Kinh tế Hà Nội hậu Covid-19: Đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước
Cập nhật lúc: 02/05/2020, 14:43
Cập nhật lúc: 02/05/2020, 14:43
Ứng phó với diễn biến này, Hà Nội đã tính đến nhiều kịch bản, và dù ở kịch bản nào thì TP cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn; xứng đáng là đầu tàu và động lực dẫn dắt, lan tỏa, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước…
Áp lực từ đại dịch Covid-19
Là một trong hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước (năm 2019, Hà Nội đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng GDP và 18,7% tổng thu ngân sách Nhà nước của cả nước), song tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội hiện chỉ tăng 3,72%, bằng một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, thậm chí thấp hơn mức tăng trưởng chung 3,82% GDP cả nước.
Các DN xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt, phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Số DN đăng ký ngừng hoạt động tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 18,1% và nhập khẩu giảm 21,3%. Tổng lượng khách du lịch giảm 47,2%, trong đó, khách quốc tế giảm 43,9%; tổng doanh thu giảm 38,8%. Số lao động thất nghiệp đăng ký tăng 22,2%. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,25%, tăng 0,76 điểm phần trăm so quý IV/2019. Nông nghiệp của TP giảm 1,17%.
Trong quý I/2020, TP Hà Nội đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
UBND TP đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND TP thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ DN chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung…
Đặc biệt, TP triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và DN tối đa; hỗ trợ kinh phí cho DN thành lập mới; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546.000 tỷ đồng); triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 đang bộc lộ mặt trái của toàn cầu hóa và mức độ phụ thuộc kinh tế cao vào một quốc gia và thị trường, nhất là làm tăng đứt gãy hàng loạt các liên kết kinh tế; làm tăng áp lực nợ, tình trạng độc quyền nhóm, cũng như thúc đẩy xu hướng áp dụng công nghệ mới, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng cả vĩ mô và vi mô.
Điểm nhấn kịch bản tăng trưởng mới của Thủ đô
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I/2020, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành cho năm 2020. Theo đó, kịch bản 1: là dịch bệnh sớm được kiểm soát, tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra; Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III, GRDP cả năm đạt 6,42%; Kịch bản 3 là dịch bệnh kéo dài hết năm, tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 5,34%. Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu là phấn đấu đạt kịch bản 1 và bám sát mục tiêu kịch bản 2, duy trì tốc độ tăng GRDP luôn cao hơn 1,3 lần mức tăng chung GDP cả nước...
Dù bất luận kịch bản nào thì TP cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn; đồng thời, tiếp tục bảo đảm tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đặt trong tầm nhìn dài hạn hướng tới mục tiêu Hà Nội trở thành TP giàu đẹp, văn minh, thông minh và hội nhập, là đầu tàu và động lực dẫn dắt, lan tỏa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của cả nước…
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng phát triển dịch vụ tiêu dùng cá nhân, thương mại nội địa; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và nông nghiệp; đẩy mạnh việc tái đàn để bảo đảm chỉ tiêu đàn lợn, góp phần kiềm chế lạm phát và phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp cả năm trên 4%; khai thác các ngành nghề có lợi thế phát triển đáp ứng nhu cầu mới thị trường, như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế; hỗ trợ DN, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch, không giảm chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội.
TP sẽ cắt giảm 5% chi thường xuyên của các cấp, ngành trong 9 tháng cuối năm 2020; tăng cường đoàn kết, phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính qua mạng điện tử mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến DN; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và nỗ lực tìm nguồn lực phát triển hạ tầng; Tăng năng lực phản ứng thị trường và phản ứng chính sách, chủ động đón bắt thời cơ và khai thác tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định Thương mại tự do…
TP cũng khởi động lại tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN. Cùng với đó, các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh, để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa bảo đảm an toàn cho hoạt động của DN.
Đặc biệt, Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các phương thức kinh doanh mới và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống dựa trên các nền tảng số hóa, khả năng phân tích dữ liệu lớn (big data) và thanh toán điện tử, các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và làm việc từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt...
Tiếp tục xây dựng nền hành chính phục vụ, văn minh, thanh lịch; thực hiện đúng quy trình, nhưng phải nhanh, dứt khoát, tránh tư tưởng lừng khừng, đùn đẩy trách nhiệm, làm sao để đẩy nhanh các quy trình thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN. Các cấp ủy, chính quyền phải đi sâu, sát dân. Các bộ, ngành chủ động tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển; phân cấp triệt để cho Hà Nội trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, theo Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và bắt đầu triển khai từ 1/7/2021 là một nội dung mới và căn cứ pháp lý rất quan trọng để Hà Nội có thêm những cơ chế chính sách đặc thù ngoài quy định của Luật Thủ đô hiện nay, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
08:36, 02/05/2020
08:03, 02/05/2020
07:20, 02/05/2020