Khu “đất vàng” 199 Minh Khai (Hà Nội): Sẽ xây dựng cao ốc 27 tầng?
Cập nhật lúc: 09/11/2018, 12:41
Cập nhật lúc: 09/11/2018, 12:41
Ngày 30/11/1998, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký hợp đồng với Nhà máy cơ khí công trình (thuộc Tổng Công ty Ô tô Việt Nam), về việc cho thuê 22.000m2 đất (tại Hợp đồng thuê đất số 435-245-98/ĐC-HĐTĐ ngày 30/11/1998, quá trình sử dụng hiện trạng đất thay đổi thành 23.742,5m2), tại địa chỉ 199 Minh Khai. Mục đích sử dụng là làm cơ sở sản xuất và trụ sở. Thời hạn thuê đất 10 năm, kể từ ngày 1/1/1996.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại khu đất 199 Minh Khai, hiện có hàng chục doanh nghiệp, đơn vị tư nhân đang hoạt độngsản xuất kinh doanh như nhiều gara sửa chữa ô tô, trụ sở ngân hàng, xưởng sản xuất nước đóng bình, quán cà phê, cửa hàng rửa xe.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng tại sao khu "đất vàng"bị sử dụng sai mục đích nhiều năm qua nhưng vẫn “bình chân như vại”? Trả lời PV Reatimes, đại diện UBND phường Minh Khai cho biết: “Khu đất 199 Minh Khai trước đây thuộc quyền quản lý của Nhà máy Cơ khí công trình (gọi tắt Nhà máy CKCT), theo Hợp đồng thuê đất số 435-245-98/ĐC-HĐTĐ với Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhà máy CKCT đã kê khai sử dụng đất, trong quá trình sử dụng, công ty cũng đã làm thủ tục xin thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường, vào năm 2013. Hiện tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu – gọi tắt Công ty Nam Triệu (thuộc Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an) đang quản lý khu đất”.
Vị đại diện này cho biết thêm: “Qua làm việc, Công ty Nam Triệu cho biết năm 2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, công ty đã tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả vốn tài sản của Nhà máy CKCT trên cơ sở kế thừa mọi quyền lợi và nghĩa vụ lợi ích hợp pháp của nhà máy. Hiện tại, Bộ Công an đang làm thủ tục đề nghị hướng dẫn thay đổi pháp nhân quản lý khu đất”.
“Trước đây, khi Nhà máy CKCT quản lý khu đất, UBND phường đã phối hợp các ban, ngành kiểm tra và có báo cáo cơ quan cấp trên, về việc sử dụng đất tại khu đất này. Chúng tôi được biết, trước đó Sở Tài nguyên và môi trường đã tiến hành thanh tra và có kết luận. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết cụ thể nội dung kết luận”, đại diện UBND phường Minh Khai thông tin.
Theo thông tin phóng viên có được, trước đó, ngày 19/4/2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã có Báo cáo số 328/BC-UBND và kiến nghị xử lý đối với khu đất trên. Ngày 26/6/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Kết luận thanh tra số 513/KL-STNMT-TTr, về việc chấp hành Luật Đất đai với Chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam – Nhà máy CKCT (không thay đổi pháp nhân Hợp đồng thuê đất) tại số 199 Minh Khai.
Kết luận thanh tra nêu rõ: “Phần lớn diện tích đất giao cho Nhà máy CKCT đều không được khai thác và sử dụng đúng mục đích ghi trong hợp đồng thuê đất, thực tế phần lớn diện tích nhà xưởng và mặt bằng hiện đang cho các tổ chức, cá nhân khác thuê làm địa điểm kinh doanh, dịch vụ, không có hoạt động sản xuất theo mục đích sử dụng đất được Sở Địa chính (trước đây).
Nhà máy CKCT sau khi cho Công ty TNHH thương mại và vận tải Hồng Minh thuê trái phép đã không kiểm soát được việc sử dụng của bên thuê, để bên thuê cho tổ chức và cá nhân khác thuê lại, đây thực chất là hoạt động kinh doanh bất động sản trên diện tích giao cho Nhà máyCKCT để hoạt động sản xuất, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế theo ngành và lĩnh vực hoạt động được giao”.
Ghi nhận của PV cho thấy, một số đơn vị trước đó được “điểm mặt” trong danh sách ký hợp đồng thuê đất với Nhà máy CKCT hiện vẫn đang hoạt động. Được biết, năm 2015, Nhà máy CKCT cũng nằm trong danh mục buộc phải di dời khỏi nội thành, diện tích kiến nghị thu hồi 23.742,5m2 đất.
