19/01/2025 | 10:09 GMT+7, Hà Nội

Tình trạng buôn lậu, hàng giả hàng nhái vẫn có xu hướng tăng

Cập nhật lúc: 15/11/2016, 13:08

Theo thông tin từ lực lượng Quản lý thị trường, Bộ Công thương, trong 10 tháng đầu năm, Quản lý thị trường đã thực hiện 145.000 vụ kiểm tra, phát hiện 88.000 vụ vi phạm, số tiền xử phạt và thu về cho ngân sách Nhà nước là 523 tỷ đồng.

Riêng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng.

Hàng hóa vi phạm bị thu giữ bao gồm:

  • 3.418 chai, 11.207 lít rượu
  • 37.368 lon bia
  • 59.058 chai, lon nước giải khát
  • 10.330 kg, 373.873 hộp, gói bánh kẹo
  • 14.711 hộp, 15 thùng sữa
  • 250 kg, 291 chai dầu thực vật
  • 2.507 gói, 1.153 kg sản phẩm chế biến bột và tinh bột
  • 39.785 kg rau, củ, nông sản
  • 205.886 kg hoa quả
  • 17.663 kg, 2.604 con gia cầm và thịt gia cầm
  • 43.300 quả trứng gia cầm
  • 21.971 kg, 1.279 con gia súc và thịt gia súc
  • 215.781 kg phụ phẩm gia súc
  • 56.609 kg thủy, hải sản
  • 11.550 kg mì chính
  • 303.245 kg đường
  • 343.788 kg, 144.015 hộp, gói thực phẩm các loại

 10 tháng đầu năm, Quản lý thị trường đã thực hiện 145.000 vụ kiểm tra, phát hiện 88.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái

Đối với nhóm mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Quản lý thị trường đã kiểm tra 4.891 vụ phân bón, kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật.

Phân bón: Kiểm tra 4.891 vụ; phát hiện, xử lý 1.522 vụ vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng, tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu.

Tiến hành tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng, 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 02 máy khâu bao bì, buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng, 15,7 tấn phân bón các loại. Chuyển cơ quan điều tra 01 vụ hàng hóa giả mạo mã vạch của nước ngoài.

Thuốc bảo vệ thực vật: Kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1.548,26 triệu đồng.

Thu giữ 14.129 lít, chai; 831,1 kg thuốc Bảo vệ thực vật. Tiêu hủy 45 gói (phân bón viên dủi sau; phân bón lá) quá hạn sử dụng.

Tịch thu 01 chai thuốc trừ bệnh, 12 bịch thuốc trừ sâu bệnh hại cây trồng, 30 chai thuốc BVTV hết hạn sử dụng.

Các hành vi chủ yếu là kinh doanh thuốc BVTV trên nhãn có thông tin không đúng sự thật; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc có tên trong danh mục bị cấm sử dụng; kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Về mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.859 vụ. Trong đó: vi phạm về vận chuyển 1.143 vụ; vi phạm về kinh doanh 3.718 vụ.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 25,74 tỷ đồng. Tịch thu 966.097 bao thuốc lá các loại; thu giữ 32 xe ô tô, 695 xe máy, 32 phương tiện khác; chuyển cho cơ quan điều tra 103 vụ.

Mặc dù đã có những hình thức phạt và xử lý mạnh tay nhưng lực lượng Quản lý thị trường nhận định tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng. Một số nguyên nhân được nhắc đến là: 

Thứ nhất, do điều kiện địa hình tuyến biên giới phức tạp và nhiều nguyên nhân khác như: lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, phải quản lý trên địa bàn rất rộng; nhân dân khu vực biên giới không có công ăn việc làm, lấy việc cho thuê nhà làm kho chứa hàng lậu, vận chuyển thuê hàng lậu qua biên giới làm nghề kiếm sống; cá biệt còn có cán bộ, công chức không tích cực phối hợp đấu tranh hoặc làm ngơ, để đối tượng buôn lậu lợi dụng…

Thứ hai, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý quyết liệt, các chế tài xử phạt đã được nâng lên, nhiều vụ việc đã bị truy tố hình sự nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống đối quyết liệt các lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm.

Và cuối cùng, những vướng mắc về cơ chế chính sách cũng là một khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Ví dụ: chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp rất khó khăn; trang thiết bị và điều kiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu, các công cụ hỗ trợ và các thiết bị phụ trợ chưa được trang bị đầy đủ...