19/01/2025 | 06:12 GMT+7, Hà Nội

TPHCM: Đi công chứng cho thuê nhà mới biết nhà mình bị người khác bán nhiều lần

Cập nhật lúc: 01/06/2017, 23:07

Mặc dù không chuyển nhượng nhà cho bất kỳ ai, có Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất nhưng chủ nhân căn nhà “tá hỏa” khi biết “tổ ấm” của mình được người khác đứng tên, thậm chí căn nhà bị bán và sang tên đổi chủ đến hai lần.

Chuyện lạ có thật xảy ra tại căn nhà số 1030/8 đường Võ Văn Kiệt, P.6, Q.5, TP.HCM do bà Nguyễn Thị Thu Thủy đứng tên.

“Tá hỏa” khi phát hiện sự thật

Phản ánh đến Reatimes, bà Thủy trình bày, căn nhà trên bà mua cách đâykhoảng 25 năm. Cuối năm 2015 bà rao cho thuê hoặc bán. Tuy nhiên, đến tháng 3/2016, bà đến Phòng công chứng để hoàn thành thủ tục cho người thuê thì mới “tá hỏa” khi phát hiện ra căn nhà đã bị bán và đã sang tên cho người khác. Thời gian này, bà Phạm Thị Hiên xuất hiện tự xưng là chủ nhà.

Căn nhà đã bị bán thậm chí sang tên đổi chủ hai lần của bà Thủy

Căn nhà của bà Thủy đã bị bán, thậm chí sang tên đổi chủ hai lần mà bà không hay.

Ngay sau đó, bà Thủy gửi đơn tố cáo đến UBND P.6, Q.5, TP.HCM làm rõ vụ việc. Điều đáng nói, trong lúc Công an Q.5 điều tra vụ việc, thì bà Hiên đã sang căn nhà cho người khác. Chủ mới căn nhà là ông Nguyễn Thành Trọng.

“Trước đó, tôi đã gửi đơn đến UBND P.6 để nhờ UBND tạm thời trung gian hổ trợ tôi điều tra vụ việc bằng cách lập biên bản, giữ chìa khóa, không cho ai vào nhà trong thời gian chờ các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, thế nhưng, UBND P.6 lại giao chìa khóa nhà cho bà Hiên. Và bà Hiên bán nhà cho người khác”, bà Thủy bức xúc.

Bà Thủy cho rằng, hành động giao chìa khóa của UBND P.6 phải chăng đã tiếp tay cho kẻ lừa đảo? Điều đáng nói, UBND phường vẫn khẳng định mình làm đúng pháp luật”.

Giấy chủ quyền còn giữ, nhà bị bán... ba lần

Được biết, căn nhà bà Thủy bị bán đi bán lại đến ba lần, việc giao dịch mua bán còn được thực hiện đầy đủ giấy tờ pháp lý. Mặc dù, Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất của bà đang giữ vẫn còn giữ.

Hợp đồng mua bán chữ ký không phải của bà Thủy

Chữ ký được thẩm định không phải của bà Thủy.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 15/12/2015, ông Sái Văn Suất (ngụ Q. Bình Thạnh) mua căn nhà trên với giá 1 tỷ đồng, hợp đồng mua bán có đầy đủ chữ ký của bà Thủy. Do công chứng viên Lê Văn Tuấn thuộc Văn phòng công chứng Đồng Tâm (số 967 đường Lũy Bán Bích, P.Tân Thành, Q.Tân Phú) đã công chứng hợp đồng mua bán này.

Khoảng hơn một tháng sau, ông Suất bán căn nhà này cho bà Phạm Thị Hiên (số 67 khu phố 4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) với giá 1.050.000.000 đồng. Công chứng viên Nguyễn Thị Lý thuộc Văn phòng công chứng Tân Bình (ở số 526 - 528 đường Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình) đã công chứng hợp đồng này.

Sau đó, bà Hiên mang giấy chủ quyền nhà thế chấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (chi nhánh TP.HCM) vay 3 tỷ đồng.

Ngày 31/8/2016 bà Hiên bán lại cho ông Nguyễn Thành Trọng (ở số 261A L3 Hồng Bàng, P.11, Q.5) với giá khoảng 3,2 tỷ đồng. Hiện nay ông Trọng đã trả khoảng 70% giá trị căn nhà.

Hợp đồng công chứng giả bà Thủy lừa bán nhà

Hợp đồng công chứng mua bán căn nhà của bà Thủy.

Theo nguồn tin từ Công an Q.5, để chiếm đoạt, bán nhà của người khác, các đối tượng đã sắp xếp cực kỳ tinh vi. Bằng các thủ đoạn trong giao dịch thuê, mua nhà, các đối tượng đã đánh tráo giấy chủ quyền căn nhà.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểucủa PV, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã có kết quả giám định chữ ký và dấu vân tay được cho là của bà Thủy trong hợp đồng mua bán với ông Suất, thực tế là chữ ký và dấu vân tay giả. Vụ việc đang được cơ quan Công an Q.5 điều tra làm rõ.

Theo đại diện Phòng công chứng số 7, Q.6, TP.HCM, đơn vị này đã gặp hàng loạt trường hợp lừa đảo bán đất bằng giấy tờ giả. Tuy nhiên, không phải vụ việc nào gặp cơ quan chức năng cũng được phản hồi.

Luật sư Đoàn Việt Thắng (Đoàn luật sư Ninh Thuận) cho biết, theo quy định về thủ tục công chứng mua bán nhà đất, bên bán phải cung cấp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Bên mua và bên bán phải cung cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy chứng nhận độc thân. Đặc biệt, phải có mặt người đứng tên trong hợp đồng mua bán.

Trong trường hợp nêu trên, giấy chủ quyền là thật nhưng bà Thủy khẳng định không ký tên bán nhà, có thể mọi giấy tờ của bà Thủy bị đối tượng lừa đảo làm giả và đưa người giả bà Thủy đến phòng công chứng ký tên.

Liên quan đến căn nhà bà Thủy bị bán qua nhiều chủ, một cán bộ Công an Q.5 cho biết, có thể sau khi chiếm đoạt được giấy chủ quyền nhà của bà Thủy, các đối tượng đã làm một số giấy tờ tùy thân phù hợp với các thông tin của người đứng tên trong giấy chủ quyền. Sau đó, tiến hành công chứng bán theo đúng thủ tục pháp lý. Hiện giấy chủ quyền bà Thủy đang giữ thực tế là giấy giả.