19/01/2025 | 07:28 GMT+7, Hà Nội

Học sinh phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới, huy động hay 'bóp nặn'?

Cập nhật lúc: 11/10/2017, 14:06

Với mức thu 400.000 đồng/học sinh này, với trên 2.000 học sinh, xã dự tính sẽ huy động được ngót 1 tỷ đồng nữa...

Việc UBND xã Nam Dong (huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông) vừa ban hành quyết định thu của học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở trong xã, mỗi cháu 400.000 đồng vào mục đích “xây dựng nông thôn mới”, bất chấp sự phản đối từ cha mẹ các cháu đến các thầy cô trong trường, đã khiến dư luận ở địa phương vô cùng bức xúc.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, nơi học sinh được thông báo đóng tiền xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Người lao động)

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, nơi học sinh được thông báo đóng tiền xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Người lao động)

Bức xúc, bởi trước đó, mỗi hộ dân trong xã đã phải “chia đầu bổ sỏ” đóng góp mỗi hộ 830.000 đồng, cũng với mục đích “xây dựng nông thôn mới” rồi. Với mức thu 400.000 đồng/học sinh này, với trên 2.000 học sinh, xã dự tính sẽ huy động được ngót 1 tỷ đồng nữa.

Nhưng Nam Dong là một xã nghèo, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao. Nên 830.000 đồng, với không ít hộ dân, đã là một món tiền lớn. Học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở đều thuộc lứa tuổi từ 3 đến 15, tất cả còn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, chưa có cháu nào làm ra tiền, vì vậy, số tiền đóng góp 400.000 đồng/cháu đó, lại đổ dồn lên vai người lớn. Với nhiều hộ có 2 hoặc 3 con đang theo học các cấp trong xã, thì số tiền đóng thêm ngoài số tiền 830.000 đồng, sẽ càng lớn hơn, trở thành một gánh nặng thực sự.

Xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia. Nên ngoài số tiền được Nhà nước đầu tư và các chương trình được lồng ghép khác, thì những xã được chọn để xây dựng mô hình nông thôn mới còn có nhiệm vụ huy động sức dân và rất nhiều nguồn kinh phí khác, kể cả kinh phí do các nhà hảo tâm hay do con em trong xã đi làm ăn xa, thành đạt, đóng góp, để hoàn thành 19 tiêu chí được quy định. Trong đó nguồn kinh phí do huy động sức dân là một phần rất quan trọng.

Nhưng muốn huy động sức dân, cần phải có sự tính toán rất thận trọng, trước hết là căn cứ vào điều kiện kinh tế, vào mức thu nhập cụ thể của người dân địa phương để cân đong, định lượng, làm sao trả lời thỏa đáng được câu hỏi: Sức dân có thể đóng góp được đến đâu? Để từ đó quy định mức đóng góp cho phù hợp. Để huy động thực sự là huy động, chứ huy động không trở thành bóp nặn.

Nếu vì nóng vội hoàn thành mục tiêu mà bất chấp mức thu nhập của dân còn thấp, điều kiện sống của dân còn khó khăn, cứ nhất định đè ra mà thu, thì đó không phải là huy động nữa, mà làm cho các khoản đóng góp trở thành “gánh nặng quê nghèo”, là khiến người dân cảm thấy họ đang bị chính quyền "o ép”. Lúc đó, việc xây dựng nông thôn mới sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Người dân trở nên xa lạ, ngoảnh mặt với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại một số xã được chọn xây dựng mô hình nông thôn mới nhưng có việc huy động sức dân quá nặng nề, đã xuất hiện câu nói “Nông thôn mới là đóng góp mới, bóp nặn mới, và hậu quả là nghèo đói mới”.

Xin hãy dừng ngay việc “huy động” bất hợp lý này.