Đại biểu quốc hội đề nghị chính quyền địa phương cùng tham gia giải tỏa, thu hồi đất
Cập nhật lúc: 31/08/2023, 09:30
Cập nhật lúc: 31/08/2023, 09:30
"Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa"
Cho ý kiến về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, giá đất là do doanh nghiệp thỏa thuận với người dân nên không quy định trong luật, nhưng phải quy định về nguyên tắc đền bù. Do đó, đề nghị quy định trong luật về phương pháp xác định chi phí đền bù cho người dân.
Đồng thời, cần làm rõ hơn ba lợi ích khi giao đất, thu hồi đất: lợi ích quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Tùy thuộc vào vị trí, diện tích mà xem xét với mảnh đất đó sẽ làm gì có lợi nhất cho đất nước, địa phương, thì đó là thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ví dụ, nếu vị trí đất đó làm đường giao thông là tốt nhất thì phải thu hồi đất để làm dự án giao thông.
Trước thực trạng có những dự án bị tắc nghẽn do những vướng mắc trong thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án.
Theo đó, đại biểu mong muốn, các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể. Ví dụ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vấn đề thu hồi đất và bồi thường tái định cư là những nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hàng năm, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc thu hồi, đền bù chưa thỏa đáng trong lĩnh vực đất đai vẫn diễn ra. Do vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc.
Theo đó, tại Điều 79 của dự thảo Luật này cần quy định cụ thể các trường hợp cụ thể phải thực hiện thỏa thuận theo Điều 127. Đại biểu cho rằng, 2 phương án tại Điều 127 chưa thực sự rõ ràng và thỏa đáng. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm nguyên tắc đối với việc thu hồi đất bắt buộc.
Cũng đề cập đến vấn đề thu hồi đất, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, cần quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích còn lại của các thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của UBND tỉnh. Theo đó, vẫn thu hồi bắt buộc nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để tránh việc phát sinh những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo. Đồng thời, giao Chính phủ có cơ chế quản lý sử dụng, quy định tùy thực tiễn của địa phương đối với diện tích đất này để đảm bảo nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất.
Sẽ vướng mắc nếu quy định tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất
Tại Hội nghị, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chỉ ra các vướng mắc gây khó khăn cho địa phương và ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư thực hiện các dự án.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật gồm có đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông, liên kết và khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt; hệ thống cấp thoát nước thông tin liên lạc; xử lý môi trường hạ tầng xã hội gồm đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao chợ, khu thương mại, dịch vụ và phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng vùng miền.
Song, các địa phương không có quỹ đất tái định cư sẽ rất khó thực hiện. Đồng thời, việc yêu cầu xây dựng khu tái định cư đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật xã hội chỉ phù hợp với những dự án mà số hộ tái định cư khoảng từ 30 hộ trở lên. Đối với những dự án có số lượng hộ tái định cư ít mà phải xây dựng khu tái định cư có đầy đủ hạ tầng như dự thảo Luật thì sẽ khó khả thi.
Cũng theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, so với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo lần này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, khi quy định hết thời gian theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng đất không quá 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng.
Tuy nhiên, cũng sẽ vướng mắc trong trường hợp nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng, không có cơ chế trong việc xử lý tài sản trên đất. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu căn cứ quy định của Luật Đầu tư để thống nhất trong quá trình thực hiện, có cơ chế cho xử lý tài sản trên đất nếu không hoàn thành việc xây dựng dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, trước thực tế có nhà đầu tư sau khi được giao đất thực hiện dự án nhưng chưa sử dụng đất theo đúng tiến độ ghi trên dự án, dẫn đến lãng phí nguồn lực về đất đai, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn hướng xử lý, thu hồi đất dự án, để các nhà đầu tư không có cơ hội lợi dụng chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là dự án luật đồ sộ, phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước, là trọng tâm trong công tác lập pháp của cả nhiệm kỳ.
Vì vậy, việc sửa đổi luật Đất đai có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất tích cực, trách nhiệm, tâm huyết để tiếp thu ý kiến của nhân dân, các ý kiến tham gia.
Đến thời điểm này, nhiều nội dung trong dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp, các quy định của dự thảo luật có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau, hay chưa có phương án tiếp thu, cần khẩn trương tích cực bổ sung, rà soát, hoàn thiện.
Nguồn: https://reatimes.vn/dbqh-de-nghi-chinh-quyen-cung-tham-gia-giai-toa-thu-hoi-dat-20201224000021808.html