19/01/2025 | 07:14 GMT+7, Hà Nội

Buôn lậu thuốc lá: Vì sao vẫn lộng hành

Cập nhật lúc: 27/07/2017, 01:18

Trong thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông do các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu gây ra đã báo động tình trạng mật trật tự xã hội nghiêm trọng, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới Tây Nam và TPHCM…

Liên tục gây tai nạn giao thông 

Ngày 23/5, tài xế Trần Văn Thưởng (42 tuổi) - người điều khiển ôtô chở thuốc lá lậu này chở theo hai người khác cùng với 4.800 gói thuốc lá nhập lậu các loại, lưu thông theo hướng từ Hồng Ngự về Cao Lãnh.

Khi lưu thông đến đường Võ Văn Kiệt, qua xã Tân Phú (huyện Thanh Bình), ôtô do Thưởng điều khiển mất lái, lao vào lề đường và dẫn đến va chạm với em Đỗ Thị Tường Vy (17 tuổi) cùng hai người bạn đang đứng bên lề đường. Cú va chạm quá mạnh khiến Vy tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện, hai người còn lại bị thương.

Trước đó, ngày 17/7, trên đường Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM đối tượng Lê Quang Thái vận chuyển thuốc lá nhập lậu đã gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ chảy, đến đường Lê Văn Sỹ thuộc phường 13, quận 3, đối tượng Thái mới bị các trinh sát hình sự của công an quận 3 bắt giữ. Tại đây, cơ quan chức năng kiểm tra trong bao tải của đối tượng có 78 cây thuốc lá hiệu Jet, 38 cây Hero.

Tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã là hồi chuông cánh báo nghiêm trọng khiến không chỉ nhà nước mất hàng chục ngàn tỷ đồng do thất thu thuế hàng năm, mà còn gây nên tình trạng rối loạn trật tự xã hội nghiêm trọng, mất an toàn cho đời sống nhân dân, dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Theo lực lượng chức năng, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn giao thông do đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu gây ra. Các đối tượng lợi dụng sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp lý trong việc xét xử tội buôn lậu thuốc lá nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá có chiều hướng lộng hành, vận chuyển với số lượng lớn.

Nếu như trước đây, các đối tượng chủ yếu vận chuyển bằng xe gắn máy, xe khách, xuồng máy… thì nay, các đối tượng đã bất chấp pháp luật, vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn bằng xe ô tô riêng phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Chưa nhất quán trong xử lý thuốc lá lậu

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ và tiêu hủy 3.195.150 bao thuốc lá nhập lậu các loại, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng cuối năm, dự báo lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam sẽ tăng đột biến do nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Ngày 20/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi điều 190, 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp buôn bán,vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến 3000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên…

Việc sửa đổi Bộ luật hình sự 2015 cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành trong công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/8/2018. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2017 là “thời gian vàng” để thuốc lá nhập lậu lộng hành tìm cách tràn vào Việt Nam

Trong khi Chính phủ đang xây dưng hệ thống pháp luật mạnh để trấn áp các tội phạm này thì việc đề xuất cho tái xuất hoặc đấu giá tiêu thụ nội địa thuốc lá nhập lậu còn chất lượng đang được nhiều người lo ngại ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam. Như vậy, công tác chống buôn lậu thuốc lá sẽ không được hiệu quả như kỳ vọng.

ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá (Văn Phòng WHO tại Việt Nam) chia sẻ: "Đứng ở khía cạnh chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá, việc tái xuất thuốc lá hoặc đấu giá tiêu thụ nội địa rất khó thực thi: Thứ nhất, việc đánh giá thuốc lá còn chất lượng hay không là rất khó. Nếu muốn xác định phải đưa đi kiểm nghiệm và kiểm nghiệm tất cả các lô được tái xuất hoặc đấu giá tiêu thụ nội địa… việc này sẽ gây tốn kém và mất rất nhiều thời gian.

Thứ hai, nếu cho đấu giá cho bán trong nước, phải thực hiện chính sách thuế: thuế nhập khẩu, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt… như vậy, giá thuốc nhập lậu sẽ rất cao và không thể cạnh tranh được, ngược lại nếu không áp thuế gây ra việc cạnh tranh không lành mạnh, làm thiết hại tới các sản phẩm trong nước và thiệt hại cho Chính phủ.

Tôi cho rằng, việc đấu giá tiêu thụ trong nước sẽ không khả thi; Thứ ba, nếu xuất khẩu thì phải có đơn vị đứng ra đảm bảo nguồn gốc các sản phẩm thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là an toàn; đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Hiện nay đa số các sản phẩm thuốc lá của các nước đều có cảnh báo bằng chữ hoặc hình ảnh, trong khi đó, các sản phẩm nhập lậu lại không đáp ứng các tiêu chí này."

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các Bộ ngành, các địa phương, lực lượng chức năng phải kiên quyết vào cuộc lập lại kỷ cương xã hội trước khi quá muộn.

Ngày 11/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP về Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 cũng đã thống nhất sửa đối Nghị định 76/2013/NĐ-CP theo hướng: Đối với thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu hủy. Đối với trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.