19/01/2025 | 07:09 GMT+7, Hà Nội

Không thể xuất chuồng, người dân nhặt hàng trăm con gà đem đốt mỗi ngày

Cập nhật lúc: 07/08/2021, 06:30

Trong khi TP.HCM thiếu nguồn cung, hàng trăm con gà tại các trang trại lại phải mang đi đốt mỗi ngày vì không thể xuất chuồng, do khó khăn trong khâu vận chuyển và không có cơ sở giết mổ.

Cho hay vừa xuất được 2/8 chuồng với 40.000 con gà, ông Lê Phương Hải, chủ một trại chăn nuôi gia cầm lớn tại tỉnh Đồng Nai ngao ngán khi còn đến 120.000 con gà đang “mắc kẹt”.

Gà chủ yếu được bán cho các đoàn từ thiện, mạnh thường quân mang đi cứu trợ cho người dân, với giá chỉ 5.000-7.000 đồng/kg. Trong khi giá thành chăn nuôi hiện nay đã khoảng 28.000-29.000 đồng/kg.

“Một con gà ăn khoảng 1,6-1,8 lạng cám mỗi ngày, vị chi một chuồng gà tốn gần 4 tấn cám. Giá cám hiện tăng 30-40%, sắp tới không biết tăng bao nhiêu. Không cho gà ăn cũng không được vì không tăng trọng, nó cũng chết”, chủ trại gà thở dài.

Mỗi ngày ông Hải phải cho đem đốt hàng trăm con gà chết vì không thể xuất chuồng
Mỗi ngày ông Hải phải cho đem đốt hàng trăm con gà chết vì không thể xuất chuồng.

Gà công nghiệp của ông Hải nuôi đến tháng không thể xuất chuồng được, nằm cả đống kẹt cứng. Mỗi ngày nhân viên của ông phải nhặt hàng trăm con gà đem đốt bỏ. Chỉ trong thời gian ngắn, trang trại của ông Hải thiệt hại đến 6-7 tỷ đồng.

Tình cảnh này kéo dài từ khi TP.HCM đến Đồng Nai, Bình Dương và sau đó là hàng loạt tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía nam áp dụng lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16. Các cơ sở giết mổ, chợ truyền thống ngừng hoạt động làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Gà trong trại cứ dồn ứ, còn người tiêu dùng tại TP.HCM lại không có gà ăn. Họ phải ăn gà nhập với giá cao”, ông Hải chỉ ra nghịch lý.

Giá gà tại trại “thủng đáy”, xuống tới 2.000 đồng/kg nhưng chưa chắc đã có thương lái xuống mua vì khó khăn trong khâu vận chuyển. Cạnh đó, các đơn vị giết mổ cũng không dám mạo hiểm nhận gà về, vì chỉ cần xe chở hàng bị ách tắc một tiếng, gà chết là thiệt hại rất lớn.

Bên cạnh đó, công xưởng đóng cửa dẫn đến bếp ăn cho công nhân không hoạt động. Đồng thời, các chuỗi đồ ăn nhanh như KFC, McDonald’s đóng khiến nguồn tiêu thụ sản phẩm gà công nghiệp bị chặn đứng.

“Thời gian qua Chính phủ đã có hỗ trợ thông thương, xe cộ, hàng hoá đi lại tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm, nên hàng hoá không thể đến tay người tiêu dùng được”, ông Hải nói.

Theo đó, chủ trại gà kiến nghị cần cấp tốc mở lại các lò giết mổ trong điều kiện phòng, chống dịch; mở thêm các trung tâm giết mổ để giải quyết tạm thời khâu sơ chế trước mắt. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine cho những người làm việc tại đây.

Về lâu dài, các vùng phụ cận trong khu vực cần có các nhà máy chế biến sâu thì thị trường thịt gia cầm mới có thể ổn định, đảm bảo cho người chăn nuôi.

“Thêm nữa, chúng tôi là những người chăn nuôi lớn, tiền phải vay ngân hàng, rất mong được ngân hàng giảm lãi suất vay. Cùng với đó là giảm chi phí như tiền điện, xăng dầu… thì chúng tôi mới có thể an tâm sản xuất”, ông Hải nêu.

Cơ sở chăn nuôi gia cầm của ông Lê Phương Hải sắp hết chỗ chứa gà
Cơ sở chăn nuôi gia cầm của ông Lê Phương Hải sắp hết chỗ chứa gà.

Trao đổi với báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết, hiện người chăn nuôi gà trắng đang chấp nhận chịu lỗ và lượng tiêu thụ gia cầm toàn tỉnh giảm.

Ông Sinh cho biết, các bên liên quan đang kêu gọi chợ đầu mối, chợ truyền thống mở lại hoặc thực hiện kênh phân phối trực tiếp. Đồng thời, tìm giải pháp trữ hàng ở các kho lạnh hoặc mở rộng các thị trường khác.

“Hiện, Đồng Nai đang chỉ đạo 3 tổng công ty trên địa bản tỉnh tập trung mở rộng thu mua ở các điểm bán lưu động và các điểm bán cố định”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai nói.

Không chỉ riêng địa bàn Đồng Nai, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết thực trạng gà không thể xuất chuồng, giá gà rẻ như cho này cùng xảy ra tại 19 tỉnh, thành phố phía nam.

“Nhà nước đã mở rất nhiều hướng như luồng xanh, các chốt kiểm dịch… Nhưng hiện nhiều chốt tại các hẻm, đường nhỏ lẻ lại tự ‘đẻ’ ra ‘chính sách con’, thích thì cho đi, không thì thôi. Vấn đề ở đây không phải do Chỉ thị 16, mà do những người thực thi công vụ làm không đúng chức năng, quyền hạn của mình”, ông Quyết chỉ ra.

Nguồn: https://congluan.vn/khong-the-xuat-chuong-nguoi-dan-nhat-hang-tram-con-ga-dem-dot-moi-ngay-post148724.html