29/03/2024 | 02:37 GMT+7, Hà Nội

Thuốc lá điện tử - Kẻ \'giết người thầm lặng\' từ trào lưu hot

Cập nhật lúc: 19/01/2021, 08:00

Dù được các chuyên gia y tế và các tổ chức sức khỏe hàng đầu thế giới cảnh báo vô cùng độc hại nhưng giới trẻ vẫn xem thuốc lá điện tử (TLĐT) là một trào lưu sành điệu để khẳng định mình.

Lời tòa soạn: Nhiều người cho rằng, thuốc lá điện tử (TLĐT) là sản phẩm thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống. Nhưng thực tế các báo cáo và nghiên cứu khoa học cho thấy, loại thuốc lá này là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc buôn bán, sử dụng TLĐT cùng những ảnh hưởng nghiêm trọng mà TLĐT mang đến cho sức khỏe con người. Thông qua đó, chung tay cùng các cơ quan quản lý tuyên truyền, xử lý triệt để hoạt động buôn bán trái phép mặt hàng này.

Hiểm họa từ TLĐT

Trong những năm qua, thuốc lá điện tử đã dần trở thành mặt hàng hot và là trào lưu đối với giới trẻ Việt Nam. Nhiều người vẫn tin rằng hút TLĐT sẽ không độc hại như thuốc lá truyền thống. Nhưng thực tế, TLĐT đã gây ra nhiều vụ ngộ độc. Số liệu thống kê từ Mỹ, EU, Canada, Hàn Quốc cho thấy, đã có hơn 2.600 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo báo cáo của CDC (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ), có ít nhất 1.604 người bị tổn thương phổi và có đến 39 ca tử vong (năm 2019) vì TLĐT. Không chỉ ở Mỹ mà ở một số nước khác cũng có các bệnh nhân phải nhập viện do tổn thương phổi hay các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến loại thuốc lá này.

Một nam thanh niên người Mỹ nguy kịch vì dùng TLĐT cai nghiện thuốc lá thường.

Gần đây nhất vào ngày 15/11, Bỉ tuyên bố trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận tại nước này có liên quan đến TLĐT. Các nhà chức trách thông tin, đó là một thanh niên 18 tuổi tử vong vì suy hô hấp, được cho là do TLĐT và một hợp chất độc hại trong TLĐT gây ra.

Tại Mỹ, nam thanh niên 25 tuổi có tên Justin Wilson qua một năm dùng TLĐT để cai nghiện thuốc lá thường đã bị đột quỵ khi trong bữa tối. Sau đó, anh chìm vào hôn mê sâu và được bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc vape. Được biết anh Justin thường dùng TLĐT vị bạc hà và hút khoảng 2 cái pod một ngày. Từ lúc hút vape, bệnh hen suyễn của Justin tái phát và ngày càng nặng hơn. Các bác sĩ đã tìm thấy phổi của anh đầy nước và kết luận phổi nhiễm độc tinh dầu, giống như bệnh viêm phổi.

Tại Việt Nam, cũng đã có những ca nguy kịch vì dùng thuốc lá điện tử. Cụ thể, nam sinh N.H.M (Hà Nội) bị ngộ độc cấp tính sau lần đầu tiên được bạn bè mời hút thuốc lá điện tử. Sau khi sử dụng, M. bị rơi vào trạng thái vật vã, kích thích, loạn thần, ảo giác... và được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.

Vào tháng 3/2020, bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một nam thanh niên 22 tuổi khác được đưa vào cấp cứu do ngộ độc TLĐT. Người nhà của nam thanh niên đã cung cấp nhiều mẫu phẩm tinh dầu TLĐT cho bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tinh dầu này chứa nhiều chất ma túy tổng hợp.

TLĐT là một thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch. Thành phần chính của dung dịch này bao gồm nicotine, các chất tạo mùi hương và propylene glycol. Nicotine là chất gây nghiện mạnh và có thể gây bệnh tim mạch và các vấn đề hô hấp; còn propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng.

