22/11/2024 | 14:20 GMT+7, Hà Nội

Hội nghị cấp cao ASEAN 37: Hợp tác, tăng trưởng, đoàn kết để ứng phó Covid-19

Cập nhật lúc: 12/11/2020, 09:45

Thu hút sự quan tâm rộng rãi trong và ngoài khu vực những ngày này là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN 37) và các hội nghị cấp cao liên quan (diễn ra từ ngày 12-15/11) theo hình thức trực tuyến.

Được chú ý, bởi sự kiện quan trọng nhất trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam sẽ tập trung bàn về những vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay: Biển Đông, hợp tác, liên kết khu vực ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, các giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nâng cao tự cường kinh tế khu vực giai đoạn hậu COVID-19.

20 hoạt động ở Cấp cao và 80 văn kiện

Tại buổi họp báo về Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 cho biết, từ 12-15/11/2020, dự kiến có 20 hoạt động ở Cấp cao.

Ngày 10/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sau Phiên họp toàn thể Cấp cao ASEAN 37 sẽ là Lễ công bố kết quả Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Khung phục hồi tổng thể ASEAN, cùng với đó là Công bố lập Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp. Tại phiên họp Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23, ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Ngoài ra, trong khuôn khổ đợt Hội nghị này, lần đầu tiên sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo nữ 10 nước ASEAN và Lãnh đạo nhà nước/chính phủ các nước ASEAN với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu Covid-19”. Các hoạt động khác cũng được tổ chức trong khuôn khổ các HNCC lần này có Phiên đối thoại với Đại diện Hội đồng Kinh doanh Đông Á, Lễ khởi động chuỗi Logistics công nghệ cao ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS).

Trước các HNCC, từ 9-11/11/2020 sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng phụ trách các trụ cột Cộng đồng ASEAN, cuộc họp trù bị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM), các quan chức cao cấp Kinh tế ASEAN (SEOM), Hội nghị Nhóm Công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE).

Tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN và với các Đối tác, các Nhà Lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi 4 nội dung chính: Đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua các khó khăn, thách thức; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN; kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi Covid-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi; và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Dự kiến các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện tại Hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Trong số hơn 80 văn kiện này, đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các Đối tác ủng hộ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế - tài chính trước các thách thức nổi lên; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo EAS kỷ niệm 15 năm hình thành Cấp cao Đông Á và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.

Ngăn chặn COVID-19, phục hồi kinh tế khu vực

Kỳ vọng của nhà báo cao cấp Indonesia Veeramalla Anjaiah, chuyên gia bình luận nổi tiếng về vấn đề khu vực ASEAN, có lẽ cũng là kỳ vọng chung về  HNCC ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan lần này. Theo ông Anjaiah, điều quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo ASEAN và các nhà lãnh đạo HNCC Đông Á sẽ thảo luận về các chiến lược nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như cách thức hợp tác giữa các bên và rằng các HNC lần này là “thời điểm thích hợp” để hoạch định các chính sách đặc biệt nhằm phục hồi kinh tế khu vực. Cũng theo ông Veeramalla Anjaiah, nếu Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến ký kết vào ngày 15/11 tại Hà Nội, sẽ là một thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam bởi RCEP được kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do với quy mô lớn nhất thế giới, tạo ra sức bật và cú hích mới cho thương mại khu vực, trong đó có Việt Nam.

Cùng chung nhận định này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết Hội nghị vì thế là dịp để lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì hợp tác, ứng phó hiệu quả COVID-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định. Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nâng cao tự cường kinh tế khu vực ASEAN giai đoạn hậu COVID-19 - một trong những hoạt động bên lề của HNCC ASEAN lần thứ 37 - cũng đã tập trung thảo luận những vấn đề này.

Ngoài câu chuyện hợp tác, liên kết thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, như các kì Hội nghị trước, Biển Đông tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng được đề cập, vì việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên biển không chỉ là vấn đề quan tâm của khu vực ASEAN mà còn của cả thế giới.

Đánh giá cao các nỗ lực không ngừng của Việt Nam

HNCC ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan lần này là HNCC cuối cùng của ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Vì thế, đây cũng là lúc có thể nhận diện rõ nét vai trò của Việt Nam trên cương vị này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký (TTK) Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC),  đã đánh giá cao các nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, một năm khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát. Ông nhấn mạnh Việt Nam đã tổ chức thành công tất cả các hội nghị của ASEAN.

Trước đó, tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN trù bị, các nước đánh giá cao Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020, đã có những bước chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ cho các sự kiện quan trọng của ASEAN trong năm 2020. Các nước bày tỏ hài lòng với việc các sáng kiến, ưu tiên được triển khai đúng tiến độ, đạt kết quả, bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra cho khu vực.