19/01/2025 | 15:15 GMT+7, Hà Nội

Khách hàng "tố" công ty Elepharma có dấu hiệu quảng cáo “lách luật” bẫy người tiêu dùng

Cập nhật lúc: 27/11/2018, 19:00

Dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng viên sủi SCurma Fizzy (sản phẩm thuộc bản quyền công ty Cổ phần Elepharma) lại quảng cáo thần thánh hóa về công dụng sản phẩm như một loại thuốc chữa bệnh khiến người tiêu dùng hiểu lầm.

Mới đây, chúng tôi nhận được phản ánh của một số khách hàng tại chung cư CT7 Dương Nội - Hà Đông - Hà Nội tỏ ra bức xúc cho rằng, việc quảng cáo mang tính chất chộp giật, cung cấp thông tin khiến họ hiểu nhầm sản phẩm viên sủi Scurma Fizzy của công ty Elepharma là thuốc trong khi chỉ là thực phẩm chức năng là việc làm không mấy “tử tế”, lừa dối khách hàng của đơn vị kinh doanh.

Theo quy định pháp luật, thực phẩm chức năng không phải thuốc chữa bệnh. Nó là sản phẩm bổ sung những chất còn thiếu cho cơ thể trong quá trình chuyển hóa, giúp cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã quảng cáo thần thánh hóa về công dụng sản phẩm khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc và có tác dụng chữa trị bệnh.

Theo đó, sản phẩm viên sủi Scurma Fizzy – sản phẩm thuộc bản quyền Công ty Cổ phẩn Elepharma (có địa chỉ số 38, ngõ 57, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) dù chỉ là thực phẩm chức năng theo xác nhận của nhân viên tư vấn nhưng trên nhiều website (Scurmafizzy.scurma.com.vn và Scurmafizzy.com) lại quảng cáo, cung cấp thông tin sản phẩm có công dụng như thuốc có khả năng điều trị, đặc trị bệnh.

Viên sủi Scurma Fizzy được quảng cáo thần thánh hóa hơn cả thuốc

Viên sủi Scurma Fizzy được quảng cáo thần thánh hóa hơn cả thuốc.

Như thông tin trên website, sản phẩm Nano Curcumin SCurma Fizzy là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc Gia Hà Nội và các cơ sở uy tín. "Viên sủi SCurma Fizzy đánh dấu bước đột phá trong Công nghệ bào chế hiện đại, được khẳng định là viên sủi Nano Curcumin đầu tiên tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 trên thế giới sau Mỹ sản xuất thành công viên sủi Nano Curcumin chất lượng ngang bằng Nano Curcumin của Mỹ và được các nhà khoa học đánh giá là điểm sáng của nền Y dược Việt Nam".

Thông qua các kênh mạng xã hội, website, công ty cổ phần Elepharma (sau đây gọi là công ty Elepharma) đã cho đăng tải nhiều thông tin bài viết, ý kiến người bệnh, video về sản phẩm viên sủi Scurma Fizzy. Đáng lưu tâm, những nội dung được đăng tải đều được “nhóm tác giả” định hướng và khiến người tiêu dùng hiểu nhầm viên sủi Scurma Fizzy là thuốc có tác dụng điều trị bệnh.

Theo đó, viên sủi Scurma Fizzy giới thiệu được bào chế thành dạng sủi nên hiệu quả đánh giá nổi trội hơn so với các dạng bào chế dược phẩm khác giúp tăng khả năng tấn công vào vùng viêm tại dạ dày và tốc độ hấp thu vào máu nhanh nhất (chỉ chậm hơn tiêm), giảm nhanh các triệu chứng: Trào ngược dạ dày, đau rát thượng vị, rối loạn tiêu hoá. Nano curcumin hướng đích tới các vùng viêm, tế bào ung thư, tiền ung thư…Thậm chí, theo công ty Elepharma thì tốc độ và mức độ hấp thu dược chất vào vòng tuần hoàn chung một cách nguyên vẹn và đưa đến nơi tác dụng của Scurma Fizzy còn cao hơn cả… nhiều loại viên thuốc uống khác

Bên cạnh đó, công ty Elepharma còn “lách luật” dưới hình thức “lắng nghe chia sẻ từ khách hàng đã sử dụng Scurma Fizzy” khiến người tiêu dùng dùng tin rằng loại thực phẩm chức năng Scurma Fizzy được đề cập đến có công dụng như thuốc chữa bệnh.

Motip chung quảng cáo có dấu hiệu trá hình để “bẫy” người tiêu dùng

Motip chung quảng cáo có dấu hiệu “bẫy” người tiêu dùng.

