18/01/2025 | 20:12 GMT+7, Hà Nội

Hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng, chăn nuôi được vay với lãi suất 1,2%/năm

Cập nhật lúc: 06/11/2015, 18:36

Chính sách cho vay đầu tư trồng rừng sản xuất, chăn nuôi được quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ (Nghị định 75) về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 02/11/2015.

Nghị định 75 quy định: Hộ gia đình là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình dân tộc Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển rừng, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để trồng rừng, chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần lãi suất tiền vay còn lại.

Đối với hộ gia đình vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, Nghị định 75 quy định, căn cứ thiết kế - dự toán trồng rừng, hộ gia đình được vay không có tài sản đảm bảo đối với phần giá trị đầu tư còn lại tại NHCSXH hoặc Agribank với hạn mức tối đa là 15.000.000đ/ha.

Thời hạn cho vay được tính từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng, nhưng không quá 20 năm.

Mức vay và thời gian cụ thể do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận, phù hợp với quy định tại Nghị định 75, thời hạn trả gốc và lãi một lần khi khai thác chính.

Về cho vay vốn phát triển chăn nuôi, hộ gia đình vay vốn đầu tư chăn nuôi (trâu, bò và gia súc khác), được NHCSXH hoặc Agribank cho vay không có tài sản đảm bảo với hạn mức tối đa 50 triệu đồng, trong vòng 10 năm.

Mức cho vay và thời gian vay cụ thể do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận phù hợp với quy định tại Nghị định 75.

Nghị định 75 cũng quy định, sau năm 2020, hợp đồng cho vay tín dụng giữa ngân hàng và hộ gia đình để trồng rừng, chăn nuôi tiếp tục được thực hiện cho đến khi kết thúc hợp đồng.

Nghị định 75 quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Cụ thể là:

- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định 75 ở địa phương

- Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã điều tra thực tế, xác định xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II, III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp và báo cáo Ủy ban Dân tộc để xem xét và quyết định công nhận; rà soát, công nhận hộ nghèo theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Hướng dẫn xác định loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để làm căn cứ hỗ trợ, cho vay; chỉ đạo xây dựng, ban hành định mức về giống, phân bón, nhân công cụ thể cho từng loại cây trồng trên địa bàn; hướng dẫn lập thiết kế - dự toán khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung.