Không học bán trú bị phân biệt đối xử?
Cập nhật lúc: 23/05/2020, 11:18
Cập nhật lúc: 23/05/2020, 11:18
Sự việc cho thấy có sự bất cập trong công tác tổ chức tiếp nhận những học sinh không học bán trú vào đầu giờ chiều.
Sợ bị phạt vì đi học sớm, một học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) đã đứng ngoài cổng trường giữa trời nắng. Ảnh: TL
Đứng ngoài cổng trường vì sợ đến sớm bị phạt
Ngày 21/5, mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh một bé gái học lớp 1 đứng ngoài cổng trường trong nắng nóng vì đi học quá sớm. Theo thông tin được chia sẻ, một người nhận là mẹ cháu bé cho biết, do không có điều kiện cho con ăn bán trú nên gia đình đón về buổi trưa và đưa con quay lại trường vào đầu giờ chiều. Tuy nhiên, do con đến lớp sớm 15 phút nên không được vào trường mà phải ra ngoài cổng trường đứng.
Sự việc sau đó được xác minh là xảy ra ở Trường tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng). Chia sẻ với báo chí, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sẽ yêu cầu cô chủ nhiệm kiểm điểm nghiêm túc. Trường đồng thời thống nhất với các giáo viên bố trí chỗ cho học sinh ở phòng y tế, phòng bảo vệ... khi các em đến sớm. Cô giáo chủ nhiệm cũng nhận lỗi về việc để học sinh đứng ngoài vì trước đó cô giáo phê bình những học sinh đến sớm, gây mất trật tự tại lớp bán trú. Phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền cũng yêu cầu Ban giám hiệu trường xin lỗi gia đình học sinh và rút kinh nghiệm trong quản lý.
Chia sẻ quan điểm liên quan đến sự việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, qua sự việc có thể thấy, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp quá cứng nhắc khi để học sinh đến sớm phải đứng ngoài cổng trường. Cô chủ nhiệm còn phê bình học sinh đi học sớm dẫn đến tâm lý sợ phạt nên đứng ngoài chờ đến giờ mới dám vào. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn như vậy, cô giáo chủ nhiệm cần quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn cùng với phụ huynh. Học sinh đi muộn phạt đã đành, vậy mà đi học sớm cũng bị phạt và chụp ảnh phê bình trước lớp.
"Giáo viên cần giải thích, uốn nắn học sinh có thể đến sớm, mất trật tự thì phải lưu ý hơn để lần sau không tái diễn. Về phía nhà trường, cần có các phương án cụ thể với những học sinh không đăng ký bán trú. Nếu đi học sớm có chỗ để nghỉ tạm, chờ đến giờ rồi vào lớp. Giáo viên cần trân trọng, giúp đỡ học sinh, đặc biệt là trẻ cấp 1 còn chưa tự xử lý được những tình huống gặp phải. Các em đến trường ngoài nhiệm vụ học tập còn phải vui vẻ, khỏe mạnh, đó mới là mục tiêu của giáo dục. Đây chỉ là một sự việc rất nhỏ nhưng lại biến trường học thành thứ kỷ luật máy móc, khiến học sinh ác cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, sợ đi học, sợ mắc lỗi…", TS. Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên.
Không học bán trú, có sao không?
Dù câu chuyện học sinh lớp 1 tại Hải Phòng nói trên một phần lỗi do nội quy trường cứng nhắc, hay cách làm phản cảm của giáo viên… song với nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu học sinh không ăn bán trú tại trường học có bị phân biệt đối xử? Giờ nghỉ trưa, đi sớm, đến muộn có bị gây khó dễ chỉ vì không đóng góp khoản tiền ăn, tiền phục vụ bán trú cho trường? Trên thực tế, hoạt động bán trú ở cấp mầm non, tiểu học, THCS diễn ra khá phổ biến tại các trường học trên phạm vi cả nước, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, cũng như có thời gian đưa đón, chăm sóc nên nhiều phụ huynh không đăng ký bán trú cho con.
