22/11/2024 | 02:06 GMT+7, Hà Nội

Hộ kinh doanh xoay xở vượt khó

Cập nhật lúc: 07/05/2020, 15:06

Chỉ mở bán với những khách hàng “take away” (mua mang đi), chuyển từ bán hàng quần áo sang bán đồ ăn trực tuyến (online)…, các hộ kinh doanh nhỏ đã có nhiều cách xoay xở từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay.

Chỉ mở bán với những khách hàng “take away” (mua mang đi), chuyển từ bán hàng quần áo sang bán đồ ăn trực tuyến (online)…, các hộ kinh doanh nhỏ đã có nhiều cách xoay xở từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay. Hiện mặc dù quy định về giãn cách xã hội đã được nới lỏng, nhưng hầu hết các hộ kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do tâm lý hạn chế đến chỗ đông người, thắt chặt chi tiêu của khách hàng. Dù vậy, họ đang làm mọi cách để vượt qua khó khăn...

Khó khăn do tác động của dịch Covid-19 khiến cửa hàng Stormbean Coffee (phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm) phải thay đổi để thích nghi.

Bài toán sống còn…

Ngay từ khi có thông tin về dịch Covid-19, các hộ kinh doanh đã phải đối mặt với bài toán sống còn - duy trì hoạt động. Thực tế, hoạt động kinh doanh của hầu hết các hộ cá thể kinh doanh dịch vụ như ăn uống, quần áo, đồ gia dụng… từ sau Tết Nguyên đán, đã giảm rõ rệt. Anh Vũ Tiến Đạt, chủ cửa hàng Stormbean Coffee 70 Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm) kể, từ khi thông tin về dịch Covid-19 ngày càng nhiều khiến cửa hàng vắng khách dần. Đặc biệt, khi Việt Nam có thêm ca nhiếm thứ 17, lượng khách đến cửa hàng đã giảm tới 50%.

“Mặc dù đã được mở cửa trở lại từ cuối tháng 4, nhưng lượng khách của cửa hàng vẫn thưa thớt. Một phần do nhiều người vẫn hạn chế đến nơi công cộng, một phần khách du lịch nước ngoài - vốn thường mua sắm ở cửa hàng của chúng tôi chưa có cơ hội trở lại Hà Nội. Hiện tại, đã qua kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, hy vọng lượng khách sẽ đông trở lại”, anh Đạt nói.

Cũng như anh Vũ Tiến Đạt, chị Tạ Thùy Ánh, chủ hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống ở 38 Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy), cho hay: “Trong thời điểm cách ly xã hội, cửa hàng đóng cửa hoàn toàn, nhân viên cũng được nghỉ ở nhà. Để duy trì hoạt động, chúng tôi chuyển sang bán hàng trực tuyến. Việc nấu nướng thực hiện ở nhà và người nhà đi giao hàng cho khách để tiết kiệm chi phí. Song nguồn thu từ bán hàng trực tuyến cũng chỉ bù đắp một phần chi phí đầu tư cho nhà hàng...”.

Thực tế, ngay cả những người chuyên kinh doanh trực tuyến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Giang, chủ cửa hàng trực tuyến chuyên nhận đặt hàng trên mạng xã hội Facebook chia sẻ, trong suốt 3 tháng qua, đơn hàng giảm mạnh, khách hàng không còn đặt mua quần áo, túi xách hay kính, đồng hồ như trước do thắt chặt chi tiêu.

Hiện chi phí thuê mặt bằng là bài toán khó đối với hộ kinh doanh. Theo anh Vũ Tiến Đạt, anh đã chủ động gặp chủ nhà đề nghị hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng vào kỳ thanh toán tới. Chị Tạ Thùy Ánh cũng cho biết, hầu hết các hộ kinh doanh đều thuê mặt bằng của cá nhân. Việc vay vốn ưu đãi hay tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng cũng không dễ dàng do hộ kinh doanh có nguồn vốn nhỏ, lại không có tài sản bảo đảm.

“Bạn bè tôi cũng có người may mắn được chủ nhà hỗ trợ giảm từ 1 đến 3 tháng tiền thuê nhà. Song cũng có người không thể chờ đến hết dịch vì chi phí mặt bằng quá lớn, buộc phải đóng cửa, trả cửa hàng”, chị Ánh nói.

Kinh doanh khó khăn, phải trả lại mặt bằng… có lẽ cũng là lý do khiến nhiều tuyến phố trung tâm của Hà Nội vẫn vắng vẻ, đìu hiu mà chưa thể sôi động như trước.

