19/01/2025 | 09:41 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam 2022: Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm hoàn toàn khả thi

Cập nhật lúc: 06/02/2022, 06:15

Bước sang 2022, nhiều khó khăn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước khi dịch COVID-19 vẫn còn là ẩn số. Dù vậy, Việt Nam vẫn được dự báo đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.

2021 đầy chông gai

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội sáng 20/10/2021, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả phát triển kinh tế -xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Theo đó, ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao, kim ngạch xuất nhập khẩu ước tăng khoảng 10,7%,…

Một số chỉ tiêu 11 tháng đầu năm 2021 cho thấy sự khởi sắc đáng khích lệ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020); Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1%,... Ấn tượng nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Lý, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận xét 2021 là năm Việt Nam tiếp tục gặp khó, thậm chí khó hơn 2020. Điều này được thể hiện rõ ở căng thẳng đời sống kinh tế xã hội gắn với đại dịch. Kiểm soát dịch là một trong những điểm yếu nhất của năm nay.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong

Ngoài ra, theo ông Phong, một số khó khăn nổi bật khác có thể kể đến như lưu thông hàng hoá kể cả trong nước lẫn nước ngoài đều gặp khó khăn, tình trạng ách tắc giữa các tỉnh vẫn diễn ra, chi phí vận tải tăng vọt.

Còn về điểm tốt, theo ông Phong điểm tốt chính là cơ bản tất đều không... xấu quá. Xét trên phạm vi toàn thế giới, Việt Nam không nằm Top xấu nhất. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dương, khu vực doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục tăng. FDI vẫn vào, xuất khẩu rất tốt.

“An sinh xã hội nhiều nỗ lực mặc dù mức độ người dân chịu căng thẳng kinh tế cao”, TS Minh Phong đánh giá.

Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 hoàn toàn khả thi

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội sáng 20/10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%,...

Đại dịch COVID-19 vẫn còn là ẩn số, nhưng Việt Nam vẫn được dự báo đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.
Đại dịch COVID-19 vẫn còn là ẩn số, nhưng Việt Nam vẫn được dự báo đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.

Chia sẻ với báo chí, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 với hai điều kiện: Kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu.

TS Nguyễn Minh Phong nhận định rất khó để dự báo được tình hình COVID-19 trong năm 2022.

“Mặc dù chúng ta đã thay đổi tư duy, chấp nhận sống chung với Covid-19 nhưng dịch bùng phát thế nào vẫn rất khó đoán, đặc biệt biến chủng mới Omicron là ẩn số lớn. Chúng ta có tiến bộ trong việc tiêm vắc xin nhưng biến chủng mới có khả năng tránh vắc xin. Vì vậy, dịch Covid-19 rất khó dự báo và mang lại nhiều thách thức”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh vào vấn đề đại dịch.

Ngoài những khó khăn mà Covid-19 tiếp tục mang đến, nền kinh tế vẫn có nhiều “tia sáng”. Ông Phong kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn 2021 khi Việt Nam thực hiện chiến lược không để đứt gãy dù phải chấp nhận không ít tổn thất.

“Hoạt động xuất nhập khẩu khá hơn vì thế giới sống tốt hơn. Nhiều thị trường chính của Việt Nam tốt thì xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng tốt. Vấn đề ách tắc giữ các tỉnh được giải quyết, địa phương không được phép ngăn sông cách chợ sẽ hỗ trợ tốt cho nền kinh tế”, ông Phong chia sẻ về những thuận lợi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Tuy nhiên, ông Phong nhấn mạnh vào yếu tố Trung Quốc. Theo ông Phong, Trung Quốc vẫn là bài toán lớn khi đất nước này duy trì chính sách “Zero Covid”.

Doanh nghiệp vươn lên giữa “tâm bão” COVID-19

Khi COVID-19 xuất hiện, doanh nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tính chung 11 tháng đầu năm, dù nhiều thành lập được thành lập mới nhưng thị trường đã chứng kiến khoảng 106.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Dù vậy, vẫn có rất nhiều đơn vị nỗ lực không ngừng, vươn lên giữa “tâm bão” COVID-19 để chuẩn bị bùng nổ trong tương lai gần.

Hồi cuối tháng 10 năm nay, Tập đoàn Vingroup gây chú ý khi khởi công siêu dự án Hạ Long Xanh vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Đây là một trong những dự án phát triển đô thị có quy mô lớn nhất tại Quảng Ninh trong những năm gần đây, phạm vi ảnh hưởng đến 2 địa bàn có tốc độ phát triển năng động bậc nhất của tỉnh.

Không chỉ nỗ lực bứt phá trong mảng bất động sản mà ở lĩnh vực ô tô, Vingroup cũng lấy năm 2021 đầy khó khăn làm điểm tựa. Vừa qua, Vingroup đã có màn “chào sân” vô cùng ấn tượng cho các thương hiệu ô tô VinFast tại thị trường Mỹ.

Theo Nikkei Asia, Vingroup đã đặt mục tiêu đạt doanh số bán xe điện hàng năm từ 160.000 đến 180.000 xe tại Mỹ - tương đương 1% tổng sản lượng ô tô bán ra tại Mỹ.

Trong khi đó, bất động sản công nghiệp là một trong những lĩnh vực sôi động nhất thời gian qua do được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển vốn FDI. Theo đó, rất nhiều “ông lớn” thế giới đã và đang có kế hoạch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Vì vậy, để chào đón “đại bàng”, các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực này đã hoàn thiện cơ sở vật chật, hạ tầng chuẩn bị sẵn nơi “làm tổ” cho “đại bàng”.

Tập đoàn Kinh Bắc và Công ty con Saigontel cùng phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, chuẩn bị sẵn sàng cho một năm 2022 đầy sôi động cũng như tương lai sáng sủa phía trước.

Cùng lúc đó, Công ty cổ phần đầu tư đầu tư Tân Thành Long An, chủ đầu tư Khu công nghiệp Việt Phát cũng nhận được sự quan tâm từ dư luận khi khởi công dự án trong tháng 5/2021 – thời điểm dịch Covid-19 đang rất căng thẳng. Nhờ mạo hiểm, Khu công nghiệp Việt Phát sớm hái được trái ngọt bởi cho đến nay dự án đã hoàn tất hạ tầng kỹ thuật với diện tích hơn 160ha đủ điều kiện tiếp nhận Nhà đầu tư thứ cấp. Tới cuối năm 2022, con số này tăng lên 295ha.

Có thể thấy 2021 như một bức tranh với đầy đủ gam màu sáng tối đã trôi qua. Năm 2022 đang đến rất gần với nhiều thách thức cũng như cơ hội. Để không bị Covid-19 cản trở, để đạt được mục tiêu, cả cơ quan chức năng và khối doanh nghiệp phải cùng nhau nỗ lực không ngừng.

Nguồn: https://congly.vn/kinh-te-viet-nam-2022-muc-tieu-tang-truong-6-6-5-nam-hoan-toan-kha-thi-203162.html