22/11/2024 | 03:07 GMT+7, Hà Nội

Khách hàng bức xúc tố nhà mạng Vinaphone dùng thủ đoạn tinh vi để "móc túi"

Cập nhật lúc: 13/09/2018, 20:31

Gần như suốt một năm nay anh Nguyễn Văn Tùng - Chủ nhân thuê bao trả sau số 0888.xxxx.xx không gắn sim vào điện thoại để sử dụng, mà chỉ nạp cước để duy trì sim số đẹp. Thế nhưng, tiền cước tháng nào cũng trội lên gấp 5 lần so với gói cước đăng ký. Sau khi kiểm tra anh Tùng phát hiện mình đã bị Vinaphone móc túi hàng triệu đồng.

Mập mờ để "khoét túi" khách hàng

Anh Tùng là khách hàng sử dụng dịch vụ thuê bao trả sau của nhà mạng Vinaphone, với gói cước đăng ký thấp nhất là Alo45 - 45,000 đồng/ tháng để có 1000 phút gọi nội mạng.

Thế nhưng dù có những tháng không thực hiện bất cứ cuộc gọi nào thì tiền cước anh Tùng phải trả cho nhà mạng lên đến khoảng 200 nghìn đồng.

Quá khó hiểu với cách tính tiền của Vinaphone, Chiều ngày 7/9/2018 anh Tùng đã tải app của VNPT để kiểm tra chi tiết cước. Anh vô cùng bất ngờ khi chi tiết cước của thuê bao anh sử dụng có hàng chục cuộc gọi đến một số điện thoại (8411103320039600002) và mỗi cuộc gọi phải trả 2.727 đồng  + VAT sẽ là hơn 3000 đồng.

hàng loạt những cuộc điện thoại la được thể hiện trong chi tiết cước

Hàng loạt những cuộc điện thoại lạ được thể hiện trong chi tiết cước

Anh Tùng đã gọi điện cho tổng đài chăm sóc khách hàng của Vinaphone thì nhân viên tư vấn cho biết, thuê bao của anh đã đăng ký 2 dịch vụ là thông báo cuộc gọi nhỡ và dịch vụ chia sẻ video.

Anh Tùng vô cùng bức xúc cho biết: “Tôi chưa bao giờ, chưa một lần đăng ký bất cứ 1 dịch vụ nào như nhân viên tổng đài nói. Thậm chí, trong đầu tôi chưa bao giờ có ý niệm nào về việc đăng ký dịch vụ này.

Hơn nữa, đó là dịch vụ gì thì chính nhân viên của Vinaphone cũng không rõ ràng vì nhân viên thông báo: “qua kiểm tra Vinaphone xác định 2 dịch vụ được đăng ký cho thuê bao của anh Tùng là đăng ký từ 2 nguồn, một là qua SMS (hình thức nhắn tin), nguồn thứ 2 là qua App.

Anh Tùng vô cùng bức xúc về câu trả lời có dấu hiệu lừa đảo này của nhà mạng bởi đăng ký qua nguồn nào thì cũng đều có mã OTP để xác nhận, mà anh chẳng được nhà mạng gửi bất cứ mã OTP nào.

Nhân viên của Vinaphone cũng cho biết thêm, hiện tại Vinaphone cần xác minh đơn vị đối tác nhưng đối tác đó là ai thì, đơn vị nào thì Vinaphone từ chối cung cấp.

Chia sẻ với phóng viên, anh Tùng bức xúc “Đơn vị đó là đơn vị nào? Ai là người móc túi của tôi? Hoàn toàn vinaphone có thể trả lời, nhưng chính Vinaphone lại mờ ám trong chuyện này, chắc chắn có gì đó ở phía đằng sau”.

Nhà mạng Vinaphone cố tình xóa dấu vết?

Sau khi nhân viên Vinaphone tra soát lại các dịch vụ của anh Tùng, nhà mạng cho biết, một dịch vụ chia sẻ video có tên là Media Play đã được đăng ký cho thuê bao của anh Tùng từ ngày 30/08/2017. Mỗi ngày dịch vụ này trừ tiền hơn 3.000 đồng. Như vậy, anh Tùng mất oan hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên ngay sau khi cuộc điện thoại kết thúc, thì cũng là lúc anh Tùng nhận được tin nhắn thông báo hủy dịch vụ.

Vinaphone cố tình xóa dấu vết bằng cách hủy dịch vụ

Vinaphone cố tình xóa dấu vết bằng cách hủy dịch vụ

Thông thường để đăng ký 1 dịch vụ hay hủy một dịch vụ thì khách hàng buộc phải  thực hiện cú pháp nhắn tin để xác nhận đăng ký, hay hủy đăng ký dịch vụ. Tuy nhiên việc tự động hủy dịch vụ khi người dùng khi không có bất cứ một tác động nào của người dùng.

Tức là Vinaphone đang cố tình xóa dấu vết, xóa căn cứ…Và cũng là minh chứng cho việc Vinaphone tự ý sử dụng đóng mở túi tiền của khách hàng. Và điều này cũng cho thấy đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp này quá tệ.

Hiện tại, Vinaphone đã có hàng chục triệu thuê bao đang hoạt động, riêng thuê bao của anh Tùng đã bị Vinaphone móc túi hơn 1 triệu đồng. Sau khi anh Tùng chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, đã có hàng chục người đã cùng chung bức xúc với anh.

Một nhà mạng với nhiều “Tai tiếng”

Thời gian qua có rất nhiều những bài báo, cho đã nêu về việc tự động đăng ký trừ tiền khách hàng và phía vinaphone đã nhiều lần nhận lỗi nhưng dường như doanh nghiệp này vẫn chưa biết sửa lỗi. Trước đó, Thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông đã phát hiện Vinaphone vi phạm trong việc tích hợp sẵn ứng dụng trên SIM để bán cho người sử dụng (ứng dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí) nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý/không đồng ý với mức phí đưa ra. 

Ví dụ như dịch vụ có tên IOD tích hợp trên SIM đã đem lại doanh thu cho Vinaphone gần 21 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của sự việc này...