19/01/2025 | 10:11 GMT+7, Hà Nội

Khói thuốc chứa chất ướp xác, gây ung thư

Cập nhật lúc: 30/09/2018, 00:01

Cách đây một thời gian khi cơ quan chức năng phát hiện chất ướp xác (formaldehyde) có trong bún, bánh phở thì dư luận vô cùng bức xúc và lo sợ. Thực tế trong thuốc lá hàm lượng chất này khi hít vào người cũng rất cao không khác gì khi ăn nhưng cộng đồng lại coi đó là điều bình thường.

Đó là chia sẻ của Bác sỹ-Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tại Hội nghị cung cấp thông tin và kỹ năng viết bài về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên các cơ quan báo chí do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 25-9.

Theo Bác sỹ nguyễn Tuấn Lâm, thuốc lá không gây đói thuốc như heroin nhưng lại gây cảm giác nhơ dai dẳng. Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hoá chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Các chất thường thấy trong khói thuốc như chì, benzene, đặc biệt là formal dehit-loại hoá chất dùng để ướp xác.

Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 25 loại bệnh, chủ yếu thuộc 4 nhóm chính như: Nhóm bệnh ung thư với 12 loại ung thư do hút thuốc gây ra, trong đó nguy hiểm và thường gặp nhất là ung thư phổi (75% ca bệnh là do thuốc lá), khí phế quản, thanh quản, khoang miệng, vòm họng; nhóm bệnh tim mạch bao gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim;

Nhóm bệnh hô hấp gồm viêm đường hô hấp và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; nhóm các bệnh về sinh sản và sinh dục ở cả 2 giới như giảm chất lượng tinh trùng, bất lực ở nam giới, tang nguy cơ vô sinh, đẻ non, sảy thai, thai lưu ở nữ giới.

Trên thế giới, mỗi năm thuốc lá gây ra trên 7 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành 8 triệu người mỗi năm vào năm 2020, trong đó 70% sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030 nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

khoi thuoc chua chat uop xac gay ung thu
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: Không hút thuốc sẽ tránh được những tốn kém, đau khổ cho các gia đình do có người mắc bệnh (ảnh T.A).

“Chúng ta nói con số thì không hình dung được nhưng trong gia đình có một người ung thư, tim mạch nhập viện chúng ta mới thấu hiểu. Thông thường những ca bệnh chúng ta chấp nhận nó như điều hiển nhiên nhưng thực tế những bệnh này hoàn toàn có thể tránh được. Có đến ¼ những ca bệnh không lây nhiễm do khói thuốc gây ra. Nếu tránh được sẽ tránh giảm được tốn kém và đau khổ cho các gia đình”, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ.

khoi thuoc chua chat uop xac gay ung thu

Một trong những giải pháp được đưa ra để giảm tác hại thuốc lá và gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây nên là tăng thuế. Ông Jun Nakagawa, Phó trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng: Thuế thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn thấp, đứng thứ 19 trên tổng số 20 nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, cần tăng thuế thuốc lá để giảm số người hút thuốc, giảm những tác hại do thuốc lá gây nên.

Mặc dù qua các năm thuế thuốc lá tại Việt Nam có sự điều chỉnh, tuy nhiên thực tế trong thời gian qua thuốc lá vẫn ngày càng rẻ đi so với thu nhập. Thạc sỹ Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết: Theo điều tra Toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) năm 2015 thì giá trung bình của 1 bao thuốc lá 20 điếu có xu hướng giảm từ 12.700/bao năm 2010 còn 11.819 đồng/bao vào năm 2015. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, người nghèo, giảm hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, cần tăng thuế thuốc lá thường xuyên trong những năm tới với mức tăng cao hơn lạm phát và tăng trưởng GDP. Tăng thuế thuốc lá nhằm đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc và giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Đồng thời, cần sớm phê chuẩn nghị định thư nhằm loại trừ buôn bán bất hợp phát các sản phẩm thuốc lá.

Bà Phan Thị Hải nhấn mạnh, Bộ Y tế nhận thấy việc tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá là hết sức cần thiết, vừa giúp tăng thu ngân sách và đặc biệt giúp giảm tỷ lệ thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Bộ Y tế ủng hộ bổ sung thuế tuyệt đối, bằng chứng trên thế giới cho thấy thuế thuốc lá sẽ hiệu quả hơn nếu chuyển sang thuế hỗn hợp hoặc tốt hơn nữa là chỉ áp dụng thuế tuyệt đối.

Với mức thu bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng/bao vào năm 2020 (bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành) thì tỷ lệ hút thuốc ở nam giơi có thể giảm 3%-cộng thêm 3% tỷ lệ giảm hút thuốc do các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá khác. Khi đó sẽ giúp đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39% (giảm 6.3% so với năm 2015).

T. An