19/01/2025 | 10:17 GMT+7, Hà Nội

Hồn Thăng Long xưa, vẫn còn đâu đó…

Cập nhật lúc: 01/08/2018, 21:45

Cuối tuần qua, Lễ hội đường phố lớn chưa từng có đã diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ, diễn viên, người cao tuổi, học sinh, sinh viên cùng nghệ nhân các làng nghề kỉ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới Hà Nội (2008 -2018) đã đưa người dân Thủ đô sống lại với bao nét văn hóa cổ truyền quý báu.

 

Mãn nhãn với văn hóa cổ

Trong không khí mát mẻ pha chút nắng nhẹ, người dân Thủ đô và du khách thập phương đã có dịp thưởng thức những màn múa cổ đặc sắc của đất Thăng Long - Hà Nội như múa rồng, múa lân, múa chạy cờ, trống hội…

Bên canh đó là những điệu múa hoa sen, múa hoa đào, múa hoa mai vàng… do gần 300 diễn viên chuyên nghiệp tham gia biểu diễn.  Giữa đường phố thênh thang ven Hồ Gươm, các nghệ nhân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì - Hà Nội) má phấn, môi son hòa mình vào lễ hội và uyển chuyển trong điệu múa “Con đĩ đánh bồng” khiến ai cũng hào hứng và thích thú.

Sắc màu váy áo của điệu múa khiến lễ hội thêm tưng bừng sặc sỡ. Các chàng trai giả gái mặt hoa da phấn, động tác mềm mại, xúng xính trong áo tứ thân, váy đụp, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ cầu kỳ như các bà, các chị thuở xưa. Mỗi người đeo một cái trống bồng nhỏ sơn màu đỏ trước ngực, tay bập bùng điệu trống, tung hứng dí dỏm như đang múa giữa hội làng Tân Triều quê mình.

Sau các màn múa cổ là hình ảnh đám cưới Hà Nội xưa cũ được tái hiện nguyên vẹn trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nét đẹp văn hoá đất Thăng Long xưa ngay lập tức thu hút người dân Thủ đô bởi sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng ngồi trên những chiếc xe xích lô trong trang phục áo dài truyền thống.

Nghệ sĩ Minh Vượng trong hình ảnh mẹ chồng khoan thai mang lễ đi xin dâu. Các bà các chị rạng ngời trong chiếc áo dài trắng giản đơn cùng bó hoa lay ơn trên tay khiến nhiều người không khỏi bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian đã qua.

Quan viên hai họ cũng ăn vận lịch sự trong trang phục áo dài khiến đám cưới cổ càng đậm nét. Cả một trời thương nhớ về một Hà Nội xưa bỗng ùa về khiến nhiều cụ ông, cụ bà đứng bần thần.

 Không chỉ thế, biết bao thế hệ học sinh ra trường cách đây 40-50 năm bồi hồi, rạo rực như trở về tuổi thanh xuân cũ khi hòa vào tiết mục tôn vinh trang phục áo dài cổ của thiếu nữ Hà Thành.
Trong trang phục áo dài cổ của người Hà Nội xưa cùng nón lá truyền thống, các thiếu nữ tuổi đôi mươi khiến lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng” đong đầy cảm xúc.
Người cầm nón lá, người dắt xe đạp với những chiếc giỏ chở đầy hoa, tà áo trắng bay bay trong gió… Hàng chục năm đã qua đi, Hà Nội văn hiến đã mở rộng, thay da đổi thịt hàng ngày, nhưng vẻ đẹp văn hóa ẩn hiện trong tà áo dài, trong kí ức người Hà Nội vẫn cứ vẹn nguyên.

Cho di sản văn hóa một chỗ đứng xứng đáng

Có mặt tại Bờ Hồ từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Mai, một người dân ngõ Tràng Tiền phấn khởi: “Lễ hội lần này được thực hiện khá công phu, đông đúc nhưng người xem không cảm thấy phô trương, chỉ thấy bâng khuâng, có chiều sâu. Tôi luôn bồi hồi khi được hòa mình vào những làn điệu cổ, màn múa cổ,  mong sao Thành phố có nhiều dịp để tôn vinh các làng nghề cổ, nét văn hóa cổ như thế này”.

Có thể nói, lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng” là một hoạt động ý nghĩa, khơi dậy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” trong trái tim mỗi người con đất Việt, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân Thủ đô.

Đây là dịp tôn vinh các di sản văn hóa của thành phố, nhằm thu hút khách du lịch mọi miền đến với Hà Nội. Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, lễ hội là dịp để nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của nghệ thuật truyền thống, tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình.

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành nơi giao thoa của nhiều loại hình nghệ thuật từ vùng đất Hà Tây cũ sáp nhập. N

ói như nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, bây giờ sau 10 năm giao thoa giữa hai nền văn hóa, có thể là còn hơi sớm nhưng sau khoảng 20 năm nữa, chúng ta sẽ thấy được các dòng chảy văn hóa không chỉ của xứ Đoài mà tổ hợp từ các nền văn hóa khác trong nước và cả nước ngoài, hòa nhập vào văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, tạo thành dòng chảy tinh hóa văn hóa duy nhất của cả nền văn hóa Thủ đô mở rộng. Đó là niềm ao ước của nhiều người.

Trong không khí mát mẻ pha chút nắng nhẹ, người dân Thủ đô và du khách thập phương đã có dịp thưởng thức những màn múa cổ đặc sắc của đất Thăng Long - Hà Nội như múa rồng, múa lân, múa chạy cờ, trống hội… Bên canh đó là những điệu múa hoa sen, múa hoa đào, múa hoa mai vàng… do gần 300 diễn viên chuyên nghiệp tham gia biểu diễn.