Chính vì vậy, WHO không khuyến cáo sử dụng TLĐT, đồng thời khuyến cáo các quốc gia nên cấm hoặc kiểm soát TLĐT. Hơn 40 quốc gia trên thế giới đã thực hiện lời kêu gọi và đã cấm TLĐT.

Rõ ràng không ít nghiên cứu và những trường hợp hiểm họa từ TLĐT thấy rõ nhưng sản phẩm này vẫn tràn lan trên thị trường, thậm chí ngày càng phổ biến và trở thành trào lưu. Như vậy, kiến thức từ người dùng còn kém hay việc quảng bá tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử chưa đến nơi đến chốn?

TLĐT - Kẻ "giết người" thầm lặng đến mọi nhà

PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai phân tích về tác hại các thành phần trong TLĐT để thấy nó có hại như thế nào, “Qua các nghiên cứu phân tích của Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cho thấy: Đa phần các loại TLĐT có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Trong TLĐT còn chứa rất nhiều chất hóa học độc hại, bao gồm formaldehyde, benzene, propylene glycol, glycerin… và các kim loại độc hại khác như niken, chì... Các chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cơ thể, trong đó có gây tổn thương phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… và ung thư”.

PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Đối với những người hút thuốc đã nguy hiểm như thế, những người hút thuốc thụ động cũng bị ảnh hưởng không kém. Khói thuốc nung ngoài có thể gây hại, đặc biệt đối với trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có thai. Việc phơi nhiễm chất các như nitrosamines, aldehydes, carbon monoxide, acrolein trong khói thuốc liên quan tới nhiều loại bệnh nguy hiểm. Chất nicotine ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra tình trạng sinh non và thai lưu; ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ em. Những người tiếp xúc với khói TLĐT có thể mắc các bệnh về tim, đột quỵ, ung thư.

Theo khảo sát của Ernst & Young, lý do thường thấy nhất của người dùng khi chọn TLĐT vì cho rằng chúng an toàn hơn thuốc lá thường. Có khoảng 49% người dùng cho biết họ dùng TLĐT để cai nghiện thuốc lá truyền thống. Điều này vô cùng tai hại khi các chuyên gia cho rằng TLĐT không giúp cai thuốc lá mà còn có thể làm cho tình trạng nghiện nặng hơn.

Ts. Thu Phương cũng làm rõ vấn đề này "Không có chuyện dùng TLĐT có thể cai nghiện được thuốc lá thường. Trong thuốc lá điện tử vẫn có chất gây nghiện nicotine và các chất hóa học độc hại khác. Đồng thời có nhiều bằng chứng cho thấy có nhiều người đang hút thuốc lá thông thường chuyển sang hút TLĐT thì sau một thời gian họ tiếp tục với việc hút thuốc lá thông thường hoặc hút song song cả hai sản phẩm. Thậm chí có nhiều bằng chứng từ Mỹ còn cho thấy TLĐT cũng là nguyên nhân dùng nhiều thuốc lá truyền thống hơn. Chính vì vậy TLĐT không phải là một phương pháp giúp cai thuốc lá".

TLĐT được bán công khai và tran lan ở khắp mọi nơi dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe.

Một người buôn TLĐT ở phố Tô Hiến Thành cũng chẳng hề phủ nhận điều này TLĐT độc chứ không phải là không độc như quảng cáo. Nó hại theo nhiều kiểu. Chứ không có chuyện mà dùng cái này thay được thuốc lá đâu, chỉ là người hút chuyển từ nghiện thuốc lá thông thường sang TLĐT. Thậm chí cái này còn nghiện hơn cả thuốc lá vì nó đủ hương vị hấp dẫn khứu giác” Vậy mà, lạ lùng thay là nó vẫn được giới trẻ săn lùng và tôn sùng như một cách để thể hiện đẳng cấp "sành điệu".

