19/01/2025 | 18:16 GMT+7, Hà Nội

Khả năng chịu lực của cầu Thăng Long sẽ tăng gấp 3 lần

Cập nhật lúc: 09/01/2021, 06:39

Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định, sau khi hoàn thành khả năng chịu lực của cầu Thăng Long sẽ tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Sau gần 2 năm chuẩn bị chuyển giao công nghệ và 5 tháng thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã hoàn thành vượt tiến độ 7 ngày, đảm bảo chất lượng và chính thức thông xe vào sáng nay (7/1).

Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là dự án sửa chữa quan trọng, việc hoàn thành đúng vào dịp đầu năm 2021 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và sắp Tết Nguyên đán.

Đánh giá cao và biểu dương Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các chuyên gia, đơn vị thi công đã hết sức tích cực và có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long, lao động ngày đêm để dự án về đích.

Để đảm bảo hiệu quả công trình đưa vào khai thác thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ phối hợp với Hà Nội bàn giao công trình, khai thác đảm bảo tuyệt đối an toàn hiệu quả trong đó lưu ý kiểm soát xe tải qua cầu để đảm bảo trọng tải không vượt quá và chất lượng cầu.

Theo quy hoạch có 11 cầu và hầm qua sông Hồng trong đó có cầu Thăng Long, là cầu thứ 2 xây qua sông Hồng sau cầu Long Biên, cầu này không chỉ kết nối phía Bắc của Thủ đô mà kết nối phía Bắc và Nam của đất nước.

Thông tin từ Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, sau khi hoàn thành khả năng chịu lực của cầu Thăng Long sẽ tăng gấp 3 lần so với trước đây. Việc hoàn thành sửa chữa cầu Thăng Long vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng được Tổng cục đường bộ lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành.

Do đó, Tổng cục đường bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp sửa chữa. Trong đó có công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng UHPC là giải pháp trong sửa chữa cầu trên thế giới.

Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này có nội dung chủ yếu là gia cường, tăng cường mặt cầu thép hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ - liên hợp giữa bản mặt thép hiện tại với bê tông siêu tính năng UHPC, có kết hợp sử dụng lớp phủ bê tông nhựa siêu mỏng tạo nhám, liên kết giữa bản mặt thép hiện tại và bê tông siêu tính năng bằng đinh neo tiêu chuẩn dài 5cm và lưới cốt thép.

Giải pháp sửa chữa cầu Thăng Long lần này bao gồm: cào bóc và làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, hàn các đinh neo trên bản mặt thép, bổ sung lưới cốt thép, rồi rải lớp bê tông siêu tính năng UHPC với lượng sợi thép gia cường cần thiết. Qua đó tạo ra kết cấu liên hợp giữa bê tông UHPC với sàn thép hiện hữu, tạo thành mặt cầu liên hợp siêu nhẹ.

Đã có 1,5 triệu đinh neo được hàn trên bản mặt cầu. Thời gian để hàn xong một đinh neo chỉ 0,4 - 06 giây, việc hàn đinh neo không sinh nhiệt, không thay đổi tính chất cơ lý của bản thép. Tùy theo thời tiết và lưu lượng, lớp bê tông nhựa sẽ có tuổi thọ từ 5 - 10 năm.

Phát biểu tại buổi lể, ông Nguyễn Ngọc Đình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng đại diện liên danh nhà thầu thi công Thành Hưng - Vĩnh Hưng - Phương Thành - Thuận An cho biết, sau 144 ngày thi công không ngừng nghỉ, vượt qua các khó khăn về thời tiết, dịch bệnh Covid-19,...liên danh nhà thầu đã hoàn thành dự án vượt tiến độ.

Qua đó góp phần đưa công trình sớm đi vào sử dụng giảm tải cho các cây cầu lân cận, giảm chi phí xã hội do các phương tiện vận tải phải vòng tránh công trình trong quá trình thi công. Cầu Thăng Long không chỉ là một công trình quy mô lớn mà còn mang nhiều ý nghĩa, được ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam trực tiếp thiết kế, thi công.

Việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến Vành đai III thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa nội thành Hà Nội với sân bay Quốc tế Nội Bài và với các tỉnh thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền, để bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông cầu Thăng Long, Tổng cục và Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm soát tải trọng xe.

Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long - Đường Vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt. Vị trí đặt cân và kiểm tra tải trọng xe tại Km1+00 đường Võ Văn Kiệt (chiều đường sân bay Nội Bài đi cầu Thăng Long) xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố. Hà Nội.Công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe được thực hiện 24/7, phân thành 3 ca trực hàng ngày.

Nguồn: https://congluan.vn/kha-nang-chiu-luc-cua-cau-thang-long-se-tang-gap-3-lan-post112693.html