18/01/2025 | 20:08 GMT+7, Hà Nội

Hồi tố khi sửa Nghị định 20: Thủ tướng không nói suông

Cập nhật lúc: 19/04/2020, 09:00

Với quyết định kịp thời, đúng lúc, hợp lý hợp tình của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ được tiếp thêm sinh khí để cùng cả nước vượt qua đại dịch, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Trong lúc bộn bề lo toan, vừa chống đại dịch, vừa lo phục hồi kinh tế, Thủ tướng vẫn luôn lắng nghe và thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, bằng quyết định hợp tình hợp lý: Áp dụng hồi tố khi sửa Nghị định 20.

Như tin Reatimes đã đưa tin, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có hoạt động liên kết. Theo đó, xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Như vậy, câu chuyện “hồi tố hay không hồi tố” khi sửa đổi khoản 3 Điều 8, Nghị định 20 đã được quyết định theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, dù Bộ Tài chính có năm lần bảy lượt cố chấp, bảo thủ, một mình một ngựa khăng khăng đề xuất “không hồi tố”.

Chẳng nói thì ai cũng biết, các doanh nghiệp mừng đến thế nào.

Mừng vì số tiền thuế thu chồng được bồi hoàn. Nhưng niềm vui hơn thế là lẽ phải được bảo vệ, công bằng được bảo đảm, là Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, thấu hiều và đồng hành cùng doanh nghiệp. Và mừng hơn nữa, là niềm tin tiếp tục được củng cố, để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, yên tâm phát triển và yên tâm đóng góp cho đất nước, cho xã hội…

Nói thì đơn giản mấy câu thế thôi. Nhưng để đi đến quyết định này không phải là không có những trăn trở. Chấp nhận hồi tố, là đồng nghĩa với việc ngân sách phải chi gần 5.000 tỷ đồng để hoàn thuế cho doanh nghiệp. Chấp nhận hồi tố, là đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng phải thực hiện những biện pháp nghiệp vụ để xử lý các công việc liên quan đến tính và hoàn thuế, đến ngân sách đã quyết toán… Chấp nhận hồi tố, là đồng nghĩa với việc phải lo làm sao số thu ngân sách không bị hụt... và còn nhiều nỗi lo khó nói khác.

Trong cơn đại dịch toàn cầu Covid-19 đang hoành hành, những nỗi lo trên không hề dễ giải quyết. Bởi sản xuất đình đốn, thu ngân sách giảm sút là điều không tránh khỏi.

Ấy vậy mà, trong lúc vừa ráo riết chỉ đạo cả nước dồn sức, chung tay phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả đại dịch, vừa lo kế sách ổn định xã hội, phục hồi sản xuất một cách nhịp nhàng để hạn chế ảnh hưởng của đại dịch đến kinh tế xã hội; trong khi Bộ Tài chính cứ nhùng nhằng quá tam ba bận khăng khăng “không hồi tố”, Chính phủ vẫn thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp và Thủ tướng vẫn nhanh chóng đưa ra quyết định thấu tình đạt lý, vừa gỡ khó, vừa đem lại sự công bằng cho doanh nghiệp.