19/01/2025 | 12:16 GMT+7, Hà Nội

WHO: Trẻ em dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc smartphone, máy tính bảng

Cập nhật lúc: 30/04/2019, 03:06

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra những khuyến nghị về hoạt động thể chất, bao gồm thời gian trước màn hình (smartphone, tivi…) để trẻ 0 - 4 tuổi có thể lớn lên khỏe mạnh.

who_0

Theo thông báo chính thức ban hành ngày 24/4 của WHO, trẻ em dưới 5 tuổi phải dành ít thời gian hơn trước màn hình, hạn chế tình trạng bị gò bó trong ghế, xe đẩy, bị địu trên cơ thể người chăm sóc. Tiến sĩ Fiona Bull, người quản ký chương trình Giám sát dân số và phòng ngừa bệnh không lây của WHO, việc không đáp ứng các khuyến nghị hoạt động thể chất hiện tại là nguyên nhân của hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm ở tất cả các nhóm tuổi.

Cụ thể, các hướng dẫn do WHO công bố nói rằng:

- Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình.

- Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên được giới hạn thời gian nhìn màn hình: Không quá một giờ mỗi ngày.

Thay vì “dỗ ngon dỗ ngọt” trẻ em bằng tivi hoặc iPad, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đề nghị cha mẹ đọc và kể chuyện cho chúng. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Fiona Bull, chủ tịch báo cáo còn cho biết thêm, các hướng dẫn sẽ giúp ngăn ngừa bệnh béo phì và các bệnh liên quan sau này ở trẻ em. Việc tăng cường hoạt động thể chất, giảm thời gian ít vận động và đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho trẻ nhỏ sẽ cải thiện sức khỏe lẫn tinh thần của chúng.

Trẻ em

Trẻ em "dán" mắt vào màn hình. Ảnh: Observer

Những thiết bị điện tử dần trở thành vật hữu dụng để bố mẹ dỗ con ăn, tránh nghịch ngợm. Tuy nhiên những mối nguy hiểm khi tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm cho trẻ là điều mà không phải ai cũng biết. 

Thời đại kỹ thuật số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay chính là cơ hội cho trẻ dễ dàng tiếp cận với những vật dụng thiết bị công nghệ cao. Những món đồ thuộc dòng điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, ipad… trở thành những vật dụng thân thiết với trẻ. Điều này không chỉ xảy ra thường xuyên ở thành thị mà ngay cả những vùng nông thôn cũng khá phổ biến.

Trên thế giới, cụ thể tại Pháp, việc cho trẻ em chưa đến 3 tuổi xem ti vi là hành vi phạm pháp. Hay Hiệp hội Nhi khoa của Mỹ, Anh cũng khuyến cáo mọi trẻ em dưới 2 tuổi không được xem Tivi. Còn ở Việt Nam, nhiều phụ huynh cho rằng việc tiếp cận sớm các thiết bị thông minh sẽ giúp con mình nhanh hiểu biết. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sử dụng thiết bị thông minh không mang lại kết quả tích cực như mong đợi của cha mẹ mà thực tế còn khiến trẻ gặp nhiều rắc rối.

Bố mẹ hãy đồng cảm, dành thời gian nhiều hơn cho con. Ảnh: MarketWatch. Bố mẹ hãy đồng cảm, dành thời gian nhiều hơn cho con. Ảnh: MarketWatch.

Tiến sĩ Juana Willumsen, đến từ chương trình chống bệnh béo phì và tăng cường hoạt động thể chất ở trẻ em của WHO, nhấn mạnh thay thế thời gian màn hình bằng vận động sẽ đem lại hiệu quả tích cực hơn, đồng thời đảm bảo trẻ có giấc ngủ ngon hơn, chất lượng tốt. Thời gian tĩnh tại chất lượng, tức thay vì ngồi trước smarphone, ti vi, máy tính…; trẻ được ngồi nghe đọc sách, kể chuyện, học hát, chơi với các câu đó, rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.

Hy vọng những thông tin về tác hại của việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử sớm sẽ cảnh tỉnh được suy nghĩ nhận thức của bố mẹ trong thời kỳ cách mạng 4.0. Bố mẹ hãy đồng cảm, dành thời gian nhiều hơn cho con, hãy để giúp con tránh xa thiết bị điện tử, tăng giao tiếp với người thân trong gia đình, những đứa trẻ cùng trang lứa để giúp chúng tăng kỹ năng giao tiếp, tìm hiểu sự đồng cảm…

Hoàng Long