20/01/2025 | 09:58 GMT+7, Hà Nội

Khi cô đồng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”

Cập nhật lúc: 09/07/2019, 15:45

Chỉ sau ít ngày thông tin về một “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” được bầu giữ chức Phó ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả tại TP HCM dư luận mới ngã ngửa về danh xưng lạ lùng, khó hiểu.

Chỉ sau ít ngày thông tin về một “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” được bầu giữ chức Phó ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả tại TP HCM thuộc Viện Công nghệ chống làm giả, dư luận mới ngã ngửa về danh xưng lạ lùng, khó hiểu đến từ một cuộc thi nhan sắc “ao làng”.

Khi dư luận bắt đầu quan tâm đến danh xưng lạ đời được trao cho một cô đồng và được giới thiệu bảng thành tích: Bảng vàng Tâm tài đất Việt vì sự phát triển của cộng đồng; danh hiệu trái tim vàng vì cộng đồng; hãng phim Mỹ bình chọn là cô hầu đồng đẹp nhất để quảng bá hầu đồng Việt Nam đi khắp thế giới… Nữ hoàng văn hóa tâm linh được trao cho cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân như một lời tri ân cho những đóng góp của cô cho văn hóa nước nhà. … thì hàng loạt những thông tin về đơn vị tổ chức lại được “xới” lên với một bộ hồ sơ “tai tiếng”.

Đầu tiên, đơn vị từng trao danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” là Trung ương Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam từng gây lùm xùm khi phong danh hiệu “giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn năm 2017. Còn đơn vị bầu cho Phạm Nữ Hiền Ngân “chiếc ghế” Phó ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả thuộc Viện Công nghệ chống làm giả thì trước đó, Viện này cũng là đơn vị từng vinh danh Cty Vinaca - một DN sản xuất thuốc ung thư giả bằng bột than tre đã khiến dư luận dậy sóng trong năm qua.

khi co dong mua danh ba van ban danh ba dong
Hình ảnh Phạm Nữ Hiền Ngân với danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”.

Khi dư luận chưa ngã ngũ, tấm thiệp mời tham dự đêm chung kết “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” trở thành một “trò lố” trong mắt công chúng. Theo nội dung tấm thiệp, sự kiện thảm đỏ với sự góp mặt của hàng loạt danh xưng rất kêu như: Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng thương hiệu ngành thép, Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam… Họ sẽ sải bước trên thảm đỏ để tìm kiếm danh hiệu Nữ hoàng thảm đỏ trước khi đến với phần trao thưởng “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” năm 2019. Sự kiện dự kiến tổ chức ngày 13-7 tại Hà Nội do Trung ương Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam phối hợp với một DN xuất khẩu ô tô tổ chức.

Trước thông tin gây xôn xao dư luận, ông Tô Văn Động, GĐ Sở VH-TT Hà Nội trả lời báo chí rằng, đơn vị quản lý chưa từng tiếp nhận một cuộc thi nhan sắc và không có sự kiện chung kết trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” được tổ chức vào ngày, giờ nêu trên. Hà Nội chỉ tiếp nhận tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” do Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc cấp cho Cty xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức.

Theo quy định hiện hành, các cuộc thi sắc đẹp xin giấy phép ở đâu, sẽ phải tổ chức các vòng thi ở địa phương đó. Hà Nội không thể tiếp nhận cho phép tổ chức chung kết cuộc thi nếu đơn vị tổ chức xin phép Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc. Trong khi đó, nếu là chương trình biểu diễn nghệ thuật, thì sẽ không được phép tổ chức các màn thi nhan sắc và trao giải các danh hiệu. Ông Tô Văn Động nhấn mạnh, Sở VH-TT Hà Nội sẽ yêu cầu thanh tra kiểm tra thật kỹ quá trình tổ chức chương trình này. Nếu phát hiện có bất kỳ vi phạm nào sẽ ngay lập tức thu hồi giấy phép và bắt ngừng tổ chức.

Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn là danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” của Phạm Nữ Hiền Ngân do Trung ương Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam phối hợp với một DN trao tặng từ cách đây gần 1 năm. Chính đơn vị này cũng từng gây ồn ào khi phong danh hiệu “giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn năm 2017. Với những vụ việc trao danh hiệu gây ồn ào trên, liệu rằng, đêm trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” có treo đầu dê, bán thịt chó khi chỉ đăng ký với Sở VH-TT Hà Nội làm chương trình nghệ thuật nhưng lại lồng ghép với cuộc thi trao danh hiệu.

Lý giải về danh hiệu “lạ” của Phạm Nữ Hiền Ngân, bà Vũ Thị Hoài Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam, danh hiệu này nằm trong chương trình tôn vinh “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” do Hội tổ chức dành cho các nữ doanh nhân, phụ nữ là hội viên của Hội có đóng góp, thành công trong nghề, hoạt động trong các lĩnh vực. Bản thân nữ cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân là hội viên của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam.

Bà Thanh cũng cho hay, Trung ương Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam ngoài lĩnh vực chuyên môn về thương hiệu, ngành nghề thì đơn vị này cũng liên quan nhiều đến các hoạt động khác và Hội có Viện nghiên cứu và phát triển đạo Mẫu Việt Nam, chuyên sâu về đạo Mẫu”. Năm 2018, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đạo Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bởi thế, danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” được trao cho Phạm Nữ Hiền Ngân là có cơ sở.

Về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Quang Vinh khẳng định chưa từng nghe tên hay cấp phép cho cuộc thi nào với tên gọi “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”. Về phía độc giả, họ lắc đầu ngao ngán trước việc loạn danh xưng các cuộc thi nhan sắc “ao làng” gần đây. Có khán giả hài hước: “Rồi mai đây có thêm Nữ hoàng nước mắm , Nữ hoàng rau củ quả, thịt cá,… kiểu này mai mốt bà bán hủ tiếu đầu hẻm cũng đi thi luôn”.

Có thể nhận thấy, danh xưng từ các cuộc thi nhan sắc “ao làng” bùng nổ những năm gần đây là do nhu cầu tìm kiếm danh hiệu rất lớn của các cô gái. Không phủ nhận, họ muốn nổi tiếng nhanh bằng mọi giá. Mặc dù, khán giả phê phán, không công nhận những cuộc thi nhan sắc như vậy, nhưng các người đẹp vẫn đam mê thi thố .

Mặc dù là cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân được đánh giá có gương mặt đẹp, tuy nhiên, với cương vị chức trách mơ hồ của một Phó Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả, trong khi đó bản thân  không là doanh nhân, không có kinh nghiệm trong quản lý DN thì chống hàng giả làm sao? Hay, chỉ cần tham gia một sân chơi về nhan sắc đã mặc định là “Nữ hoàng”?

Trước sức ép từ dư luận, được biết, Phạm Nữ Hiền Ngân đã viết đơn xin miễn nhiệm vị trí Phó ban từ ngày 5-7-2019. Tuy nhiên, danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” hẳn sẽ phai mờ trong mắt công chúng vì sự ngụy tạo danh xưng đến “lố bịch”. Không ngoa khi nói rằng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” rất đúng với trường hợp của cô đồng này.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/khi-co-dong-mua-danh-ba-van-ban-danh-ba-dong-154668.html