22/11/2024 | 09:57 GMT+7, Hà Nội

Hơn 21.600 lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam vì Covid-19

Cập nhật lúc: 04/07/2020, 10:00

Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 93.425 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó số lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam làm việc do dịch bệnh Covid-19 là 21.641 người...

Trong báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình lao động, việc làm 6 tháng đầu năm 2020, nêu rõ: So với cùng kỳ tháng 6 năm 2019, số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam giảm 23,16%. Đến cuối tháng 6/2020, tổng nhu cầu của các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là trên 7.258 lao động (chủ yếu là lao động Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc); trong đó, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia. Trước thực trạng đó, Bộ  LĐ-TB&XH đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài sau khi số lao động này đã hoàn thành các thủ tục y tế do Bộ Y tế quy định.

Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi dịch bùng phát mạnh trên thế giới, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo tạm dừng tuyển chọn, đào tạo và tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết tháng 5/2020; thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, kiểm soát chặt chẽ số lao động xuất cảnh; yêu cầu các Ban quản lý Lao động ở nước ngoài thông tin tới người lao động đang làm việc ở nước ngoài bình tĩnh ở lại làm việc, tuân thủ quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch bệnh, không di chuyển, không đến địa bàn có dịch; tăng cuờng công tác quản lý, nắm tình hình và đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về thị trường lao động, đặc biệt trong tháng 6 có nhiều biến động, lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do người dân, người lao động vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát; trong khi đó nhiều doanh nghiệp trong nước đến thời điểm này mới thực sự gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 khi không có đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, vì vậy buộc phải sa thải lao động hoặc tạm ngưng việc.

Tính toán sơ bộ quý II/2020, lực lượng lao động tiếp tục giảm khoảng hơn 1,7 triệu người so với quý trước, xuống mức 53,6 triệu người. Trong đó, xu hướng giảm ở khu vực thành thị sẽ cao hơn ở khu vực nông thôn, nữ giới sẽ giảm nhiều hơn nam giới. Mặc dù quy mô lực lượng lao động đang có xu hướng giảm nhưng ngược lại chất lượng lao động được nâng cao, mặc dù không nhiều, mức tăng có thể chưa đến 1%. Tình trạng việc làm và thất nghiệp diễn biến phức tạp hơn, khi số lượng lao động có việc làm tiếp tục giảm, lao động có việc làm duy trì ở mức trên 52,1 triệu lao động, giảm 2,2 triệu lao động có việc làm so với quý trước. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như: ngành về may mặc, da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận...

Bên cạnh đó, dự báo số lao động bị thất nghiệp cũng sẽ gia tăng. Ước tính hết quý II/2020, số người thất nghiệp tăng lên ở mức khoảng 1,5 triệu người, tăng hơn 200 nghìn người so với quý trước; trong đó, mức gia tăng thất nghiệp ở khu vực thành thị sẽ cao hơn khu vực nông thôn, thất nghiệp cũng sẽ tập trung ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp như: công nhân kỹ thuật không có bằng, trình độ sơ cấp…

Tình trạng thất nghiệp, mất việc gia tăng là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc giải quyết việc làm mới cho người lao động cũng giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ tạo việc làm mới cho trên 573.000 người, đạt 35,6% kế hoạch.

Định hướng trong thời gian tới, Bộ  LĐ-TB&XH cho rằng, từ nay đến cuối năm toàn ngành LĐ-TB&XH cũng như các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện thể chế, nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, chính sách cho giai đoạn 2021- 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn, mở rộng diện bao phủ các đối tượng cần được trợ giúp.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng; tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi.

Xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động ở Việt Nam để thay thế cho số lao động nước ngoài hiện chưa quay lại Việt Nam làm việc khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...