22/11/2024 | 06:57 GMT+7, Hà Nội

Kinh doanh khách sạn có nhiều triển vọng trong năm Nhâm Dần

Cập nhật lúc: 08/02/2022, 06:15

Sau nhiều tháng "nằm im" chống dịch Covid-19, nhu cầu nhà nghỉ, khách sạn được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại trong năm 2022 cùng với sự hồi phục của ngành du lịch.

Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Trong đó, du lịch - nghỉ dưỡng là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, khi dự báo về khả năng hồi phục và phát triển trong năm 2022, nhiều đơn vị, chuyên gia vẫn cho rằng, ngành công nghiệp không khói này sẽ có những chuyển mình đầy rõ rệt. Khi du lịch được hồi phục, nhiều ngành, nghề liên quan sẽ có cơ hội vực dậy.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn bất động sản JLL, nhu cầu về chỗ ở đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến, các chủ đầu tư nhà nghỉ, khách sạn sẽ cần phải có các giải pháp thích ứng, tận dụng cơ hội để nâng cao giá trị dịch vụ, giảm chi phí hoạt động và tăng nhu cầu của người dùng.

Ngành công nghiệp lưu trú toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi của mình vào năm 2021, sau khi nhu cầu đột ngột giảm mạnh trong năm 2020 do dịch bệnh. Việc tăng tỷ lệ tiêm chủng, lượng lớn các gói kích thích kinh tế từ các Chính phủ, cùng với tình trạng "mệt mỏi" do chính sách đóng cửa biên giới đã nâng nhu cầu về chỗ ở lên mức cao bất ngờ, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngành.

Theo thống kê, giá trị giao dịch toàn cầu năm 2021 tăng 131% so với năm trước, đạt tổng cộng 66,8 tỷ USD. Vào cuối năm, tỷ lệ RevPAR (doanh thu phòng/số phòng sẵn có) phục hồi so với năm 2019 dao động từ 50 - 79% tùy khu vực, trong đó khu vực châu Mỹ dẫn đầu.

Giá trị giao dịch trên thị trường toàn cầu đạt 66,8 tỷ USD vào năm 2021. (Nguồn: JLL).
Giá trị giao dịch trên thị trường toàn cầu đạt 66,8 tỷ USD vào năm 2021. (Nguồn: JLL).
Biểu đồ so sánh chỉ số RevPAR tại các thị trường Miami (Mỹ), Berlin (Đức) và Maldives (Ảnh: JLL).
Biểu đồ so sánh chỉ số RevPAR tại các thị trường Miami (Mỹ), Berlin (Đức) và Maldives (Ảnh: JLL).

JLL cho biết, điều này thể hiện rằng các thị trường phụ thuộc nhiều vào kinh doanh và nhu cầu nhóm sẽ có tốc độ phục hồi chậm hơn so với các thị trường phụ thuộc vào nhu cầu giải trí. Tương tự, các thị trường trước đây phụ thuộc vào nhu cầu quốc tế phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với các thị trường phụ thuộc vào nhu cầu trong nước.

Trong năm 2022, vấn đề về nhu cầu và tiến độ phục hồi sẽ tiếp tục được các chủ khách sạn, nhà điều hành và các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, ngành sẽ phải điều chỉnh các rào cản hoạt động do tình trạng thiếu lao động, lạm phát gia tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng...

JLL dự đoán, ngành công nghiệp nhà nghỉ, khách sạn sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng “khách sạn hóa bất động sản thương mại” ngày càng tăng. Các thị trường đang tận dụng môi trường hoạt động hiện tại để chuyển đổi và nâng cao vị thế trên thị trường du lịch sẽ có được lượng nhu cầu và đầu tư tăng trưởng vượt trội.

Với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư háo hức tìm kiếm các tài sản có thể tạo ra thu nhập và đồng thời chống lạm phát đáng kể; ngành nhà nghỉ, khách sạn sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn dồi dào sẵn sàng triển khai.

Du lịch được dự báo dần phục hồi trong năm 2022 mang đến triển vọng cho nhiều dịch vụ.
Du lịch được dự báo dần phục hồi trong năm 2022 mang đến triển vọng cho nhiều dịch vụ.

Dự báo về khả năng hồi phục của ngành khách sạn tại Việt Nam trong năm 2022, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết: “Triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021. Việc phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ”.

Có thể thấy Việt Nam đang từng bước nới lỏng các quy định, hạn chế được thiết lập do đại dịch, hướng tới việc “chung sống an toàn với Covid-19” và nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế hoạt động và phát triển trở lại bằng những chủ trương đúng đắn, biện pháp phục hồi hiệu quả, đề xuất gia tăng những gói hỗ trợ, kích cầu cho các doanh nghiệp để có thể mang lại những tín hiệu tích cực trong năm 2022, đặc biệt là đối với ngành du lịch trong nước.

Tại Phú Quốc, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin đã được tỉnh Kiên Giang cho triển khai đầu tiên tại Việt Nam từ tháng 11/2021, với nỗ lực tiên phong tái khởi động ngành du lịch tại Việt Nam sau đại dịch. Tính đến tháng 12/2021, lượng khách nội địa đến Phú Quốc có sức bật đáng kể, tỉnh Kiên Giang cũng đồng thời chuẩn bị nhiều chính sách để sẵn sàng cho các kịch bản đón khách an toàn cả trong nước và quốc tế trong năm 2022.

Tại Hội An (Quảng Nam), các hoạt động tham quan, du lịch, phố đi bộ và xe không động cơ, phố đêm, hoạt động hướng dẫn tham quan tại khu phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà… đã được trở lại từ ngày 15/11/2021. Để kích cầu du lịch, Hội An cũng quyết định giảm 50% giá vé tham quan khu phố cổ và các làng nghề truyền thống đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, sự kiện, lễ hội hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách.

Riêng tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm 50% phí tham quan cho du khách để kích cầu du lịch (bao gồm các điểm tham quan như Vịnh Hạ Long, Khu di tích và Rừng quốc gia Yên tử, Bảo tàng Quảng Ninh) bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2022 đến 30/6/2022. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục có nhiều chính sách để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với trạng thái bình thường mới, kích cầu cho thị trường khách sạn và du lịch tái khởi động.

Thị trường khách sạn tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi và có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2022, khi kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế đón khách du lịch nước ngoài sẽ được triển khai vào 1/1/2022. Có thể nói, bức tranh thị trường khách sạn Việt Nam năm 2022 sẽ khởi sắc trở lại./.

Nguồn: https://reatimes.vn/kinh-doanh-khach-san-co-nhieu-trien-vong-trong-nam-nham-dan-20201224000009912.html