18/01/2025 | 14:37 GMT+7, Hà Nội

Huyện Thạch Thất: Cần xử lý nghiêm việc giao đất trái quy định tại xã Phùng Xá

Cập nhật lúc: 20/08/2020, 10:02

Sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Phùng Xá kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm. Việc này đã khiến người dân, dư luận địa phương bức xúc và đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Lời tòa soạn: Thời gian qua, hàng loạt vụ sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai ở các địa phương bị phanh phui, xử lý. Điều đặc biệt là nhiều quan chức bị kỷ luật, thậm chí bắt giam đều liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Điển hình tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2010-2016, đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, việc này đã khiến nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành của địa phương bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị khởi tố.

Tại Hà Nội, việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng, sai phạm trong quản lý đất đai, cấp “sổ đỏ” đã khiến hàng loạt lãnh đạo, cán bộ của các quận, huyện bị kỷ luật, kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua khảo sát, tìm hiểu tại một số địa phương còn tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về bài học trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội, mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.

Cán bộ làm sai, quyền lợi người dân bị lãng quên!

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ việc sai phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai và các cấp ngành đã có nhiều chỉ đạo giải quyết. Theo đó, hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai xảy ra tại các địa phương và điển hình là ở huyện Thạch Thất liên tục bị điểm mặt, chỉ tên.

Huyện Thạch Thất từng là “điểm nóng” trong lĩnh vực đất đai khi từ năm 2007, người dân liên tục có đơn thư phản ánh việc cán bộ xã giao đất không đúng đối tượng, tiền thu không được hạch toán vào sổ sách xảy ra tại xã Canh Nậu. Khi vào cuộc, cơ quan điều tra đã làm rõ và xác định sai phạm đối với những cá nhân liên quan. Đến năm 2019, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.  

Cũng trên địa bàn huyện Thạch Thất, người dân xã Phùng Xá đã phản ánh chính quyền địa phương để xảy ra nhiều tồn tại trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Điển hình vụ việc từ năm 2009, xã Phùng Xá triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường nối từ đường 419 đi xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) qua xã Phùng Xá (gồm các thôn 8, 9), gia đình bà Lường Thị Thắng bị thu hồi 49,9m2 đất thổ cư. 

Người dân cho biết, ông Phùng Ngọc Nam, thời điểm đó là cán bộ địa chính xã liên tục đến động viên, thỏa thuận nếu gia đình bà đồng ý giải phóng mặt bằng xã sẽ đổi 1m2 đất ở lấy 2m2 đất dịch vụ. Bởi vậy, bà đã đồng ý phá dỡ công trình, bàn giao đất để xã làm đường. Thế nhưng 10 năm trôi qua, xã vẫn chưa giao trả đất cho gia đình bà như lời hứa.

Một hộ dân khác là bà Phùng Thị Đào, trú tại thôn 9 cũng bàn giao 13,1m2 cho xã triển khai dự án trên, song đến nay chưa thấy đất đâu. Theo đó, để thực hiện dự án này, Đảng ủy, UBND xã Phùng Xá đã thỏa thuận, đổi 1m2 đất thổ cư lấy 2m2 đất dịch vụ cho 4 hộ dân ở các thôn 8, 9.

Trao đổi nhanh với PV về nội dung trên, ông Phùng Ngọc Nam – Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cũng xác nhận, đúng là có việc một số hộ dân phản ánh về việc chưa được đổi đất như “lời hứa” của cán bộ xã thời kỳ trước. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, thời điểm đó, nếu áp theo chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thì người dân được mức tiền đền bù thấp. Vì thế, cán bộ xã đã có “lời hứa” với dân sẽ đổi 1m2 đất ở lấy 2m2 đất dịch vụ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, xã chưa thực hiện được và hiện cũng đã báo cáo nội dung này lên UBND huyện Thạch Thất để được hướng dẫn, giải quyết dứt điểm.

Một số khu đất liên quan đến những vi phạm về đất đai tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Cũng theo phản ánh, từ năm 2006 đến 2013, UBND xã Phùng Xá đã thi công 5 dự án và đều thỏa thuận bồi thường hoặc đổi đất khi giải phóng mặt bằng. Song từ đó đến nay, chỉ có hộ ông Đặng Cao Trung ở thôn 3 bị thu hồi 121m2 đất ở để xây dựng chùa Diên Hưng đã được UBND xã giao cho 200m2 đất tại khu đồng Vàng năm 2010. Thế nhưng, khu đất hộ ông Trung đang sử dụng được quy hoạch để xây dựng Nhà máy Nước sạch Phùng Xá từ năm 2001 và hiện nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất do UBND huyện Thạch Thất cấp cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng nước sạch và môi trường THT (Công ty THT).

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết sau khi nhận được đơn của công dân đến ngày 30/10/2019, UBND huyện đã có Công văn số 1574/UBND-TNMT giao Thanh tra huyện thanh tra việc đổi đất, giao đất của UBND xã Phùng Xá đối với một số hộ dân. “Việc tự ý thỏa thuận đổi đất với các hộ dân của UBND xã Phùng Xá giai đoạn 2006-2013 là hoàn toàn trái pháp luật”, ông Nguyễn Mạnh Hồng khẳng định.

Được biết, ngày 31/1/2020, UBND huyện ban hành Kết luận thanh tra số 07/KL-UBND có nội dung khẳng định, việc UBND xã Phùng Xá chỉ căn cứ vào đề nghị của Ban bảo vệ di tích lịch sử làng Vĩnh, Hội người cao tuổi, lãnh đạo các thôn và sự nhất trí của Đảng ủy, HĐND, UBND xã để đổi đất cho gia đình ông Đặng Cao Trung vào phần đất Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Công ty THT thuê để thực hiện dự án “Khôi phục, cải tạo và nâng cấp mở rộng nhà máy cấp nước sạch xã Phùng Xá” mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là trái quy định của pháp luật.

