19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

Khai thác “tài nguyên chính sách” để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển

Cập nhật lúc: 31/08/2023, 09:04

Các chuyên gia cho rằng, tài nguyên đất đai hữu hạn nhưng “tài nguyên chính sách” thì vô hạn. Điều quan trọng là cần khai thác “tài nguyên chính sách” đúng cách để phát huy hết giá trị.

“Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều diễn ra trên đất hoặc dưới đất”

Chia sẻ tại Tọa đàm “Gỡ rào cản, phát huy nội lực pháp luật đất đai cho phát triển bền vững” ngày 29/8, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều diễn ra trên đất hoặc dưới đất. Điều này để thấy rằng, vai trò của đất đai là vô cùng quan trọng”.

Theo ông Hiếu, đất đai là nguồn lực, điều kiện cơ bản của người dân, bởi nó đáp ứng quyền có chỗ ở, quyền sinh kế của họ. Nhìn ở khía cạnh kinh doanh, đất đai chính là đầu vào, là tư liệu sản xuất. Ở khía cạnh khác, đất đai lại là sản phẩm hàng hóa được mua bán trên thị trường.

“Với vai trò quan trọng của mình, đất đai có những đặc điểm rất riêng biệt. Đó là tính hữu hạn, không thể sinh sôi nảy nở. Và vì hữu hạn nên nó mang tính chất chuyển dịch vĩnh viễn. Tức là người này có thì người kia mất. Bên cạnh đó, cùng một miếng đất nhưng các chủ thể sử dụng với những mục đích khác nhau thì kết quả đem lại sẽ khác nhau”, ông nói.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, khi sở hữu vai trò quá lớn song lại mang nhiều đặc điểm riêng biệt, công tác quản lý đất đai nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ phát sinh nhiều bài toán khó.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cao ốc Quốc tế Hồ Tây nhận định, đất đai là một tài nguyên quý giá nhưng trong quá trình phát triển thị trường bất động sản thời gian qua, các chính sách pháp luật đã ảnh hưởng đến tài nguyên này.

Chia sẻ rõ hơn, ông Thanh cho biết, các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai đã được xây dựng từ rất lâu và cứ 10 năm thì các bộ luật liên quan đến đất đai, thị trường bất động sản sẽ được sửa đổi, bổ sung một lần.

Điều này cho thấy, Nhà nước rất coi trọng nguồn lực đất đai và không ngừng hoàn thiện chính sách pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực này. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản, các chính sách pháp luật dường như chưa theo kịp, chưa giải quyết hết mọi vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra khiến không chỉ thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn mà các nguồn lực đất đai cũng bị sử dụng kém hiệu quả, lãng phí.

“Vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; nguồn lực đất đai được khai thác có hiệu quả, phát huy vai trò kinh tế - xã hội của mình là các chính sách pháp luật phải được chú trọng hoàn thiện”, ông Thanh nói.

Khai thác hiệu quả “tài nguyên chính sách”

Vai trò của đất đai là rất lớn nhưng vai trò của chính sách đất đai được đánh giá còn quan trọng hơn nhiều. Bởi suy cho cùng, đất đai chỉ là một tài nguyên có hạn, trong khi, chính sách đất đai lại được xem là một tài nguyên vô hạn.

“Có một dạng tài nguyên rất quan trọng có thể thúc đẩy được sự phát triển của xã hội, đó là các thể chế, quy định của pháp luật. Trong đó, có các thể chế, quy định của pháp luật về đất đai”, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law chia sẻ tại Toạ đàm.

Theo vị luật sư, chính sách đất đai ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các bên, còn là công cụ khuyến khích việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Đồng thời, đây cũng là công cụ kinh tế giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần ổn định tài chính vĩ mô; là công cụ kinh tế điều tiết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu và các bên có liên quan như người sử dụng đất, người bị thu hồi đất.

"Vì vậy, chính sách đất đai cũng là một dạng tài nguyên. Nếu các tài nguyên khác khai thác hết nhưng tài nguyên pháp luật vẫn được khai thác hiệu quả thì vẫn góp phần phát triển kinh tế - xã hội", luật sư Hà nhìn nhận.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law. (Ảnh: Reatimes)

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nhắc đến thể chế, chính sách là mọi người thường nghĩ đến việc tạo ra nhiều thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ… “Vậy thể chế, chính sách có phải là rào cản hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Theo ông Hiếu, đây chỉ là một phần của thể chế, chính sách. Bản chất của thể chế, chính sách là tốt, là để hoàn thiện pháp luật, tạo một hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, phát triển thị trường bất động sản, từ đó phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do việc hoàn thiện thể chế vẫn còn những bất cập nên chúng ta đang có sự hiểu nhầm.

“Để hoàn thiện thể chế, chính sách, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng của nó, đơn cử như dữ liệu thông tin. Nếu dữ liệu thông tin tốt, phạm vi thông tin đủ rộng, có sự minh bạch thì những thể chế, chính sách được ban hành sẽ phát huy vai trò của mình. Và khi việc xây dựng thể chế, chính sách dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ thì còn góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Ví dụ như vấn đề định giá đất, nếu như chúng ta không có một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin chất lượng thì rất khó trong việc thực thi chính sách, vừa khó trong việc định giá đất, vừa tạo cơ hội cho nhiều đối tượng trục lợi”, ông Hiếu nói./.

Nguồn: https://reatimes.vn/khai-thac-tai-nguyen-chinh-sach-thuc-day-thi-truong-bds-20201224000021816.html