19/04/2024 | 00:55 GMT+7, Hà Nội

Không kích cầu du lịch bằng khẩu hiệu

Cập nhật lúc: 22/05/2020, 14:35

Ngay sau khi Bộ VHTT&DL phát động chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, một số DN cũng kịp tung ra các gói giảm giá, khuyến mại hấp dẫn. Tuy thế, chiến dịch kích cầu vực dậy du lịch vẫn đối diện với những rào cản, thách thức không nhỏ.

Chương trình kích cầu du lịch nội địa vẫn còn mang tính mạnh nơi nào nơi đấy làm. Ảnh: Vũ Nhật

Khơi dậy tinh thần Việt Nam

Trước khi Bộ VHTT&DL đưa ra quyết định kích cầu “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, nhiều người gợi ý Chính phủ nên coi chiến dịch kích cầu này là dịp kêu gọi tinh thần Việt Nam, lòng yêu nước của người dân. Ở thời điểm du lịch tê liệt vì đại dịch, khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam, du lịch nội địa là cứu cánh để đưa hoạt động của ngành trở lại.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu bày tỏ: Chiến dịch kích cầu nội địa là một trong những việc trọng tâm cần làm ngay ở thời điểm này của Bộ VHTT&DL. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khôi phục du lịch nội địa trước tiên tạo ra việc làm và thu nhập, từ đó tạo sự lan tỏa hiệu ứng ra cả nền kinh tế.

Nhiều DN sáng tạo tìm ra những lối đi mới, thực chất chính là đổi mới, tái cơ cấu. Các DN hãy coi chương trình kích cầu là bước khởi đầu lộ trình để từng bước trở lại với du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu

Hiệp hội Du lịch mau mắn khởi động lại Liên minh kích cầu, không còn ở bốn địa phương như giai đoạn đầu dịch bùng nổ, mà kêu gọi các DN cả nước tích cực tham gia. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình tự tin rằng du lịch sớm phục hồi. "Để du lịch lấy lại đà tăng trưởng, ngành phải tự cứu mình, phát huy sức mạnh nội lực. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng là cầu nối, làm việc với ngành hàng không để tạo điều kiện giảm giá vé, từ đó làm nên các gói kích cầu hiệu quả và có lợi cho người tiêu dùng" - ông Bình nhấn mạnh.

Cần “nhạc trưởng”

Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, các DN lữ hành, hãng hàng không đưa ra nhiều gói giảm giá, combo du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, hàng nghìn DN du lịch cùng “giành giật” thị phần khách nội địa dễ dẫn tới hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh hoặc mạnh ai nấy làm khiến chiến lược thiếu đồng bộ. Các chuyên gia, những người làm du lịch và các DN đều nhận thấy cần vai trò “nhạc trưởng” để điều phối kế hoạch kích cầu hiệu quả nhất.

Trong kế hoạch kích cầu, Bộ VHTT&DL đề nghị với các bộ, ngành phối hợp hỗ trợ du lịch. Tuy nhiên, không thể dừng lại ở lời đề nghị khô cứng chung chung, lãnh đạo Bộ cần thúc đẩy các cuộc làm việc trực tiếp với từng bộ, ngành liên quan để hỗ trợ du lịch. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, Bộ VHTT&DL phối hợp một số địa phương phát động truyền đi thông điệp kích cầu du lịch nội địa. Hành động cụ thể tùy thuộc ở từng địa phương. Tổng cục Du lịch chỉ có nhiệm vụ xúc tiến quảng bá quốc tế, tuy nhiên trong bối cảnh này còn cần vai trò là cầu nối. Các điểm, khu du lịch nên coi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai thị trường nguồn để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tại đây.

Một chuyên gia nêu quan điểm, thay vì đi tour trọn gói, đi theo đoàn lớn, người dân có xu hướng đi du lịch tự do, theo nhóm nhỏ gia đình. Xu hướng giao dịch điện tử lên ngôi nên khách hàng có thể ngồi nhà tự săn vé máy bay, khách sạn mà không cần nhờ tới công ty du lịch. Chính vì thế, các công ty cũng phải nhanh nhạy đưa ra gói sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu mới, là cầu nối trung gian để giúp khách mua được vé, đặt chỗ ưu đãi nhất.

CEO của Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cảnh báo hiện tượng kích cầu du lịch, đông khách đi nhưng ngành du lịch và nhất là DN chưa chắc sống tốt. Theo phân tích của ông Đạt, để có được mức giảm giá sâu như hiện nay, nhiều DN, khách sạn chấp nhận cắt lỗ. Hàng không, lưu trú chấp nhận lỗ vì họ cần dòng tiền. Chưa kể, một số khách hàng phản ánh hiện tượng giảm giá ảo, thông báo giảm giá rất sâu nhưng khách hàng gọi tới đều báo không còn chỗ. “Cần nhạc trưởng để kích cầu thực sự có hiệu quả, không tạo ra hiện tượng chiến tranh giá giữa các DN. Tôi cho rằng nếu không có vai trò điều tiết, mạnh ai nấy làm thì đánh mất niềm tin của khách hàng. Chiến dịch này không thể thành công” - ông Đạt nêu.