18/01/2025 | 16:58 GMT+7, Hà Nội

Không phải cơ sở làm đẹp nào cũng được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ

Cập nhật lúc: 14/12/2017, 14:56

Nếu chọn được cơ sở thẩm mỹ uy tín, chị em có thể yên tâm "vịt hóa thiên nga", thế nhưng, chẳng may "rơi vào" những cơ sở kém chuyên môn và không được cấp phép sẽ mang đến những nguy hại cho nhan sắc, sức khỏe lẫn tinh thần.

Thị trường làm đẹp tại nước ta hiện nay đang bị nhiễu loạn bởi những chiêu thức đánh bóng tên tuổi có phần quá đà của những cơ sở spa, thẩm mỹ viện. Thế nhưng, giữa hàng loạt lời mời gọi hấp dẫn, thì liệu rằng đâu là cơ sở chất lượng và được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Bởi chỉ cần “chọn mặt gửi vàng” sai nơi thì vô hình chung làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể tiền mất tật mang.

Để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện làm đẹp, chúng tôi cùng trò chuyện với ThS-BS Phan Thị Hồng Vinh (Trung tâm Thẩm mỹ VIANNA, Giảng viên Bộ môn Thẩm mỹ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Uỷ viên BCH Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM).

ThS-BS Phan Thị Hồng Vinh

ThS-BS Phan Thị Hồng Vinh

Spa là gì và chức năng chính của Spa

Theo BS Phan Thị Hồng Vinh: Hiện nay, khái niệm spa đã được hiểu rộng hơn so với trước đây, có thể gọi nôm na là một nơi nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp với những sản phẩm chiết xuất từ thành phần thiên nhiên. Nơi đây chuyên sử dụng những biện pháp cân bằng thư giãn để cải thiện diện mạo bên ngoài và tinh thần bên trong.

Trên thực tế, các spa chỉ được phép thực hiện những dịch vụ như: massage, xông hơi, chăm sóc da cơ bản… Riêng những vấn đề đòi hỏi chuyên môn sâu hơn như thẩm mỹ, bao gồm cả thẩm mỹ nội khoa (điều trị da, botox, filler…) hay phẫu thuật thì các cơ sở này vốn không được cơ quan chức năng cấp phép.

Vậy thẩm mỹ viện là gì? Các cơ sở thẩm mỹ viện có được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hay không?

Thẩm mỹ viện là cách gọi chung cho những cơ sở dịch vụ làm đẹp dành cho cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên không phải thẩm mỹ viện nào cũng giống nhau về chức năng. Thông thường thẩm mỹ viện có 2 loại hình cơ bản:

- Một là, thẩm mỹ viện cung cấp các dịch vụ làm đẹp cơ bản, không có chức năng điều trị thẩm mỹ, bao gồm cả thẩm mỹ nội khoa (điều trị da, botox, filler…) và phẫu thuật thẩm mỹ. Loại hình này tương tự như spa với: phun xăm thẩm mỹ, nail, hair salon… 

- Hai là thẩm mỹ viện có chức năng điều trị và phẫu thuật thẩm mỹ. Để thực hiện được điều này, các cơ sở phải được Sở Y tế cấy giấy phép hoạt động về điều trị, phẫu thuật, đồng thời phải được bác sĩ có chuyên môn và chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ trực tiếp phục trách. Nơi đây được cấp phép về điều trị thẩm mỹ bao gồm thẩm mỹ nội khoa (điều trị da, botox, filler…) và phẫu thuật thẩm mỹ.

Những điều lưu ý trước khi phẫu thuật thẩm mỹ

- Hai điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu làm đẹp là hiểu rõ về nhu cầu bản thân và tìm hiểu cặn kẽ về cơ sở uy tín.

- Bạn cần phải chắc chắn rằng: cơ sở có giấy phép hoạt động rõ ràng đồng thời được cấp phép điều trị và phẫu thuật thẩm mỹ.

- Bác sĩ trực tiếp đảm nhận phẫu thuật thẩm mỹ phải là người có chuyên môn và tay nghề.

- Khi các thẩm mỹ viện không có chức năng chuyên môn hay có bất kì dấu hiệu mập mờ nào, các khách hàng nên cân nhắc, tránh tiền mất tật mang.