19/01/2025 | 18:28 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam vượt \"gió ngược\", chờ kỳ tích cuối năm 2023

Cập nhật lúc: 29/12/2022, 15:04

Kinh tế nội địa sẽ bớt khó khăn từ quý II/2023 và sẽ có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 do hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.

Kinh tế năm 2023 vẫn có điểm sáng

Tại Toạ đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023” tổ chức chiều 27/12, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế - tài chính và các doanh nghiệp cùng nhà đầu tư phân tích nhận diện bức tranh kinh tế toàn cầu, các xu hướng và cơ hội kinh doanh cho năm tới.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu WiGroup dự báo năm 2023 dự báo kinh tế khó khăn hơn năm 2022. Các dấu hiệu đã bắt đầu với số lượng các đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ những tháng cuối năm 2022 từ các chỉ số MPI, M2… đều giảm và kéo dài sang quý I/2023.

Tuy nhiên, đây sẽ là yếu tố để Chính phủ mở thị trường tiền tệ kích thích phát triển kinh tế. Do đó, tình hình thanh khoản có thể sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.

“Lạm phát toàn cầu giảm nhanh, lạm phát Việt Nam lại được dự báo sẽ cao trong năm 2023. Chính phủ cũng đưa ra mức lạm phát 5% năm 2023 trong khi các năm trước chỉ là 4%, điều này cho thấy Chính phủ và các chuyên gia cũng nhận định lạm phát sẽ cao. Vì vậy, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ cao những tháng đầu năm nhưng giảm dần, khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm 2023", ông Báu nhận định.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển đề cập đến viễn cảnh xấu của kinh tế toàn cầu trong năm 2023 khi mà thế giới vẫn đang trong vòng xoáy lạm phát, khiến cho chính sách tiền tệ của Fed và ngân hàng trung ương các nước phát triển đều ở trạng thái phòng thủ, không hỗ trợ cho đầu tư.

Ngoài ra vấn đề còn đến từ xung đột Nga-Ukraine chưa giải quyết xong và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ tại toạ đàm. Nguồn ảnh: BTC
TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ tại toạ đàm. Nguồn ảnh: BTC

Dù vậy, ông nhấn mạnh Việt Nam vẫn là một điểm sáng, vượt qua mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế phát triển. Chỉ số CPI 11 tháng đầu năm tăng 4,5%, tập trung trong nhóm dịch vụ và hàng thực phẩm, tuy nhiên vẫn ở trong mức kiểm soát. Tỷ giá USD tăng hơn năm 2021 nhưng không cao hơn mức lãi suất tiền gửi. 

“Tỷ giá mặc dù tăng rất mạnh, năm 2022 ở mức 2,2%, tuy nhiên so với lãi suất ngân hàng mức cơ bản, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,5-7%, VND vẫn thực dương, giá trị đồng tiền Việt Nam vẫn ổn định", ông Hiển nói.

Ngoài ra, xuất nhập khẩu vẫn là động lực mạnh mẽ của nền kinh tế, với mức tăng mạnh so với năm 2021. Việt Nam xuất siêu 10,6 tỷ USD trong 11 tháng.

Theo quan sát xuyên suốt, chuyên gia cho rằng từ tháng 9 đến tháng 12/2022, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, kẹt tín dụng,... không phải từ chính sách mà từ bất ổn của cách sử dụng vốn để từ đó kiểm soát từng bước uyển chuyển, không gây ra các cú sốc như giai đoạn 2011-2012.

“Những gì chúng tôi lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế, nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay mà chúng ta lo lắng thì ở năm sau sẽ được tháo gỡ”, ông Hiển nhận định.

Dự báo diễn biến kinh tế 2023, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I - II/2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý III.

“Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, từ quý IV/2023 tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh”, TS. Hiển nói.

Doanh nghiệp cần có kịch bản phục hồi

Theo khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, kết quả ghi nhận có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.

Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động

Hiện VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, mới nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Song song đó, để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023 từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong năm 2023 là tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD.

 Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại toạ đàm. Nguồn ảnh: BTC
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại toạ đàm. Nguồn ảnh: BTC

Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực để vượt cơn gió ngược, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ”.

Với vai trò đồng hành với doanh nghiệp, Lãnh đạo VCCI khẳng định, VCCI đề cao sứ mệnh của mình góp phần “hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính” VCCI tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật; tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan.

Đặc biệt, VCCI cũng đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tham gia xây dựng và triển khai các quy hoạch, các liên kết kinh tế vùng và địa phương.

Cũng theo ông Lâm Minh Chánh, Chuyên gia Tài chính, Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni cho biết, phần lớn của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vấn đề lớn chưa phải là tài chính mà là marketing, bán hàng nếu bán hàng được thì sẽ ổn định hơn. Đặc biệt theo dõi sẽ thấy, ngành xuất khẩu nông sản năm nay vẫn tốt, có một số doanh nghiệp thấy khó khăn đã đã chuyển lên Amazon và có thể xuất khẩu tốt. Do đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc bán hàng có chiến lược kinh doanh tốt rất quan trọng.

Về quản trị tài chính cũng là bài toán cũ, chúng ta ở thế là công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ phải hết sức tiết kiệm, luôn phải có “lương khô” và quan trọng trong tài chính là giảm chi phí cố định, tăng chi phí biến động bởi vì khi rủi ro xảy ra thì chi phí cố định là một khoản rất lớn.

Đơn cử như rủi ro về COVID-19, hay chiến tranh Nga-Ukraine, rủi ro lạm phát,... khi không bán hàng được thì chi phí cố định sẽ trở thành gánh nặng. Doanh nghiệp nên tập trung vào những gì mình có thể làm chuẩn nhất, còn lại là chuyển sang thuê mượn.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, doanh nghiệp cần chú ý một số yếu tố để củng cố sức chống chịu trước biến động kinh tế trong nước và ba "cơn gió ngược" từ bên ngoài bao gồm: Chính sách thắt chặt tiền tệ, khó tiếp cận với nguồn tài chính tín dụng toàn cầu; Chiến tranh Nga - Ukraine; kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Ông Lê Hoàng Châu chia sẻ, để thị trường bất động sản phát triển bền vững thì cả chính sách và doanh nghiệp cần phải hướng về nhu cầu thực. Mặt khác, để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, cần tập trung vào nhu cầu 100 triệu dân trong nước và đặt nền móng phát triển cho tương lai.

Chính phủ đã chỉ đạo tập trung tối đa nguồn vốn đầu tư công để phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Theo ông Châu: "Điều này không chỉ phục vụ cho hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài. Thị trường bất động sản sẽ được thụ hưởng những thành quả này".

Nguồn: https://reatimes.vn/kinh-te-viet-nam-vuot-gio-nguoc-cho-ky-tich-cuoi-nam-2023-20201224000016778.html