23/11/2024 | 03:25 GMT+7, Hà Nội

Kiểm soát trẻ sử dụng smartphone trong dịp nghỉ hè

Cập nhật lúc: 30/05/2019, 11:00

Thời gian qua mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao.

Kỳ nghỉ hè của các bé luôn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Cho con học gì, chơi gì để vừa tạo niềm vui, vừa mang lại những bài học thiết thực cho các bé là điều mà cha mẹ rất băn khoăn. 

Theo thống kê của ngành y tế Tật khúc xạ ở Việt Nam ước tính ở mức 15-40%, xấp xỉ khoảng 14-36 triệu người. Đối với trẻ em (từ 6-15 tuổi), tỷ lệ tật khúc xạ là 25-40% ở thành thị và 10-15% ở nông thôn. Ước tính có khoảng 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ.

Thời gian qua mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Điều này đòi hỏi các giải pháp kịp thời và khả thi để ngăn chặn tình trạng mù loà và tổn thương thị lực do tật khúc xạ gây ra nhằm góp phần đạt được Mục tiêu Thị giác vào năm 2020 của Chính phủ và ngành y tế.

 Ảnh minh họa

Chia sẻ tại hội thảo “Cập nhật những kỹ thuật mới về điều trị tật khúc xạ,” bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết, nguyên nhân khiến gia tăng cận thị ở trẻ nhỏ là bố mẹ ít có thời gian chơi cùng con nên đưa cho con điện thoại thông minh, ipad. Việc trẻ ngồi hàng giờ tập trung vào điện thoại, ipad khiến điều tiết của mắt nhiều hơn bình thường.

Bác sĩ Quỳnh phân tích: “Khi trẻ xem điện thoại thường xem liên tục và gần, mắt nhìn nhiều liên tục ở cự ly ngắn làm gia tăng điều tiết của mắt, lâu dần nếu không có điều chỉnh kịp thời sẽ làm cho trẻ cận thị. Điều đáng lo ngại là tình trạng này với trẻ thành vòng xoáy lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ làm cho tình trạng cận thị tăng nhanh, tiến triển nhanh.”

Các chuyên gia trong lĩnh vực nhãn khoa cũng cho biết, bệnh nhân cận thị, loạn thị cao có nguy cơ thoái hóa võng mạc, nếu không đi khám định kỳ, điều trị dự phòng, bệnh nhân có thể bị bong võng mạc, gây mất thị lực vĩnh viễn không thể phục hồi. Không những vậy, những bệnh nhân đã từng có biến chứng đáy mắt do tật khúc xạ cao, sau khi phẫu thuật điều trị, thị lực sẽ không đạt được tối đa như bệnh nhân khác.

Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, người bệnh khi phát hiện có những tổn thương ở đáy mắt, người bị cận, loạn thị cao cần tăng tần suất khám mắt định kỳ (khoảng 3 tháng/lần) để đeo kính đúng số và kiểm soát biến chứng ở đáy mắt. Ngoài ra, với những người có độ cận từ 10 - 15 diop cần hạn chế tối đa vận động mạnh, không chơi những môn thể thao đòi hỏi dùng sức nhiều như bóng đá, bóng rổ, chạy… hay các môn thể thao đối kháng.

Vì vậy,  mùa hè đến, nếu không cho con tham gia các khóa học kỹ năng, các hoạt động trải nghiệm, phụ huynh cần lưu ý và kiểm soát trẻ với những chiếc máy tính bảng, điện thoại vì con có thể phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm.

"Con cố gắng đạt học sinh giỏi, bố sẽ mua máy tính bảng mới cho con", "con vâng lời, mẹ cho con chơi điện thoại", "con ngồi im thì mẹ cho con chơi iPad"...

Những "cuộc thương lượng" trên dần trở nên quen thuộc hơn trong ứng xử gia đình tại khu vực thành thị. Bởi ở đó, người lớn không có quá nhiều thời gian dành cho trẻ em.

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen dùng TV, smartphone, máy tính bảng như một công cụ “giữ trẻ”. Các thiết bị với âm thanh, hình ảnh, nội dung hấp dẫn này giúp người lớn kiểm soát trẻ. Một chiếc máy tính bảng sẽ giúp trẻ "ngoan" hơn, dụ trẻ ăn dễ hơn, "trói" trẻ ngồi yên cho bố mẹ làm việc nhà.

Khóc đưa máy tính bảng, ăn đưa máy tính bảng, nghịch ngợm cũng đưa máy tính bảng. Các thiết bị công nghệ ngày nay như "liều thuốc " chữa lành mọi nỗi đau, thay thế được mọi yêu cầu của con trẻ mà không mất qua nhiều công sức của cha mẹ.

Ảnh minh họa
 

Trước đây, trẻ em thành thị tuy không có không gian rộng rãi để chạy nhảy như ở nông thôn, nhưng vẫn được phụ huynh đăng ký các khóa học thể thao, năng khiếu, các hoạt động bổ ích tại các trung tâm văn hóa. Chí ít, trẻ em thành phố có thể xem TV với nhiều chương trình hè phù hợp, được biên tập kỹ lưỡng.

Nhưng từ khi thiết bị công nghệ phổ biến, chỉ cần một chiếc máy tính bảng, con trẻ có thể ngồi im hàng giờ mà cha mẹ không tốn chút công sức nào.

Các hoạt động chủ yếu thường là chơi game, xem những video chiếu tự do trên YouTube. Những nội dung chưa được kiểm duyệt, nhảm nhí, vô bổ có thể sẽ chạm đến tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ nếu không có sự kiểm soát của phụ huynh.

Với những em không được bố mẹ mua cho một thiết bị như bạn bè thì quầy máy dùng thử quả là một thiên đường để khám phá. Ở đây không cần phải đi xa, các em vẫn có thể nhìn thấy loài voi châu phi, con công ở sở thú, công viên Disney hoặc đắm chìm vào các tựa game mobile. 

Dạo một vòng quanh các đại lý bán lẻ di động, quầy máy dùng thử thường tấp nập trẻ em vào buổi chiều tối và cuối tuần đặc biệt là dịp nghỉ hè. 

Không thể phủ nhận vai trò, lợi ích của công nghệ trong thời đại số như hiện nay. Nhưng nếu phụ huynh cứ mãi phó thác cho con trẻ mà không can thiệp nội dung, sự sáng tạo của thế hệ sau có thể bị giết chết.

Một chú siêu nhân có thể khiến cậu bé tưởng tượng bao nhiêu điều, một bộ đồ chơi nấu ăn giúp bé gái sáng tạo bao nhiêu trò buôn bán. Nhưng ngày nay, đa phần trò chơi, video, đều đã được lập trình sẵn, đăng tải tràn lan trên Internet.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trẻ em chỉ nên xem TV, đồ công nghệ dưới 2 giờ mỗi ngày và cứ 20 phút phải nghỉ ngơi một lần từ 1-2 phút để không suy giảm thị lực.

Tóm lại, các bậc phụ huynh cần có cách quản lý rõ ràng về việc sử dụng thiết bị công nghệ của con trẻ từ thời gian đến nội dung sử dụng. Ngoài ra dành thời gian cho các hoạt động vui chơi ngoài trời, tập luyện thể thao, môn năng khiếu. Điều này giúp trẻ phát triển toàn diện hơn việc chỉ ngồi "cắm mặt" vào di động suốt 3 tháng hè.