Thách thức cũng là cơ hội

Dịch Covid-19 đã mang đến nhiều khó khăn, thách thức cho các hộ kinh doanh, nhưng đây cũng là cơ hội để các chủ hộ kinh doanh thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới. Để cạnh tranh, giữ khách, vượt qua khó khăn, các hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống đã đặt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

Chị Tạ Thùy Ánh cho hay, để kéo khách trở lại và tin tưởng vào sản phẩm kinh doanh trực tuyến, chất lượng đầu vào thực phẩm cũng như vệ sinh đối với toàn bộ đồ dùng được chú trọng đặc biệt. Toàn bộ thực phẩm đầu vào đều được mua tại siêu thị với chất lượng được bảo đảm, cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của khách hàng. Hầu hết khách hàng đều chú trọng sử dụng nước rửa tay trước khi ăn nên họ chú ý từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, nên cái tăm hay chiếc đũa trong cửa hàng cũng phải rất sạch sẽ...”, chị Ánh kể.

Chủ cửa hàng Stormbean Coffee Vũ Tiến Đạt cũng cho hay, kể từ khi có thông tin về dịch, cửa hàng đã dùng cốc giấy dùng một lần để đựng đồ uống thay cho cốc sứ trước đây. Tại các khu vực phù hợp ở cửa hàng đều đặt dung dịch rửa tay để khách hàng sử dụng. "Dịch Covid-19 là thử thách nhưng cũng là cơ hội để các cửa hàng nhỏ thay đổi cung cách phục vụ, việc sử dụng hàng hóa đầu vào cũng như quy trình vệ sinh phù hợp với những tiêu chuẩn cao hơn của người tiêu dùng", anh Vũ Tiến Đạt khẳng định.

Ngay cả đối với các chủ cửa hàng quần áo trực tuyến, hình ảnh, thương hiệu cũng được chú trọng. Những cửa hàng tập trung cho túi đựng hay biểu trưng (logo) đẹp, cũng như đầu tư cho hình ảnh sản phẩm có cơ hội thành công hơn.

Chị Minh Hà, chủ cửa hàng L’Amant Mode cho hay: “Thời điểm xảy ra dịch Covid-19, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội, lượng quần áo được bán ra tăng đột biến, do nhiều người có thời gian rảnh và không thể đến trực tiếp các cửa hàng. Mặc dù gặp khó khăn trong việc mua vải, do hầu hết các chợ đều phải đóng cửa, nhưng nhờ một số cửa hàng vải kinh doanh trực tuyến, chúng tôi vẫn nhập được nguyên liệu để thực hiện theo đơn đặt hàng của khách. Để có được các bộ ảnh đẹp quảng cáo sản phẩm, chúng tôi đã đầu tư một phòng chụp ảnh để tự thực hiện thay vì đến các phòng chụp ảnh của các hiệu ảnh hay thuê người mẫu như trước. Trong cái khó ló cái khôn, cho đến nay, công việc kinh doanh trực tuyến vẫn khá suôn sẻ, lượng khách ngày càng đông”.

Tuy nhiên, theo chị Thục Chinh, chủ hộ kinh doanh lưu trú nhà dân (homestay) ở 16/200 Âu Cơ, quận Tây Hồ, ngoài gói hỗ trợ từ Chính phủ, các hộ kinh doanh vẫn cần những giải pháp căn cơ từ ngành chức năng về phương án ổn định kinh doanh, giảm giá mặt bằng, giảm các chi phí đầu vào như điện nước, thuế phí và những hỗ trợ về lãi suất... Việc hỗ trợ các đối tượng bị tác động do dịch Covid-19 mà Chính phủ đưa ra cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, cần bảo đảm sự công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng…

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, đã có hơn 3.000 hộ kinh doanh phản ánh buộc phải tạm ngưng hoạt động, bỏ kinh doanh do dịch Covid-19. Điều này khiến cho công tác thu ngân sách những tháng đầu năm 2020 có sự suy giảm. Tuy nhiên, Cục Thuế đang tiếp tục có những phương án hỗ trợ các hộ kinh doanh phục hồi sau dịch bằng việc hướng dẫn cụ thể giãn nộp thuế, giảm thuế… Trước là để hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố sôi động trở lại, sau cũng để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Hy vọng, với hàng loạt các giải pháp thiết thực từ cơ quan chức năng, cùng những nỗ lực vượt khó, tự làm mới cách thức kinh doanh của mình, các hộ kinh doanh cá thể có thể nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn. Như chia sẻ của chị Minh Hà, chủ cửa hàng L’Amant Mode thì: “Các hộ kinh doanh gặp khó khăn là việc có thật nhưng quan trọng hơn cả vẫn là thích nghi và tìm thấy cơ hội trong thách thức”.