22/11/2024 | 07:33 GMT+7, Hà Nội

Kinh hãi "công nghệ" sản xuất tương bẩn từ bột mì và chất tạo màu

Cập nhật lúc: 08/11/2015, 05:51

Những chai tương được bán ra ngoài thị trường không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn được người tiêu dùng sử dụng trong bữa ăn hàng ngày nhưng ít ai biết nó được chế biến bằng công nghệ "đặc biệt".

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đưa tin, sáng 6/11, từ nguồn tin của người dân, tổ công tác UBND xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) kiểm tra cơ sở sản xuất tương đen, tương cà, tương ớt tại địa chỉ 22/18H ấp Trung Đông do bà Trần Thị Sương làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác ghi nhận hàng trăm bình nhựa đựng các loại tương để tràn dưới đất từ ngoài đường đến tận trong nhà. Đoàn còn ghi nhận nhiều thùng nhựa đựng đầy tương không được che đậy khiến bụi bặm dễ bám vào. Không ít thùng nhựa đựng tương cáu bẩn, dơ dáy.

Máy chiết tương đen cũ kỹ, rỉ sét

“Công nghệ” chiết tương vô bình nhựa được thực hiện trên nền đất. Máy chiết tương cũ kỹ, rỉ sét, không đảm bảo vệ sinh. Bình nhựa rỗng để tràn dưới đất, nắp đậy đóng đầy bụi. Một con chó thản nhiên qua lại khu vực chiết và đóng bình tương, thỉnh thoảng đưa lưỡi liếm miệng bình.

Tương đen đựng trong thùng nhựa dơ bẩn, không che đậy nên dễ bám bụi

Bà Sương cho biết nguyên liệu sản xuất tương đen gồm bột mì, đậu nành và màu. Nguyên liệu sản xuất tương cà, tương ớt gồm bột mì, màu, cà, ớt, tỏi. Tuy nhiên, khi tổ công tác đề nghị cho xem cà, ớt, tỏi thì bà Sương chỉ đưa ra bịch tỏi, còn cà và ớt thì không.

“Tôi dùng hương ớt, hương cà là chính, nhưng sử dụng hết rồi. Bên cạnh đó, do sử dụng bột mì mắc tiền nên nhiều lúc tôi thay thế bằng bột gạo” - bà Sương nói. Tổ công tác phát hiện khu vực để bột gạo nằm tại góc tường, sát con đường xe cộ qua lại.

Thùng nhựa đựng tương dơ bẩn cả trong lẫn ngoài

Bà Sương còn cho biết mỗi ngày cơ sở sản xuất độ 40 kg tương các loại, bỏ mối cho các chợ với giá 20.000 đồng/bình (5 lít). Tuy nhiên, tổ công tác ghi nhận hơn 100 bình tương các loại (khoảng 500 kg) chất lớp trong nhà.

Tổ công tác yêu cầu trình giấy tờ, bà Sương đưa ra giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do UBND huyện Hóc Môn cấp nhưng đã hết hạn.

Tương đen sắp từng lớp trên nên đất bụi bặm

Nắp đậy bình tương đính đầy bụi

Điều đáng nói giấy chứng nhận ghi địa chỉ sản xuất tại 21/10 ấp Trung Đông, trong khi cơ sở sản xuất của bà Sương ở số 22/18H ấp Trung Đông. Điều này sai quy định.

Ông Nguyễn Lê Trường Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn, cho biết trước mắt yêu cầu bà Hương khắc phục các điều kiện ATVSTP trong quá trình sản xuất tương.

Đồng thời liên hệ Phòng Y tế huyện Hóc Môn để lập hồ sơ cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. “Chúng tôi tiếp tục xem xét các hành vi sai phạm liên quan đến ATVSTP và đưa ra hình thức xử lý đúng pháp luật” - ông Hải nói.

Trao đổi với phóng viên, ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP có giá trị ba năm, khi hết hạn phải làm lại. “Bên cạnh đó, sản xuất phải đúng địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Sản xuất không đúng địa chỉ là sai quy định, bị xử phạt” - ThS-BS Mai cho biết thêm.

Trong khi đó, TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết màu và chất bảo quản trong tương đen, tương cà là hai loại gây ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất.

“Sử dụng màu không nguồn gốc có nguy cơ gây ung thư. Đối với chất bảo quản, sử dụng loại không phép hoặc dùng loại được phép nhưng quá giới hạn có nguy cơ ngộ độc, gây hại gan, thận. Sử dụng dài lâu có nguy cơ gây ung thư” - TS Đồng nói.

Trước đó, trên Báo Đà Nẵng phản ánh sự việc phát hiện cơ sở sản xuất tương bẩn, tương kém chất lượng là lời cảnh báo đặc biệt tới người tiêu dùng.

Cụ thể, ngày 22/9 trinh sát Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an thành phố Đà Nẵng) đã “đột kích”, bắt quả tang "lò sản xuất" tương ớt “bẩn” tại địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, do bà Đoàn Thị Hồng làm chủ cơ sở.

Cơ sở chế biến tương ớt của bà Đoàn Thị Hồng (số 8, đường Mộc Bài, phường Hòa Minh, quân Liên Chiểu) là một điểm sản xuất khá đơn sơ nằm cạnh nhà bà Hồng.

“Lò sản xuất” chỉ nhỏ khoảng 2m2, dựng tạm bợ, bên trên và xung quanh chỉ che chắn bằng vách tôn. Dưới đất “lò sản xuất” có hai thau đựng ớt tương đã thành phẩm, mỗi thau nặng gần 40kg. Phía sau “lò sản xuất” là một mãnh đất rộng gần 100m2, chính là nơi để nguyên liệu chế biến tương ớt.

Tương ớt bị phát hiện đã bốc mùi hôi thối

Những nguyên liệu này được đựng trong các bao (loại bao 50kg) chất đầy lô đất trống, không có che chắn ngăn côn trùng, mùi ớt bốc lên rất nồng. Nhiều bao tương ớt đã úa màu, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Theo khai nhận của chủ cơ sở, số lượng ước chừng 5 tấn.

Khi kiểm tra, trong nhà bà Hồng có chứa 40 bao đường phèn, 20 can nước đường. Theo khai nhận của bà Hồng thì bà sản xuất để đem bán ở chợ, trong đó có cả chợ Cồn.

Được biết, UBND quận Liên Chiểu cấp giấy phép kinh doanh, sản xuất tương ớt cho cơ sở này vào năm 2010. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, chủ cơ sở làm sơ sài, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến nhiều người dân phản ánh.

Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là bà Đoàn Thị Hồng không chứng minh được sản phẩm đạt tiêu chuẩn; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ. Nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng.

Sau khi kiểm tra, cán bộ Phòng PC49 tiến hành lập biên bản vi phạm. Vợ chồng bà Đoàn Thị Hồng đã khai nhận toàn bộ sự việc và ký vào biên bản vi phạm hành chính. Cơ quan Công an cũng đã yêu cầu chủ cơ sở phải khắc phục ngay những sai phạm, đồng thời tạm dừng hoạt động cho đến khi cơ quan chức năng có quyết định cuối cùng./.