19/04/2024 | 05:52 GMT+7, Hà Nội

Kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản tại các địa phương đang giãn cách xã hội

Cập nhật lúc: 11/09/2021, 06:15

Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên quan kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch nhất là tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Ngày 10/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 6223/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Nông sản tại phía Nam đang vào vụ và cần được hỗ trợ tiêu thụ.
Nông sản tại phía Nam đang vào vụ và cần được hỗ trợ tiêu thụ.

Theo đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến, tiêu thụ nông sản tại một số địa phương phía Nam, nhất là tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai gặp khó khăn, dẫn tới một số mặt hàng nông sản đến vụ bị tồn đọng khối lượng lớn, giá giảm sâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung thời gian tới.

Trước khó khăn nêu trên, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ nông sản, kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện mặt hàng thực phẩm, lương thực ở các tỉnh, thành phía Nam đang vào mùa thu hoạch nên nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, do giãn cách phòng dịch Covid-19, các địa phương này đang tồn đọng số mặt hàng nông sản gần 2.700 tấn, gồm: 75 tấn rau màu, 470 tấn trái cây, 2.000 tấn thủy sản, 94 tấn các sản phẩm chăn nuôi…

Còn theo Bộ Công Thương, trong tháng 7/2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có 19 tỉnh, thành phía Nam hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; do đó, việc tiêu thụ nông sản gặp phải không ít khó khăn do đang vào thời điểm thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây như: Nhãn, chôm chôm, mít Thái, cam, xoài…

Những ngày qua tại địa bàn vùng dịch, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, thương lái thu mua và nhân công gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương khiến số lượng thu mua không nhiều. Bên cạnh đó, số cơ sở giết mổ mở cửa cũng giảm do thiếu nhân công lao động, nhân viên thú y kiểm soát và chợ truyền thống đóng cửa đã khiến các sản phẩm chăn nuôi tắc nghẽn tiêu thụ. 

Các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đang thực hiện giãn cách, không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động để đảm bảo yêu cầu chống dịch, do vậy ảnh hưởng đến lượng thu mua nông, thủy sản.

Điều đáng nói, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản, thủy sản nội tỉnh, liên tỉnh để đưa đi tiêu thụ trong nước cũng như đưa đến cảng, cửa khẩu để xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc phải đóng các chợ đầu mối lớn và hệ thống chợ truyền thống tại TP.HCM làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu mua của hệ thống thương lái, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông và tiêu thụ lượng hàng nông sản, thủy sản của các tỉnh, thành phố phía Nam.

Nguồn: https://congluan.vn/kip-thoi-ho-tro-ket-noi-dau-ra-cho-nong-san-tai-cac-dia-phuong-dang-gian-cach-xa-hoi-post155286.html