08/09/2024 | 09:55 GMT+7, Hà Nội

Kết nối chính quyền với người dân qua "nhịp cầu" iHanoi

Cập nhật lúc: 12/07/2024, 08:51

Sau gần nửa tháng ra mắt, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” (iHanoi) đã bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc giải quyết các vấn đề bất cập của đời sống, với sự chung tay của cả chính quyền và người dân.

Dân phản ánh, chính quyền vào cuộc

Sân Khu tập thể Ngân hàng (ngõ 96, Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội từ nhiều năm nay trở thành nơi trông giữ xe ngày và đêm của hầu hết các hộ dân nơi đây, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ. Bà Nguyễn Thị Cúc (sống tại căn hộ tầng 1 cho biết: “Khu tập thể có khoảng 80 hộ dân, 90% số xe máy của cư dân đều để ở sân, vì vậy, để tránh mùi xăng xe chẳng mấy khi gia đình tôi mở cửa. Lũ trẻ cũng không có không gian vui chơi, vì khoảng sân nhỏ hẹp duy nhất đã bị chiếm làm điểm đỗ xe, chỉ còn một lối đi nhỏ ở giữa”.

Điều bà Cúc lo lắng hơn cả là gần đây nhiều vụ cháy có nguyên nhân xuất phát từ xe máy, trong khi các biện pháp phòng cháy nơi đây còn sơ sài, chỉ có vài bình cứu hoả nhỏ; lối vào khu tập thể có cửa sắt khoá kín về đêm, nhiều căn hộ cơi nới chuồng cọp, song sắt kín mít...

Khu vực đỗ xe tại Khu tập thể ngân hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Bày tỏ lo lắng với con trai, bà Cúc được biết đến ứng dụng iHanoi, trong đó có chức năng phản ánh với chính quyền về những vấn đề bất cập tại khu dân cư. Với suy nghĩ “cứ thử xem sao”, bà Cúc bàn với người dân trong khu tập thể đã cử người thành thạo nhất về công nghệ phản ánh thực tế bất cập trên tới chính quyền đề nghị giải tán bãi đỗ xe.

“Thật nhanh chóng, chỉ vài ngày sau đó, một tổ công tác đã tới tiến hành kiểm tra hoạt động trông giữ xe và có các cán bộ địa bàn khu dân cư vận động, tuyên tuyền các hộ dân chủ động gửi phương tiện riêng để phòng cháy chữa cháy”- bà Cúc kể.

Cũng theo bà Cúc, những thông tin phản hồi về kết quả kiểm tra bãi xe đều được UBND quận phản hồi trên ứng dụng iHanoi, ngay dưới phản ánh của người dân. Dù kết quả chưa thực sự như mong đợi, bởi những bất cập hạ tầng và sự việc cũng tồn tại nhiều năm, nhưng phản hồi từ chính quyền địa phương là ngoài sự mong đợi của bà và người dân nơi đây.

Từ khi mới ra mắt, ứng dụng iHanoi với tính năng “Phản ánh hiện trường” (gửi phản ánh nhiều lĩnh vực tới chính quyền) đã được người dân Thủ đô đặt nhiều kỳ vọng. Bởi với tính năng này, chính quyền địa phương sẽ nắm bắt được những vấn đề của người dân và sớm giải quyết, qua tạo đồng thuận giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đây cũng là một mục tiêu của Hà Nội khi triển khai các ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân thời gian qua.Tại Công điện số 05/CĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể nhằm triển khai hiệu quả ứng dụng iHaNoi.

Trong đó, yêu cầu đầu tiên được đặt ra là tất cả các sở, ban, ngành và đơn vị thuộc TP phải đảm bảo 100% cán bộ, công chức và viên chức cài đặt và sử dụng iHaNoi trước ngày 30/7/2024. Các đơn vị này cũng phải giải quyết triệt để các phản ánh và kiến nghị của người dân và doanh nghiệp đúng tiến độ và chất lượng theo quy định.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt ứng dụng iHaNoi cho người dân, đảm bảo hoàn thành trước ngày 15/9/2024. Công an TP được giao nhiệm vụ huy động lực lượng để hỗ trợ cài đặt và sử dụng iHaNoi cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh mạng và vận hành ổn định ứng dụng. Văn phòng UBND TP phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng iHaNoi cho cán bộ và người dân, đảm bảo tổng đài 1022 - nhánh số 8 hoạt động hiệu quả để hỗ trợ công dân.

Tạo dấu ấn với mô hình số

Kiên định mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, ngay từ đầu năm, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh năm 2024; đồng thời, ban hành các quy chế quản lý, vận hành khai thác các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của TP; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn.

Với sự quyết liệt đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) trên địa bàn TP. Hà Nội đã đưa vào vận hành chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP (LGSP), nền tảng đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của TP và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các Bộ, ngành.

Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng TP thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử TP trên VneID, Cấp lý lịch tư pháp trên VneID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng. Hà Nội cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm TP; thực hiện thí điểm triển khai quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Bên cạnh đó, một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực, trong đó một số mô hình nổi bật như: “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi trong trường học”...

Riêng với những tính năng hữu ích, tiện lợi mà iHanoi đem lại cho người sử dụng, chắc chắn ứng dụng iHanoi sẽ được người dân Thủ đô tải, cài đặt và sử dụng; thông qua đó tiếp tục khẳng định Hà Nội là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Nguồn: https://tuoitrethudo.vn/ket-noi-chinh-quyen-voi-nguoi-dan-qua-nhip-cau-ihanoi-254368.html