19/01/2025 | 22:20 GMT+7, Hà Nội

ASEAN ra tuyên bố cấp cao thúc đẩy công tác xã hội

Cập nhật lúc: 08/11/2020, 11:30

“Việt Nam đã đề xuất những sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác xã hội, thông tin truyền thông, xử lý tin giả, ứng phó với đại dịch và phục hồi sau đại dịch...".

“Việt Nam đã đề xuất những sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác xã hội, thông tin truyền thông, xử lý tin giả, ứng phó với đại dịch và phục hồi sau đại dịch… để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025”.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch ASCC 2020 thông tin trong phát biểu khai mạc Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 24 diễn ra ngày 6-11.

Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN , Tổng Thư ký ASEAN và đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch ASCC 2020 chủ trì và điều hành Hội nghị.

Nhiều thách thức từ đại dịch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, hệ thống chăm sóc y tế và gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế cũng như tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh xã hội với tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và ASEAN nói riêng.

Những thách thức mà đại dịch COVID-19 đặt ra đòi hỏi Chính phủ các nước phải ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, ổn định nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam nhận thức được trách nhiệm đồng thời là thách thức lớn lao của mình là cùng các nước thành viên ASEAN làm sao “chèo lái con thuyền ASEAN” vượt qua những thách thức và khó khăn, tăng cường sự gắn kết và chủ động thích ứng của cả Cộng đồng trong giai đoạn này.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch ASCC 2020 chủ trì và điều hành Hội nghị.

Bộ trưởng thông tin, Việt Nam với tư cách Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đã nỗ lực để để điều hành các hoạt động của Cộng đồng theo những mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.

Đặc biệt, Việt Nam đã đề xuất những sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác xã hội, thông tin truyền thông, xử lý tin giả, ứng phó với đại dịch và phục hồi sau đại dịch… để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025.

Cùng với đó, Cộng đồng Văn hóa -Xã hội ASEAN cũng đã tiến hành đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025.Trong bối cảnh những thay đổi của thế giới và do tác động của đại dịch, xã hội già hóa và tác động của CMCN 4.0, Bộ trưởng hi vọng Cộng đồng sẽ tiếp tục có những nỗ lực hợp tác liên ngành, liên trụ cột để xây dựng một ASEAN gắn kết, chủ động và thích ứng để đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025.

Bộ trưởng nhấn mạnh, là một trụ cột với 15 cơ quan chuyên ngành liên quan, trải trên nhiều lĩnh vực, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội mang một ý nghĩa quan trọng khi kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân.

Gắn kết, vượt qua thách thức

Tại Hội nghị, các bộ trưởng chúc mừng Việt Nam đã đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN 2020, một năm có nhiều thử thách và biến động.

Theo các bộ trưởng, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đã và đang chủ động thích ứng, thường xuyên trao đổi và nỗ lực cùng nhau đạt được các ưu tiên đã đề ra từ đầu năm trên các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác xã hội, thông tin truyền thông, xử lý tin giả, ứng phó với đại dịch và phục hồi sau đại dịch… góp phần thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025.

Các Bộ trưởng đánh giá cao Cộng đồng Văn hóa – Xã hội đã tiến hành đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng đến năm 2025. Qua đó xác định được những thành tựu đạt được, những thách thức về nguồn lực, cơ chế, năng lực và bài học kinh nghiệm và giải pháp để tăng tính hiệu quả của các hoạt động hợp tác khu vực trong các lĩnh vực liên quan.

Hội nghị cũng ghi nhận phần chia sẻ các quan điểm của các Bộ trưởng ASEAN về các lĩnh vực cần quan tâm và thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội và các nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19, bao gồm Khung khổ Phục hồi toàn diện sau Covid (ACFR) và Kế hoạch Tổng thể phục hồi sau Covid-19 của Cộng đồng ASEAN. Theo đó, cam kết mở rộng hỗ trợ đối với việc triển khai hiệu quả ACRF và kế hoạch thực hiện Khung này, đưa ra một chiến lược hợp nhất để có thể phục hồi bền vững từ đại dịch Covid-19.

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) là Hội nghị cấp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, được tổ chức 2 lần/năm trước hoặc liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN để rà soát việc thực hiện các hoạt động và chuẩn bị các văn kiện thuộc lĩnh vực phụ trách của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội trong các hoạt động hợp tác ASEAN để trình Cấp cao ASEAN thông qua.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã ra Tuyên bố chung và đạt được sự đồng thuận đối với 12 văn kiện, Tuyên bố. Trong đó có 2 văn kiện, Tuyên bố sẽ trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 thông qua bao gồm: Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng và Bản Tưởng thuật Bản sắc ASEAN.

10 văn kiện, Tuyên bố về các lĩnh vực thanh niên, lao động và việc làm, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ, giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ công, môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC sẽ được trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ghi nhận…

Các Bộ trưởng cũng thống nhất về nội dung của Báo cáo Hội nghị ASCC lần thứ 24 để nộp lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 sắp tới.