằng vaccine, mà cần thực hiện bổ sung thông qua các vitamin, các vi chất dinh dưỡng, các khoáng chất, các chất chống oxy hóa - đó chính là thực phẩm chức năng.

Hai, cuộc sống hiện đại, người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ, do đó mà lượng thực phẩm chức năng được bán ra thị trường cũng tăng trưởng nhanh chóng.

Ba, dưới sự phát triển của ngành quảng cáo, truyền thông, người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các loại thực phẩm chức năng.

Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way

Có thể thấy, thực phẩm chức năng đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống, GS. TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cũng nhận định rằng: Thực phẩm chức năng là công cụ dự phòng của thế kỷ XXI.

Không thể phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng trong việc dự phòng, nâng cao sức khoẻ người sử dụng, cũng như hỗ trợ bệnh nhân trong thời gian điều trị bệnh. Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý thị trường thực phẩm này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Thứ nhất, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giả được bán tràn lan với nhãn mác mờ nhạt hoặc không có bất kỳ chứng nhận nào của cơ quan có thẩm quyền, điều này đe doạ rất lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Thứ hai, thực trạng nhiều bác sĩ kê đơn thuốc sai quy định, cụ thể, điểm c khoản 10 Điều 4 Thông tư 52/2017/TT-BYT quy định về nguyên tắc kê đơn thuốc là không được kê vào đơn thuốc thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các bệnh viện, tình trạng các bác sĩ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc diễn ra rất phổ biến. Theo đó mà niềm tin của người bệnh đối với công dụng của thực phẩm chức năng trong việc chữa bệnh càng được “thần thánh hoá” hơn.

Thứ ba, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng thực hiện nhiều hoạt động quảng cáo quá mức về chức năng, công dụng của sản phẩm. Cụ thể, nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng nhiều chiêu trò cố tình quảng cáo sai sự thật, “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng xem thực phẩm chức năng như “thần dược” hoặc nhầm tưởng tác dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, điều này gây nên nhiều nguy cơ đe dọa tiềm ẩn đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Không ít người tiêu dùng vì thiếu hiểu biết, lạm dụng thực phẩm chức năng khiến bệnh không những không được chữa mà còn mất tiền oan. 

Hình phạt nào cho hành vi quảng cáo sai sự thật?

Đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật hoặc không tuân theo quy định pháp luật, hiện nay pháp luật đã có những quy định từ xử phạt vi hành chính cho tới xử lý hình sự, cụ thể như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính 

Theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo như sau:

a. Phạt tiền (khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 52)

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng quy định dòng chữ và không đọc hoặc đọc không rõ ràng nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với thực phẩm chức năng; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
….
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh”

b. Hình thức xử phạt bổ sung (khoản 5 Điều 52)

“b) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.”

c. Biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 6 Điều 52)

“a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này

Xử lý hình sự

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mặc dù đã có những quy định về chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo, tuy nhiên thực tế việc quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng trên thị trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật hoặc không tuân theo quy định pháp luật vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập. Để xử lý dứt điểm “vấn nạn” này cần có sự điều chỉnh, phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành liên quan và với người tiêu dùng trong quá trình thực hiện.

Cụ thể:

Trước tiên, đối với các cơ quan chức năng, để bảo vệ người tiêu dùng cần: (i) Ban hành những văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa đối với việc sản xuất, chế biến và lưu thông các mặt hàng thực phẩm chức năng; (ii) Có các chế tài xử phạt mạnh hơn nữa để có thể đủ sức răn đe các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng hoặc có hành vi quảng cáo sai sự thật công dụng của thực phẩm chức năng; (iii) Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về thực phẩm chức năng, hạn chế tình trạng hiểu sai công dụng của thực phẩm chức năng, dẫn đến nhầm lẫn đây là thuốc chữa bệnh; (iv) Thông báo công khai để người tiêu dùng biết các sản phẩm không đảm bảo đã được cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, để người tiêu dùng biết và tránh mua phải.

Tiếp theo, ở góc độ người dân, mỗi người dân cần là một người tiêu dùng thông thái, luôn tỉnh táo khi mua các sản phẩm thực phẩm chức năng. (i) Tìm hiểu rõ thông tin, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, phân biệt rõ giữa thực phẩm chức năng uy tín với sản phẩm đa cấp bởi phần lớn các sản phẩm đa cấp đều chưa được cấp chứng nhận lưu hành, chưa được cấp phép quảng cáo; (ii) Người tiêu dùng không nên mua những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không ghi rõ thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên nhãn mác, bao bì hoặc không có dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh”, những sản phẩm mà phần công dụng ghi là chữa bệnh, điều trị, hoặc chữa khỏi dứt điểm, hoặc sản phẩm tốt nhất… đều là những sản phẩm vi phạm quy định; (iii) Đặc biệt, mọi người nên có chế độ ăn uống hợp lý, lối sống lành mạnh, hoạt động thể thao thường xuyên, từ đó giảm thiểu tối đa bệnh tật, sang chấn tinh thần, đây mới chính là những "thực phẩm chức năng" an toàn và có lợi nhất cho sức khỏe. 

* Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xu-phat-tpcn-nhu-dam-bich-bong-co-quan-quan-ly-can-lam-gi-20201231000002672.html