Kẽ hở nào để thuốc lá điện tử hoành hành trên thị trường chợ đen?
Cập nhật lúc: 06/03/2021, 06:30
Cập nhật lúc: 06/03/2021, 06:30
TLĐT (vape) ra đời vào giữa năm 2000 và bắt đầu bán trên thị trường vào năm 2004. Đến năm 2010 nó bắt đầu phổ rộng trên thế giới. Từ thời gian này, hoạt động buôn bán TLĐT bắt đầu mạnh mẽ, và lan rộng đến Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất của WHO, số người hút thuốc lá thường đang có dấu hiệu giảm dần, ước tính giảm 1,14 tỷ năm 2000 đến hiện tại còn 1,1 tỷ. Tuy nhiên, với TLĐT thì ngược lại.
Cộng đồng hút TLĐT (vaper) đang tăng lên nhanh chóng. Thị trường toàn cầu của vape ước tính khoảng 22,6 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ so với năm 2015). Và dự đoán sẽ có 55 triệu vapers, đóng góp doanh thu trị giá khoảng 61,4 tỷ USD vào năm 2021.
Thị phần lớn nhất thuộc về Mỹ, Nhật và Anh. Chi tiêu của cộng đồng chơi TLĐT ở ba nước này nằm ở khoảng 16,3 tỷ USD.
Thị trường vape cho đến nay đã được chứng minh có lợi nhuận cao, không chỉ do TLĐT ngày càng phổ biến mà còn bởi công nghệ đóng vai trò lớn. Với loại hình tương đối mới này, luôn cần cải tiến sản phẩm và cộng đồng vaper luôn sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm nâng cấp.
Ông Beju Lakhani, Chủ tịch Hiệp hội TLĐT Canada cho rằng: “Chi phí ước tính để mở một cửa hàng vape là 25.000 USD cho một cửa hàng nhỏ và 50.000 USD cho cửa hàng lớn hơn, cộng thêm chi phí hàng tháng ước tính khoảng từ 7.500 USD đến 10.000 USD. Và khi cửa hàng vape đi vào hoạt động, trung bình đạt 26.000 USD doanh số hằng tháng, lợi nhuận hằng năm ước tính trên 100.000 USD. Ngoài ra, ngành này luôn có tiềm năng tăng khả năng sinh lời như: đầu tư vào các ki-ốt ở các vị trí then chốt; trang web thương mại điện tử để bán sản phẩm trực tuyến và cả sản xuất tinh dầu cũng đẻ lợi nhuận khủng”.
Theo Tổ chức tư vấn Research & Market của Ireland, thị phần ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ mở mang nhanh chóng và có thể chiếm 21% thế giới trong vòng 5 năm tới.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ hút TLĐT ở người trưởng thành có xu hướng tăng (từ 0,2% năm 2015 lên 0,7% năm 2020) và gia tăng ở các thành phố lớn, trong đó nhóm có thu nhập khá và giới trẻ chiếm phần trăm cao. Đặc biệt thời gian gần đây, giới trẻ đang xem mặt hàng độc hại này là một trào lưu hot để khẳng định mình.
Nhu cầu TLĐT tăng cao tiếp tay cho tình trạng buôn lậu sôi động. Nhiều vụ việc tóm gọn TLĐT nhập lậu trong quý IV/2020: Hải quan TP.HCM thu giữ 4 kiện thuốc lá thế hệ mới, tổng giá trị hàng hóa 1 tỷ đồng; Công an huyện Phú Riềng (Bình Phước) tổ chức tiêu hủy 10.470 bao thuốc lá nhập lậu; Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Ninh triệt phá đường dây buôn lậu thuốc lá điện tử lớn với 12.505 cái xuất xứ từ Trung Quốc, trị giá 1.719.437.500 đồng; Cục QLTT TP. Hà Nội phát hiện 73 chiếc máy đốt thuốc lá; 8.070 cây TLĐT; 3.043 lọ tinh dầu TLĐT tại Long Biên…
Vì doanh thu khủng, lợi nhuận cao nên dù bị cấm nhưng TLĐT vẫn được bán công khai tràn lan không chỉ ở các quán cà phê, karaoke mà còn trên các trang web và mạng xã hội.
Đối với những người buôn thì lại có muôn vàn cách để quảng cáo và lan rộng sản phẩm độc hại này. Tiêu biểu nhất là rao bán trên các hội nhóm, chợ TMĐT, trang web riêng của cửa hàng. Nhưng phổ biến nhất có lẽ là truyền miệng :“khách vào quán cà phê hoặc quán hát, chỉ cần cho nhân viên ra giới thiệu là chắc chắn sẽ có người mua. Hiện nay, rất nhiều quán cà phê, karaoke đã đưa nó vào menu chính và bán rất chạy. Cửa hàng em phân phối cho rất nhiều quán karaoke trên địa bàn Hà Nội. Còn các tỉnh thì nhiều lắm, chỉ cần đặt hàng là 2-3 ngày sau ship cod đến tận tay người nhận” , nhân viên của một shop vape trên phố Đội Cấn cho hay.