Theo ghi nhận tại Hà Nội, ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa… vào thời điểm 11h00 ngày 22/5, có rất nhiều phụ huynh đến đón con về nhà, buổi chiều các phụ huynh này lại đưa con đi học. Chia sẻ lý do không cho con ăn bán trú, nhiều phụ huynh cho biết, do trường ở gần nhà, trong gia đình có người đưa đón, thậm chí không tin tưởng vào chất lượng bữa ăn trưa tại trường nên không đăng ký bán trú. "Tôi nghỉ ở nhà làm nội trợ nên có thời gian nấu cơm trưa, đưa đón cháu nên tôi không đăng ký bán trú cho con. Nếu ăn trưa tại nhà thì mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 600.000 đồng tiền ăn, chăm sóc bán trú, một số tiền không nhỏ trong lúc khó khăn. Gia đình cũng cố gắng đưa đón con đúng giờ để không làm ảnh hưởng đến giờ bán trú", một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Đại Kim (Hà Nội), chia sẻ.
Đối với các trường học, việc một lượng học sinh không đăng ký bán trú là việc hết sức bình thường, bởi trường nào cũng có và đây là khoản thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường về giá cả suất ăn và được tạo điều kiện để học sinh đến trường không bị đứng ngoài cổng. Về công tác bán trú và tiếp nhận học sinh tại trường, bà Đỗ Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, vào những ngày nắng nóng, học sinh của trường đi học buổi sáng từ rất sớm và trường hợp không học bán trú cũng được tạo điều kiện để các em đến trường kể cả thời gian đi học đầu giờ chiều.
"Qua sự việc một học sinh ở Hải Phòng phải đứng ngoài cổng trường vì đi học sớm, bản thân tôi cũng cảm thấy đau lòng và không nghĩ ở đâu đó lại xảy ra chuyện như vậy. Đối với Trường Nguyễn Đình Chiểu, các con không ăn bán trú do nhà gần, có người đưa đón, chăm sóc… đó là lựa chọn của phụ huynh. Vào giờ học buổi chiều, học sinh vào lớp sớm đều được đón nhận, các bạn trong lớp còn chia sẻ đồ ăn cùng, nên rất vui vẻ, không có sự phân biệt lớp hay học sinh bán trú riêng biệt. Vào những ngày nắng nóng và để phòng chống COVID-19, nhà trường liên tục vận động phụ huynh đưa đón con đúng giờ để đảm bảo sức khỏe", bà Đỗ Thị Thủy cho biết.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019 - 2020, ngoài học phí (trừ cấp tiểu học), định rõ mức trần của các khoản thu đối với các trường công lập, cụ thể như: Tiền nước uống, tiền phục vụ bán trú (mầm non, tiểu học, THCS), tiền học 2 buổi/ngày (tiểu học, THCS), tiền học phẩm (mầm non), tiền học thêm (cấp THCS, THPT). Riêng khoản tiền ăn, đồng phục, đây là khoản thỏa thuận, thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Các khoản thu sẽ được chi dành cho bữa ăn của học sinh tại trường; bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ công tác bán trú; trang bị cơ sở vật chất cần thiết.
Tại cuộc họp của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chiều 21/5 liên quan vụ việc học sinh Trường tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) trên, phụ huynh học sinh cho biết vì hoàn cảnh gia đình và công việc nên phải đưa con đi học sớm. Đến trường lúc 1h15 chiều ngày 20/5, chị dặn con ngồi dưới gốc cây. Nhưng khi quay lại thì lại thấy con đứng ngoài cổng trường. Con nói không vào lớp vì sợ cô giáo mắng vì đến sớm. Hiệu trưởng nhà trường cũng đã mời phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm làm việc. Trường đồng thời họp quán triệt với các giáo viên bố trí chỗ cho học sinh ở phòng y tế, phòng bảo vệ... khi các em đến sớm. Cô giáo chủ nhiệm cũng nhận lỗi về sự việc này.
16:54, 22/05/2020
16:52, 22/05/2020
16:49, 22/05/2020