Từ kết quả thanh tra, UBND huyện chỉ đạo đối với UBND xã kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời, có biện pháp khắc phục những tồn tại trong việc đổi đất không đúng quy định và có biện pháp xử lý việc xây nhà ở của gia đình ông Trung trên phần đất Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho Công ty THT thuê...

Ngoài những nội dung trên, thời gian qua, báo chí cũng lên tiếng phản ánh việc Công ty TNHH Lan Khoa đã xây dựng trái phép tổ hợp công trình trên phần đất thuê 50 năm, chỉ được xây dựng nhà xưởng. Hay như việc một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu có trụ sở tại thôn Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) ngang nhiên lấn chiếm 1293,87m2 đất phi nông nghiệp, để xây dựng nhà ở và cây xăng Phùng Xá gây bức xúc dư luận. Người dân cũng phản ánh việc sử dụng đất sai mục đích tại một số khu vực như cổng Nùi, cổng Kết (làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá),...

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân giao đất không đúng quy định

Từ thực tế trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội, có thể thấy rằng ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất và chậm trễ ở khâu xử lý vi phạm. Vấn đề này có lẽ không chỉ ở Thủ đô mà còn xuất hiện ở một số địa phương khác trên cả nước.

Nói về thực trạng vi phạm về đất đai ngày càng gia tăng gây bức xúc trong dư luận, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội từng phát biểu với báo chí: Vừa qua, dư luận nóng lên vì các vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai. Có những vụ đã bị khởi tố, bị can bị bắt giam, có vụ việc được các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, có thể khẳng định, số vụ việc bị phát hiện và xử lý chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế.

Dư luận cho rằng, thực trạng vi phạm đất đai trên thực tế nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì đã được phát hiện và xử lý, vì tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Như vậy, rất cần có sự đánh giá toàn diện, khách quan và trung thực về tình trạng vi phạm nêu trên để có cơ sở xem xét điều chỉnh chính sách, có biện pháp phù hợp trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý và ổn định tình hình, bảo đảm lợi ích của cá nhân, tổ chức và của Nhà nước.

Trước đó, ngày 3/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời...

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tại kết luận thanh tra, UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo đối với UBND xã Phùng Xá kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với tập thể, cá nhân liên quan. 

Từ một số vụ việc vi phạm về đất đai điển hình trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng vi phạm về đất đai diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp vi phạm còn rất bất cập khi mà có không ít trường hợp sai phạm tràn lan, rất nghiêm trọng nhưng cơ quan quản lý, chính quyền địa phương né tránh hoặc tìm cách xử lý bằng hình thức phạt hành chính cho tồn tại hay đề xuất hợp thức hóa sai phạm... 

Các chuyên gia pháp lý đánh giá, việc làm trên vô hình trung đã khuyến khích hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, coi thường kỷ cương, pháp luật. Sâu xa hơn, đây có thể coi là một hình thức bao che, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật của một nhóm lợi ích.

Một vấn đề khác cần đặt ra là chính những sai phạm trong công tác quản lý đất đai, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nhất là việc giao đất trái thẩm quyền. Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia nghiên cứu pháp luật nhận định, việc giải quyết các trường hợp đất đai được giao không đúng thẩm quyền được điều chỉnh bởi Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Cụ thể, theo khoản 2, 3, Điều 23 thì các trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền từ ngày 1/7/2014 trở về trước được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi đáp ứng các điều kiện là sử dụng ổn định, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch.

Người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Nhà nước không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 1/7/2014 trở về sau.

Trước những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Thạch Thất, đề nghị UBND TP. Hà Nội có chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, công khai kết quả giải quyết các vấn đề trong công tác xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến những sai phạm để dư luận được biết.

Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 (Đề án 1675). Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện Đề án 1675 trong năm 2020 với các nội dung: Tiếp tục tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai theo đúng quy định.

Đồng thời, thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trong đó, trọng tâm là việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; việc thực hiện các quy định về điều kiện khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác; việc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất có nguồn gốc từ đất trồng lúa tại các cơ quan nhà nước có liên quan ở cấp tỉnh và huyện trực thuộc; công khai kết quả thanh tra theo quy định của pháp luật thanh tra.

Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra về đất đai đã ban hành trong năm 2019. Tổng hợp, báo cáo về những tồn tại, vướng mắc phát hiện trong quá trình thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Kết quả thực hiện các nội dung này và báo cáo kết quả tổng kết thực hiện Đề án 1675 từ năm 2016 - 2020 tại địa phương được tổng hợp, báo cáo gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường qua Tổng cục Quản lý đất đai, trước ngày 30/11/2020.

Hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai ở đô thị cơ bản là đầy đủ, thực hiện từng bước đi vào nề nếp và chính sách tài chính đất đai đã góp phần thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai đang gây nên hiện tượng trục lợi chính sách, tiêu cực tham nhũng, lãng phí về đất đai, làm xói mòn lòng tin của người dân. Nhiều lĩnh vực quản lý đất đai được coi là vùng cấm như đất quốc phòng cũng đã xảy ra vi phạm gây mất uy tín của ngành. Nguyên nhân là do trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và cá nhân thực hiện, không loại trừ phát sinh lợi ích nhóm trong thu hồi đất, giao đất và sử dụng đất.

            Ông Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình