19/01/2025 | 16:18 GMT+7, Hà Nội

Không thể nói nhà ông Kham là hộ khó khăn

Cập nhật lúc: 18/04/2020, 15:41

Đây là khẳng định của một số người dân sống cùng với ông Nguyễn Hữu Kham tại tổ dân phố số 1 và Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Phú Lãm, quận Hà Đông.

 Ông Nguyễn Hữu Kham.

Cơ sở vật chất hơn hẳn hộ cận nghèo

Lần theo thông tin của bài báo “Rớt nước mắt nghe ông lão 70 tuổi kể chuyện đi mua hàng 0 đồng ở siêu thị hạnh phúc”, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã đến nhà ông Nguyễn Hữu Kham, tổ 1, phường Phú Lãm. Tại đây, ông Kham chia sẻ: "Ông không có công ăn việc làm, bản thân đi làm thêm bằng nhiều nghề. Kể từ khi có dịch bệnh Covid-19, ông cũng không đi ra ngoài. Tuy nhiên, khi xem ti vi, thì biết ở trên đường Trần Duy Hưng có bán hàng 0 đồng nên ông đi mua. Ở đó, ông gặp nhà báo và nói về hoàn cảnh của mình".

Đối với việc ở phường cũng phát thực phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Kham cho biết: “Tôi ở đây, nhưng không biết chỗ nào phát thực phẩm để lấy. Tôi mới về nên cũng không biết chính sách ở đây như thế nào. Chị Phó Chủ tịch UBND phường có đến đây trao cho tôi 1 thùng mì, mấy cân gạo chứ không có nơi nào hỗ trợ đâu”. Ông Kham cũng cho biết, ông về đây khoảng gần 1 năm, chưa kịp đăng ký hộ khẩu thì bị ốm và vào đợt dịch bệnh này nên chưa kịp đăng ký.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, có khoảng 8 bao gạo để trong gầm bếp, hầu hết các bao gạo này đều còn nguyên đai, nguyên kiện. Nhà ông xây kiên cố, đồ đạc có giá trị như: 2 tủ quần áo lớn, 1 tủ lạnh, 2 ti vi, 3 chiếc xe đạp, máy giặt, 2 giường… Với những đồ dùng thiết yếu này, ông Kham cho biết, phải tiết kiệm mãi mới có và đi mua rẻ, đi xin.

 Trong nhà ông Kham có đầy đủ các vật dụng thiết yếu
 Trong gầm bếp nhà ông có khoảng 8 bao gạo.

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi cũng đã gặp những người sống cùng ngách nhà ông Kham thì được trả lời: "Ông ấy ở đây nhưng chúng tôi không biết là ai, tên cũng không biết".

Còn Nguyễn Văn Trung người ở đầu ngách cho biết: "Ông Kham có vợ, con nhưng bỏ lâu rồi. Vào nhà ông ấy thì biết điều kiện kinh tế của ông ấy không phải khó khăn. Nhiều người còn khó khăn hơn, chẳng có điều kiện như thế đâu".

Đối với việc ông Kham nói không biết phường có phát thực phẩm hỗ trợ gia đình khó khăn, ông Trung nói: "Ở đây có 2 loa, đầu ngõ cách đây 200 mét có 2 loa và bên tòa nhà Hải Phát cũng có một cụm 2 loa, phát thanh ngày 3 buổi liên tục từ ngày đầu có dịch bệnh đến nay. Không ai trong tổ dân phố không nghe thấy.

Ông Phạm Văn Hùng - Tổ trưởng Tổ dân phố số 1 phường Phú Lãm chia sẻ: Tôi thấy ông ấy khai không đúng sự thật. Ông ấy nói với báo chí tên là Khang chứ không phải Kham. Hiện ông Kham không đăng ký hộ khẩu, cũng không đăng ký tạm trú, tạm vắng. Ông ấy nói 70 tuổi, nhưng theo chứng minh nhân dân chỉ có 64 tuổi".

Chính quyền lên tiếng

Ông Hùng cho biết thêm: "Ở tổ dân phố này có 505 hộ, nói về khó khăn chỉ có một hộ gia đình mới thoát nghèo. Đây là gia đình có con trai bị tật nguyền và khó khăn hơn nhà ông Kham. Nhưng chúng tôi vào nhà tặng quà gia đình này không nhận, bà ấy nói "Tôi còn làm được, các anh ủng hộ những gia đình khó khăn hơn tôi", phải nói mãi là hỗ trợ cho cháu tật nguyền bà ấy mới nhận. Nếu áp vào tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo thì hộ ông Kham không phải".

Về phía chính quyền, bà Nguyễn Thị Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lãm cho biết: Khi xảy ra dịch bệnh, phường đã rà soát toàn bộ những hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đi từng nhà để xem xét các hoàn cảnh gia đình. Trên địa bàn phường có một số hộ khó khăn, khó khăn đột xuất do dịch bệnh, phường cũng có những hỗ trợ.

Đến nay, riêng Hội Phụ nữ phường đã phát gần 400 suất ăn miễn phí gồm: Gạo, mỳ tôm, trứng. Riêng hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn phường đã hỗ trợ đợt đầu 27 suất. Đợt 2 là 31 suất. Sau đó đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ cho người khuyết tật. Đến nay, tất cả 100% các đối tượng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ và không có hộ nào chưa được nhận hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lãm tặng gạo và mỳ tôm cho ông Kham.

Đối với việc hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn vì dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thịnh cho biết thêm: "Sau khi nghe thông tin ông Kham khó khăn, chúng tôi đã đến nhà thăm hỏi và hỗ trợ gạo, mỳ tôm. Hỏi ông sao ông khó khăn không ra phường để được nhận hỗ trợ, ông cho biết: Phường có hỗ trợ nhưng không ra lấy là vì biết ở địa phương còn có nhiều người khó khăn hơn mình".

Cũng theo bà Thịnh, hiện nay, UBND phường và quận Hà Đông đang xem xét nếu gia đình ông Kham thực sự khó khăn thì tiếp tục hỗ trợ thêm. Hết dịch bệnh, nếu ông Kham cần có công ăn, việc làm, UBND phường sẽ giới thiệu cho để ông đi làm đảm bảo ổn định thu nhập. Tuy nhiên ông Kham cũng không có nguyện vọng gì.

Hiện nay, các cơ quan chức năng quận Hà Đông và phường Phú Lãm vẫn tiếp tục kiểm tra làm rõ các thông tin về ông Kham, khi có thông tin chính xác báo sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.