“Ở ngay liệu trình đầu tiên, tôi đã nhận thấy sự khác biệt rõ rệt khi ăn uống ngon hơn, không còn các cơn đau quằn quại như trước nữa. Chỉ sau 3 tháng, tôi bất ngờ khi những vết loét hầu như đã nhỏ lại, bệnh đau dạ dày gần như biến mất. Giờ đây, tôi có thể thoải mái ăn uống, sinh hoạt mà không phải lo những cơn đau kéo tới nữa…”

“Tôi bị đau dạ dày đã hơn 3 năm nay, tôi thường xuyên bị ợ hơi nóng và bị đau thượng vị khi đói, khi no. Tôi đã từng sử dụng nhiều phương pháp đông, tây y nhưng đều không hiệu quả.Thật may mắn, tôi được đồng nghiệp giới thiệu SCurmaFizzy, nơi đây có dược sĩ tư vấn nhiệt tình, bệnh dạ dày của tôi đã dần dần thuyên giảm sau một liệu trình"...

Motip chung của hình thức “lắng nghe chia sẻ từ khách hàng đã sử dụng Scurma Fizzy” là: Trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở, quằn quại với bệnh tật, da dẻ không được đẹp… Khi sử dụng sản phẩm một thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, các triệu chứng đau dạ dày… đều biến mất. Đây chính là lý do để những người đã từng sử dụng sản phẩm viết bài “chia sẻ”. Để tăng sự thuyết phục, chân thực hơn, những “biên tập viên” của website còn cung cấp đầy đủ hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ của khách hàng chia sẻ.

Không những vậy, công ty Elepharma còn đăng tải nhiều video dưới dạng hội thảo, clip của VTV1 đưa tin về hội thảo công bố đề tài nghiên cứu và khéo léo chèn thông tin sản phẩm viên sủi Scurma Fizzy để “định hướng" khiến người tiêu dùng nhầm lẫn sản phẩm có tác dụng chữa trị, điều trị bệnh.

Theo các chuyên gia, trong thời gian điều trị bệnh, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ của bác sĩ đưa ra, không tùy tiện sử dụng sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng khi chưa tham khảo, có ý kiến từ bác sỹĩđiều trị. Nếu không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tự ý sử dụng sản phẩm sẽ gây gián đoạn điều trị, khiến tình trạng bệnh không tiến triển, thậm chí nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Chị Vũ Thị Linh (cư dân sống tại một chung cư ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ, khi đọc và tìm hiểu trên website chính thức và các đơn vị tiếp thị sẽ hiểu nhầm đây là sản phẩm thuốc chứ không phải thực phẩm chức năng.

“Quảng cáo như vậy khác gì đánh lừa người tiêu dùng, không biết công dụng có tốt hay không, nhưng việc không trung thực trong cung cấp thông tin tới người tiêu dùng là việc làm không thể chấp nhận”, chị Linh nói.

Theo tìm hiểu của PV, viên sủi Scurma Fizzy là sản phẩm thuộc bản quyền của công ty Elepharma có giấy phép đăng kí kinh doanh số 107844969 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp ngày 15/01/2015. Sản phẩm nói trên được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cấp phép ngày 27/06/2017 do Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm ký xác nhận.

Phía PV đã gọi điện vào số điện thoại 0983533*** tại một đơn vị bán viên sủi Scurma Fizzy và được nhân viên ở đây hướng dẫn gọi vào số 18006091 để liên hệ làm việc. Khi PV liên hệ, nhân sự Scurma Fizzy gắt gỏng khẳng định không có việc quảng cáo gây hiểu nhầm như PV đã nêu và từ chối tiếp nhận thông tin.

Bên cạnh đó, tại website Scurmafizzy.scurma.com.vn, nhân viên đã nhanh chóng sửa lại từ “viên sủi Scurma Fizzy viên sủi đặc trị viêm loét dạ dày” thành “viên sủi Scurma Fizzy viên sủi hộ trợ điều trị viêm loét dạ dày” để lấp liếm sai phạm.

Khoan hãy nói đến công dụng sản phẩm viên sủi Scurma Fizzy tốt hay không tốt, việc nhân viên công ty Elepharma có thái độ thiếu hợp tác với những phản ánh, phản hồi từ phía khách hàng cho thấy sự thờ ơ, vô trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải thích với khách hàng. Vậy khi khách hàng gặp sự cố về sản phẩm và có thắc mắc thì cách ứng xử, văn hóa trả lời của công ty Elepharma khi tiếp nhận sẽ thế nào?

Hiện nay, trên thị trường số lượng thực phẩm chức năng được cung cấp không hề nhỏ nhưng vì lợi nhuận kinh doanh, không ít doanh nghiệp đã quảng cáo … bẫy người tiêu dùng và dường như cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý triệt để được những chiêu trò nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Hậu quả nhãn tiền là “tiền mất tật mang”, khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng lại chính là người chịu ảnh hưởng về sức khỏe.

Theo Điều 23, nghị định số 115/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;
b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi tài liệu, ấn phẩm đã phát hành đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
c) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
d) Buộc cải chính thông tin đối với vi phạm quy định tại khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này.

 Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...