Một người buôn sỉ mặt hàng này ở phố Tô Hiến Thành cho biết, dù mới chỉ bán mấy tháng nhưng đã rất lời: “Mặt hàng này muốn lời thì phải ôm to. Chuyến đầu tiên em lấy 5.000 cái, các chuyến sau mỗi lần lấy 20.000 cái. Bán hết rất nhanh, không có hàng mà giao. Chẳng cần phải quảng cáo làm gì. Mình chỉ cần nói có hàng, giá thế này. Lấy được thì lấy, không thì thôi”. Người này hé lộ thêm hàng đi đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về Việt Nam, vận chuyển hẳn bằng xe tải to và về đến thành phố là an toàn, chẳng cần phải lo lắng. Với những mặt hàng như TLĐT thì buôn bán ở thành phố được nhiều hơn và "an toàn hơn, chẳng phải lo người ta bắt đâu. Cùng lắm thì người ta bắt trên cửa khẩu"
Theo người buôn trên, "mặt hàng này sỉ lẻ đều rất dễ bán vì nó đang là "hàng hot". Nếu bán lẻ thì chỉ cần có khoảng 10 người hỏi mua là đã có một lượng bán ra đều đặn. Nếu bán lẻ ngày 10 cái thì 1 tháng đã được 300 cái. Còn đổ sỉ thì tuy có lời ít hơn nhưng lại bán hàng được nhanh hơn. Các mối bỏ sỉ mỗi lần 2.000 cái bán vèo vèo. Khách sỉ của tôi ở các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa cũng có mà TP.HCM, Nha Trang cũng có".
“Nếu mở cửa hàng để bán thì sẽ bán chậm hơn vì phải đa dạng mặt hàng. Chứ còn ở quán karaoke thì không bao giờ lo ế hàng vì đó là nơi tiếp cận khách hàng dễ dàng nhất. Mặt hàng này lại còn dễ bán hơn cả shisha phải chuẩn bị phụ kiện. Khách đến hát mua một cây bật lên hút là xong, chẳng cần phải chuẩn bị đèn đóm gì mà độ kích thích thì cũng ngang với shisha”, nhân viên ở một cửa hàng trong ngõ Đội Cấn cho hay.
Giờ đây, các nhà buôn TLĐT còn đầu tư bán hàng qua các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Chỉ cần lướt tầm 10 phút là có thể tìm được hàng trăm nguồn sỉ lẻ lớn nhỏ. Các chủ buôn còn lập hội nhóm, câu lạc bộ để những người hút có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Các CLB vape này thu hút hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thành viên tham gia và được tổ chức rất quy mô, bài bản.
Hiện có hơn 40 quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan. Một số nước cho phép sản phẩm này trên thị trường đều đánh thuế nghiêm ngặt như sản phẩm từ thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), giải pháp tốt nhất để hạn chế hút thuốc lá là tăng thuế. Giá cao có thể giảm người sử dụng thuốc lá, đặc biệt ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc và khuyến khích họ giảm hay cai nghiện thuốc. Tại Việt Nam, thuế của thuốc lá truyền thống được tính bằng 45% giá bán lẻ thuốc lá. Đến năm 2016, thuốc lá được áp dụng mức thuế mới lên 70% (tăng 5% so với với 65% năm 2015), thu thuế thuốc lá năm 2016 ước tính tăng khoảng 1.250 tỷ đồng so với năm 2015. Mức thuế này không chỉ đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước mà chỉ số tiêu dùng thuốc lá cũng giảm hơn.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu cần khẩn trương nghiên cứu biện pháp quản lý riêng phù hợp TLĐT, thuốc lá làm nóng. Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn thiện khung pháp lý. Vì vậy cho đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách quản lý của các bộ, ngành quy định cụ thể. Chính Tổng cục thuế cũng thông tin, TLĐT chủ yếu được buôn bán qua các kênh thương mại và buôn bán online cho nên còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy dù liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu TLĐT với số lượng lớn nhưng các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể xử phạt dưới dạng hàng lậu do không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo quan điểm của Cục Thuế XNK - Tổng cục Hải quan, mặt hàng TLĐT được mô tả “là một thiết bị điện tử". Vì vậy mặt hàng này phù hợp vào nhóm 8543, phân nhóm 8543.70 “Máy và thiết bị khác”. Nếu được phân loại vào mã này, thuế suất của thuốc lá điện tử chỉ là 0%.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, đặc điểm nổi bật của thuốc lá điện tử là dung dịch nicotine là loại nicotine sạch do được chiết xuất và thanh lọc từ cây thuốc lá. TLĐT sử dụng công nghệ vi điện tử và phun sương siêu mạnh để chuyển hoá dung dịch nicotine này từ dạng lỏng sang dạng khí và đi vào miệng người hút khi người hút rít một hơi. Vì vậy, loại thuốc lá này cũng có thể gây nghiện, nhất thiết phải được quản lý như mặt hàng thuốc lá, vì vậy mặt hàng này phù hợp vào phân nhóm 24.02 “Xì gà, xì gà xén hai đầu, xì gà nhỏ và thuốc lá điếu, từ lá thuốc lá hoặc từ các chất thay thế lá thuốc lá”. Nếu phân loại vào mặt hàng này, mức thuế nhập khẩu sẽ dao động từ mức 0% tới 135%.
Như vậy, thuế cho TLĐT vẫn đang gây tranh cãi và chưa thống nhất được mức thuế phù hợp. Đó chính là kẽ hở để TLĐT mặc sức hoành hành bán buôn gần như công khai trên thị trường. Cũng chính vì không có quy định về thuế nên những tay buôn đã ôm trọn tiền mà chẳng phải nhả ra một đồng nào cho ngân sách nhà nước. Chính điều này cũng tạo tâm lý “được ăn cả, ngã về không” cho những đường dây buôn lậu TLĐT trong bóng tối.
Rất nhiều chuyên gia và truyền thông đều có ý kiến đồng thuận cần đưa mặt hàng TLĐT hoặc thuốc lá thế hệ mới vào luật kiểm soát chặt chẽ. Bởi vì chỉ có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng buôn lậu các sản phẩm này, giảm thiểu sự ảnh hưởng của nó tới an ninh trật tự, ngân sách quốc gia, và nhất là đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ke-ho-nao-de-thuoc-la-dien-tu-hoanh-hanh-o-cho-den-20201231000001129.html
08:00, 19/01/2021
13:15, 11/01/2021
10:00, 17/11/2019