Theo tìm hiểu, ngày 31/12/2015, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Bộ Công an) đã ký hợp đồng chuyển nhượng doanh nghiệp với Tổng Công ty ô tô Việt Nam, để kế thừa toàn bộ công nợ, tài sản, lao động và các quyền lợi, nghĩa vụ khác của doanh nghiệp tại phần diện tích này.
Tiếp đó ngày 2/2/2016, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định về việc tiếp nhận Nhà máy CKCT về Công ty Nam Triệu. Theo đó, Công ty Nam Triệu có trách nhiệm tiếp nhận và sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà máy CKCT để thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, kế thừa mọi quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Nhà máy CKCT theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật đã giao Công ty Nam Triệu tổ chức việc tiếp nhận, bố trí, sắp xếp sử dụng lại người lao động và tài sản của Nhà máy CKCT, trong đó có khu đất 199 Minh Khai.
Ngày 9/5/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 376/TB-UBND, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP các nội dung của cuộc họp về quy hoạch, kiến trúc khu đất trên.
Ngày 22/5/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc có Công văn số 3021/QHKT-KHTH gửi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho ý kiến về khả năng dung nạp dân số tại khu đất 199 Minh Khai, theo ý kiến chỉ đạo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tại công văn số 1214/VQH-TT4 ngày 19/7/2017, thì ngày 26/7//2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc có Công văn số 4838/QHKT-KHTH gửi Tổng cục Hậu Cần – Kỹ thuật, về việc triển khai dự án tại khu đất 199 Minh Khai.
Cụ thể, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị Tổng cục Hậu Cần – Kỹ thuật nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ theo các nội dung: “… Phần diện tích còn lại (khoảng 1,29ha) có thể nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp, với các chức năng: Trụ sở, văn phòng làm việc, dịch vụ thương mại, công cộng phục vụ khu vực (siêu thị, y tế, văn hóa,…), kết hợp chức năng ở phục vụ nhu cầu nhà ở cán bộ chiến sĩ công an…; Mật độ xây dựng: Khối đế khoảng 60%, khối tháp khoảng 40%...Tầng cao công trình tối đa 27 tầng… Quy mô dân số đảm bảo tuân thủ Quy hoạch phân khu đô thị…”.
Dựa vào những căn cứ trên, ngày 1/8/2018, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (kể từ ngày 6/8/2018, Bộ Công an không còn Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật) đã có Văn bản số 2019/H41-H59, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, về việc đề nghị hướng dẫn các thủ tục để thay đổi pháp nhân thuê đất tại khu đất 199 Minh Khai cho Công ty Nam Triệu, từ đó có cơ sở để thực hiện đầu tư xây dựng dự án.
Bày tỏ quan điểm về những vấn đề trên, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Nhà máy CKCT là một dạng xí nghiệp và chi nhánh công ty nên không có thủ tục nào về việc chuyển nhượng doanh nghiệp. Ở đây có thể là việc “chuyển nhượng tài sản” (không bao gồm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì thuê đất trả tiền hàng năm) và cam kết tiếp nhận, giải quyết chính sách người lao động. Do đó, trong trường này, hoàn toàn không có việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ở đây, Công ty Nam Triệu chỉ là người tiếp tục thuê đất (theo mục đích trước đây) của Nhà máy CKCT".
Luật sư Phương cho biết thêm: “Việc thay đổi người sử dụng đất để thực hiện việc sản xuất của Nhà máy CKCT và tiếp tục thực hiện việc di dời nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm theo Quyết định 130/QĐ-TTg 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ đất sau khi di dời phải thực hiện đúng theo Quyết định 130/QĐ-TTg và Điều 118 Luật Đất đai 2013 (giao đất và cho thuê đất phải thông qua đấu giá)".
“Trước hết, việc phê duyệt quy hoạch dự án không đồng nghĩa với việc đây là phê duyệt chủ đầu tư dự án. Ở đây, dường như đang dùng quy định về lập và duyệt quy hoạch để hợp thức hóa việc giao đất và quyết định phê duyệt dự án cho Công ty Nam Triệu. TP. Hà Nội cần đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo đúng Quyết định 130/QĐ-TTg và Luật Đất đai 2013”, Luật sư Phượng khẳng định.
Như đã phân tích ở trên, có thể khu đất này sắp tới sẽ xây dựng cao ốc 27 tầng. Tuy nhiên, qua quan sát, hàng ngày tuyến đường Đại La - Minh Khai có lưu lượng xe qua lại đông và thường xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, những năm qua, khu vực này liên tục mọc lên các tòa cao ốc khiến không gian càng trở nên chật trội.
Chính vì thế, đây sẽ là bài toán khó mà các ngành chức năng cần giải quyết nếu xây tòa cao ốc 27 tầng trên khu “đất vàng” 199 Minh Khai.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.
Trần Tiến
00:30, 02/10/2018
09:12, 04/09/2018
03:00, 04/09/2018