23/01/2025 | 02:11 GMT+7, Hà Nội

Không ít phóng viên gặp cảnh bị lẩn tránh, cản trở khi tác nghiệp.

Cập nhật lúc: 13/11/2018, 03:00

Thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều phóng viên, nhà báo đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số cơ sở. Điển hình, khi nhà báo đến làm việc, nhất là về các vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi nhà báo phải có giấy giới thiệu, còn nếu phóng viên có giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có thẻ Nhà báo.

Từ khi Luật Báo chí có hiệu lực từ ngày 01/1/2017, tưởng rằng những trường hợp gây khó khăn, cản trở như vậy sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, không ít các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp vốn đã nắm rõ pháp luật Việt Nam lại cản trở phóng viên (pv) không thể tác nghiệp.

Thông thường, trong các buổi làm việc giữa pv và các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan có liên quan đến sự việc cần xác minh, thì ngay từ khi bắt đầu buổi làm việc hoặc thậm chí là trước đó, pv sẽ phải cung cấp giấy giới thiệu làm việc với nội dung cụ thể, đồng thời giải thích rõ lý do chưa có thẻ nhà báo theo quy định của pháp luật.

Không ít phóng viên gặp cảnh bị lẩn tránh, cản trở khi tác nghiệp.

Không ít phóng viên gặp cảnh bị lẩn tránh, cản trở khi tác nghiệp.

Thế nhưng, để sắp xếp được một buổi làm việc như vậy cũng không hề đơn giản, khi mà không ít các cơ quan, cá nhân và doanh nghiệp sẽ yêu cầu pv “gửi lại GGT hoặc nội dung công việc, sau đó sẽ chủ động liên hệ lại sau”. Phải đến 7/10 trường hợp như vậy, pv buộc phải ra về, chờ đợi mà không có sự đảm bảo chắc chắn việc sẽ được liên hệ lại. Qua một thời gian chờ đợi như vậy, sự việc dễ dàng chìm vào quên lãng.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng nếu phóng viên đi làm việc, thì những bài viết liên quan sẽ do ai chịu trách nhiệm về thông tin mà cá nhân, cơ quan hay doanh nghiệp cung cấp? Xin thưa, khi một bài viết đã được xuất bản, thì bài viết đó mang theo cả trách nhiệm và uy tín của tòa soạn, khi những thông tin sai lệch bị đưa lên, không chỉ cả một tờ báo phải “mang tiếng” mà chính pv viết bài cũng không tránh khỏi cái nhìn không mấy thiện cảm từ những người đồng nghiệp và xã hội. 

Không ít người lấy cớ rằng, nếu tòa soạn quan tâm tới vụ việc, thì đề nghị phải cử đúng người đến làm việc. "Đúng người" ở đây là “người có thẻ nhà báo” hay nhà báo. Mặc dù đã được giải thích về quy định phóng viên đi làm với giấy giới thiệu, đại diện cho tòa soạn và có chức năng tương đương với một nhà báo, thì việc vẫn bị từ chối làm việc theo “các quy tắc” của cơ quan, cá nhân hay doanh nghiệp đó đã thành chuyện... thường thấy.

Có thể thấy rằng, nếu pv chưa có thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) thì không ít các cơ quan, cá nhân và doanh nghiệp sẽ không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào liên quan đến vụ việc. Sự hợp tác trao đổi thông tin với báo chí truyền thông như vậy cũng không có, gây khó dễ cho cả pv lẫn bên liên quan trong vụ việc. Vì lẽ đó, Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 1/1/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo.

Trong Nghị định 159/2013/NĐ-CP, danh xưng “phóng viên” được đặt bên cạnh danh xưng “nhà báo” và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu​​​. Đây được coi là hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người cầm bút, trong đó có cả phóng viên - những “nhà báo không thẻ”.

Nghị định này quy định một số mức phạt đáng chú ý như sau:

- Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên;

- Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;

- Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; Hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.