Đề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc
Cập nhật lúc: 01/06/2018, 12:00
Cập nhật lúc: 01/06/2018, 12:00
Tại Hội thảo chiều 31/5 của Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá tại nước ta là hơn 47%, đứng thứ 15 trên thế giới.
Đặc biệt vẫn còn hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, hút thuốc thụ động. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đạt như mong muốn.
Trong khi đó, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park chỉ ra thực tế, thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam đều thấp so với các nước. Giá một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là 6.000 đồng, phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng.
Theo dữ liệu của WHO, giá này nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Trong khi đó, thuế thuốc lá khi tính trên giá bán lẻ chỉ chiếm hơn 35%, rất thấp so với trung bình thế giới là 56%; thấp hơn so với chuẩn của WHO khuyến cáo là 70%. Vì thế, ông đề nghị cần tăng thuế thuốc lá mạnh hơn nữa.
Cụ thể, để đạt được mục tiêu giảm giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới từ 47% xuống 39% vào 2020; Việt Nam cần áp mức thuế tối thiểu là 2.000 đồng một bao và tối ưu là 5.000 đồng.
Theo Điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá (GATS 2015), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45.3%.
Theo nghiên cứu của WHO, hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Điều tra GATS 2015 cho thấy người Việt Nam phải chi 31 ngàn tỷ mỗi năm cho việc mua thuốc lá. Chi phí điều trị mới chỉ cho 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là 24 ngàn tỷ một năm.
Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã yêu cầu: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng” .
Theo mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020: “Sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39% vào năm 2020, tức là giảm 6,3% so với năm 2015”.
Để đạt được mục tiêu quốc gia của chính phủ, và đồng thời giảm tỉ lệ mắc và tử vong do thuốc lá gây ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Phòng Tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đưa ra hai phương án.
Phương án 1: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 2.000 đồng một bao. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 3%; giúp tránh được 300.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 6.300 tỷ một năm.
Phương án 2: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 5.000 đồng một bao.
Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%; giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 10.700 tỷ một năm. Trong khi đó, nếu chỉ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 70% như hiện nay thì giá bán lẻ một bao thuốc lá 10.000 đồng cũng chỉ tăng 300 đồng.
Được biết, tại Thái Lan, tỷ lệ thuế rất cao, chiếm tới 70% giá bán lẻ (tương đương với việc Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 600-700%). Với tỷ lệ thuế này, Thái Lan đã chặn được tốt độ tăng của tỷ lệ hút thuốc.
Mặc dù vậy, do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên việc tăng thuế chủ yếu có tác dụng ngăn ngừa người hút mới là thanh thiếu niên và người nghèo nên ngành công nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều vì doanh số không giảm mạnh.
Sản lượng thuốc lá điếu của Thái Lan là 2 tỷ bao tức là bằng một nửa Việt Nam. Nhưng số thu thuế của Thái Lan đạt 2 tỷ USD, gần gấp 3 lần số thu của Việt Nam là khoảng 700 nghìn USD.
13:01, 12/01/2018
07:21, 25/10/2017
01:18, 27/07/2017
07:16, 18/03/2016
23:40, 13/07/2015