22/11/2024 | 13:34 GMT+7, Hà Nội

Kinh hoàng công nghệ sản xuất chà bông bẩn tẩm hóa chất

Cập nhật lúc: 22/10/2015, 06:12

Công an TP.HCM vừa phát hiện một cơ sở không chỉ sản xuất chà bông trên nền đất dơ bẩn, mà còn sử dụng hóa chất Trung Quốc để tẩy màu, đường hóa hoc, bột mì không nguồn gốc nhằm tăng trọng lượng thu lợi nhuận.

Ngày 20/10, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã bắt quả tang cơ sở chế biến chà bông bẩn lẫn hóa chất độc hại của ông Đoàn Văn Thương (SN 1972, quê Ninh Bình, ngụ trên đường Sư Đoàn 9, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Tại đây, Đoàn kiểm tra bắt quả tang cơ sở sản xuất thực phẩm chà bông của ông Thương trong điều kiện hết sức mất vệ sinh. Chà bông được đổ ngay trên nền đất, ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số công nhân tham gia chế biến chà bông đều trong điều kiện không có bảo hộ lao động, dụng cụ dơ bẩn, sử dụng tay không làm thịt,...

Chà bông được chế biến cẩu thả, không đảm bảo vệ sinh

Trong khoảng thời gian phơi, sấy, chủ cơ sở cũng đề trên nền nhà đầy bụi bám vào. Chân của công nhân liên tục đi lại, dẫm đạp lên chà bông rất mất vệ sinh.

Thêm vài khâu thì thành phẩm bắt mắt nhưng rất mất vệ sinh

Ngoài ra, đề tăng trọng lượng cho chà bông, chủ cơ sở đã trộn bột mì không rõ nguồn gốc trộn với thịt gà thối một cách điệu nghệ để đánh lừa người tiêu dùng. Một điều vô cùng bất nhân ở đây là nếu làm cho gia đình mình ăn thì chủ cơ sở sẽ làm riêng vô cùng sạch sẽ, không có hóa chất.

Dùng đường của Trung Quốc có độ ngọt gấp hàng chục lần để chế biến chà bông

Sau khi kiểm tra, bắt quả tang sự việc như vậy, Đoàn Kiểm tra Liên ngành huyện Bình Chánh hỏi về giấy phép hoạt động thì chủ cơ sở này không xuất trình được. Chính vì thế, sau khi kiểm tra xong, cơ quan chức năng đã đình chỉ đối với cơ sở sản xuất này, yêu cầu dừng ngay hoạt động.

Toàn bộ tang vật gồm gần 800 kg chà bông và 20 kg đường hóa học do Trung Quốc sản xuất, 12kg bột mì không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ được tổ chức tiêu hủy. Đồng thời, chủ cơ sở còn bị phạt hành chính do không có đăng ký kinh doanh, nguyên liệu không có giấy chứng nhận kiểm dịch, cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh.

Máy làm tơi chà bông  thành sợi

Được biết, cơ sở sản xuất chà bông của ông Đoàn Văn Thương hoạt động nhiều năm nay. Nhiều lần, cơ sở của ông không hợp vệ sinh đã bị chính quyền địa phương cũng như người dân trong vùng nhắc nhở. “Tuy nhiên, ông ấy vẫn không thay đổi, tiếp tục sản xuất chà bông bẩn. Người dân chúng tôi ở đây chẳng ai dám ăn chà bông của ông ấy. Tuy nhiên, con cháu ở xa thì làm sao biết. Chính vì thế, chúng tôi bèn gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết,…”, một người dân địa phương bày tỏ.

Ông Thương khai nhận, do là sản phẩm giá rẻ nên phải tiết giảm chi phí một cách tối đa. Cụ thể, thịt gà nguyên liệu được mua với giá càng rẻ càng tốt. Trong quá trình làm, sẽ trộn nhiều bột mì vào chà bông. Để tiết giảm chi phí, cơ sở này còn dùng đường hóa học Trung Quốc để thay thế bột nêm, bột ngọt.

Loại đường hóa học này có tên gọi Sodium Cyclamate giúp tạo ngọt nhanh với chỉ một lượng nhỏ.Mỗi ngày, cơ sở này cung cấp hàng trăm kg chà bông (cả bán sỉ và lẻ) ở khắp TP.HCM với giá 45.000- 70.000 đồng/kg tùy theo yêu cầu độn bột mì nhiều hay ít từ phía khách hàng. Đồng thời để đáp ứng thị hiếu khách hàng, cơ sở này cũng làm chà bông có nhiều màu sắc khác nhau. Chủ cơ sở thừa nhận không dám ăn số chà bông giá rẻ này.

Đóng gói trước khi xuất hàng bán khắp TP.HCM 

Ông Nguyễn Lân Trường - Phó Trạm Thú y huyện Bình Chánh, đại diện đoàn Kiểm tra - cho biết đoàn lập biên bản xử lý cơ sở do không đăng ký kinh doanh, nguyên liệu thịt đầu vào không có giấy chứng nhận kiểm dịch, điều kiện cơ sở sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Đoàn yêu cầu cơ sở ngưng ngay hoạt động và chỉ được phép sản xuất khi được phép.

Về tang vật, đoàn tạm giữ gần 750 kg chà bông thành phẩm và toàn bộ đường hóa học để lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi chờ xử lý, ông Thương xin tiêu hủy toàn bộ sản phẩm. Vì không tiêu hủy, cơ sở phải tốn chi phí lưu kho, xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm không đạt chất lượng, lô hàng cũng phải bị tiêu hủy.

Đến cuối buổi làm việc, ông Thương bất ngờ xin lại một gói chà bông nhỏ trong đống thành phẩm chuẩn bị tiêu hủy với lý do giữ lại để ăn. “Loại này làm riêng để con tôi ăn, không trộn bột mì và đường hóa học!” - ông Thương giải thích.

Cuối giờ chiều cùng ngày, toàn bộ lô hàng trên đã được tiêu hủy ở bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn)./.