Anh Lương (Hà Đông) nhận xét “Khi hút vape em thấy ko nặng bằng thuốc lá thường, cảm giác nhiều khói hơn, thơm hơn, dễ chịu vì hương liệu nhiều vị nên rất thích. Hơn nữa, lâu lâu lại đổi vị, lúc thì hương hoa quả, lúc thì hương trà, sô cô la… Từ ngày chuyển sang vape, bạn gái em cũng không còn nhăn nhó vì mùi thuốc lá bám vào quần áo nữa, đổi lại là mùi ngọt ngọt của tinh dầu, cho nên em chuyển sang hút loại này luôn. Bây giờ sành điệu không phải là phì phèo một điếu thuốc bình thường nữa mà phải là vape, pod. Nếu mà dùng loại nhả được nhiều khói còn sành điệu và kích thích hơn nữa"

Một người hút khác là anh Hùng (Trung Kính) cũng cho rằng hương vị của vape làm cho anh nghiện “Đợt đầu mình cũng không quen lắm, nhưng rồi đi karaoke được chủ quán giới thiệu một chiếc pod, thấy màu sắc cũng bắt mắt rít thử một hơi. Phải nói là hương vị rất kích thích, mà khói ra nhiều cho nên cảm thấy thỏa mãn. Từ đó mình cũng đặt về dùng dần. Mỗi ngày khoảng 1 cái thôi nhưng khá tốn tiền đấy. Nhưng hút xong không bị vướng mùi ngai ngái, hăng hắc của thuốc lá thường mà thơm lừng"

Những người hút không biết rằng, chính những mùi hương của vape khiến họ mê đắm lại tiềm ẩn nhiều bệnh tật. Các chuyên gia nhận xét, các loại tinh dầu tạo mùi, khói và tạo cảm giác sảng khoái sau khi hút có thể chứa kim loại nặng như chromium, nickel... Các chất này sẽ không mất đi mà vào cơ thể con người quan làn khói, sản sinh ra mầm mống gây ung thư. Việc làm nóng tinh dầu của TLĐT còn có thể tạo ra các hợp chất độc hại.

Không khó để thấy hình ảnh nhả khói TLĐT nơi công cộng của giới trẻ

“TLĐT thu hút giới trẻ bởi thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng về kiểu dáng, kích thước và có rất nhiều vị thơm hấp dẫn như vị vani, vị các loại bánh kẹo, vị bạc hà và các vị hoa quả… nên dễ dàng tiếp cận giới trẻ thông qua việc quảng cáo bán hàng qua mạng. Tuy nhiên TLĐT không những ảnh hưởng xấu về sức khỏe mà nguyên liệu, hương liệu trong tinh dầu phối trộn nhiều thành phần khác nhau nên có thể lợi dụng để sử dụng thêm ma túy và các chất gây nghiện khác. Người ta gần như không thể biết đến thành phần có trong tinh dầu  rất nhiều chủng loại, xuất xứ cũng khác nhau và có cả những người “chơi” pha trộn nhiều loại lại với nhau, sự pha trộn đó cũng là một vấn đề nguy hiểm.” – Ts. Phan Thu Phương cho biết.

Giới trẻ vốn ham của lạ và thiếu bản ngã cho nên dễ bị cám dỗ trước những trào lưu mới lạ. Với trào lưu nhả khói nơi công cộng bỗng trở thành lựa chọn để chứng minh sự "cool ngầu" của bản thân trước các bạn cùng lứa lại vô cùng nguy hiểm. Rõ ràng, TLĐT là một con dao hai lưỡi, khi vừa có thể gây nghiện và vô tình giới thiệu tới giới trẻ một thói quen xấu. Để phòng tránh trào lưu độc hại này, không chỉ là từ tất cả các cơ quan quản lý khi để mặt hàng này tung hoành khắp nơi trên thị trường mà còn là sự giáo dục từ phụ huynh và nhà trường trước sự độc hại của TLĐT tới các em.

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thuoc-la-dien-tu-ke-giet-nguoi-tham-lang-tu-trao-luu-hot-20201231000000365.html