19/01/2025 | 18:28 GMT+7, Hà Nội

Dũng sĩ tái chế - nỗ lực vì môi trường sống xanh

Cập nhật lúc: 07/05/2020, 14:28

Các bạn ăn mỳ tôm đừng vứt vỏ đi nhé! Vừa không tạo thêm gánh nặng cho môi trường, vừa giúp chúng mình có thêm nguồn thu nhập!. Thông điệp này đến từ nhóm bạn trẻ của dự án “Dũng sĩ tái chế”.

Tái chế xuyên mùa dịch

Theo Cao Thị Sao Mai, sáng lập viên dự án "Dũng sĩ tái chế", thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, nhiều gia đình mua tích trữ mỳ tôm, gạo, đồ hộp... nên sẽ thải ra môi trường vỏ bao mỳ, bì gạo, lon bia nước ngọt... Những thứ này, nếu được gom lại và xử lý một cách khéo léo, sáng tạo thì có thể dùng vào việc tái chế thành các sản phẩm có ích cho cộng đồng.

Vốn gặt hái được nhiều thành công trong việc tạo ra sản phẩm từ chai nhựa, quần áo cũ… nên các bạn trẻ trong dự án quyết định thu gom vỏ mỳ tôm để tái chế. Trong đó, chiến dịch “Tái chế xuyên mùa dịch” được phát động.

Ban đầu các bạn trẻ thu gom vỏ mỳ tôm và gửi đến các em nhỏ khiếm thính ở cửa hàng Healing the Wounded Heart (HWH), số 23 Võ Thị Sáu, thành phố Huế. Các em nhỏ ở đây làm thủ công, cho ra các sản phẩm như túi xách, rổ, rá... Khách đến mua một trong số sản phẩm làm ra ở đây, số tiền thu được sẽ góp phần hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh.

Sản phẩm được tái chế từ vỏ mỳ tôm

Ở nhà chống Covid-19 nhưng các bạn trẻ vẫn không quên trách nhiệm với môi trường. Đặc biệt, với việc tái chế độc đáo này các bạn trẻ không chỉ tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống mà còn góp phần giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

“Do một số nguyên nhân nên chúng mình sẽ không chuyển vỏ mỳ tôm vào trong Huế nữa mà sẽ tái chế ngay tại Hà Nội. Hiện chúng mình vẫn đang tiếp tục thu gom vỏ mỳ tôm và tập trung nghiên cứu, cho ra đời nhiều sản phẩm từ phiếu liệu này”, Cao Thị Sao Mai, chia sẻ.

Sao Mai cho biết thêm, dự án “Dũng sĩ tái chế” được thành lập vào ngày 19/11/2019 với mong muốn cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thiết thực như: Tái chế rác thải, đào tạo "Đại sứ môi trường", dọn rác, hình thành thói quen sống xanh… Dự án đến với các bạn trẻ như một cơ duyên, khi trào lưu dọn rác diễn ra sôi nổi.

Ít người có thể tưởng tượng từ vỏ mỳ tôm có thể tái chế ra sản phẩm túi xách đẹp mắt

Khi đó, nhóm bạn trẻ đã nghĩ, tại sao dọn rác lại là trào lưu mà đáng nhẽ ra nó phải là hoạt động bình thường được diễn ra thường xuyên? Bên cạnh đó, rác sau khi dọn xong thì sẽ được xử lý như thế nào… và cứ thế “Dũng sĩ tái chế" được nhen nhóm hình thành.

Hình thành lối sống xanh

Với phương châm đó, dự án hoạt động theo các mảng chính: Đào tạo “Đại sứ môi trường”; tái chế rác thải (từ các đồ như vỏ mỳ tôm, chai nhựa, chai thủy tinh, quần áo cũ…) để cho ra các sản phẩm mới, có giá trị cao. Bên cạnh đó, chuỗi các sự kiện, tọa đàm về các chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu, sống xanh… cũng được dự án tổ chức để cung cấp thêm thông tin hữu ích, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa tới mọi người.

Trong đó, việc đào tạo “Đại sứ môi trường” với mong muốn tìm ra các chiến binh có đủ sự hiểu biết - nghị lực - tình yêu thương ở mọi lứa tuổi để góp phần chung tay giúp mảnh đất hình chữ S ngày một xanh hơn. Chính những “Đại sứ” này sẽ góp phần lan tỏa, kết nối và phát triển mạng lưới bảo vệ môi trường ngày một lớn mạnh hơn.

Thời gian đầu dự án gặp nhiều khó khăn như: Nhân lực, việc thu gom rác thải, chi phí vận chuyển các chai thủy tinh, nơi để đồ… đặc biệt là cách tạo ra các sản phẩm tái chế sao cho đẹp và được nhiều người đón nhận. Nhóm đã cùng nhau thử nghiệm và cải tiến dần sản phẩm.

Tái chế để góp phần cho cuộc sống thêm xanh

Bên cạnh đó, thay vì việc đến thu gom tận nhà thì ở Hà Nội, mỗi tháng nhóm bạn trẻ dành ra một ngày cuối tuần tổ chức sự kiện quyên góp để mọi người đến tham gia. Cách làm này đã giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, nguồn lựa được tối ưu và rác thải thu về không bị lẻ tẻ.

Hiện tại, dự án có 20 thành viên nòng cốt chưa kể cộng tác viên. Những sản phẩm tái chế của dự án được mọi người đón nhận rất tích cực. Rất nhiều người đặt mua để ủng hộ cũng như sử dụng các sản phẩm đó trong cuộc sống. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề chai nhựa chai thủy tinh xả ra quá nhiều ở các quán nước hoặc cửa hàng rượu vang, thành viên trong dự án đã kết hợp với những đơn vị này để tái chế.

“Điều khiến chúng mình vui nhất là từ việc tái chế mọi người dần hình thành lối sống xanh. Họ dần có thói quen thu gom tích trữ vỏ, chai nhựa và chai thủy tinh để mang đi quyên góp tạo ra các sản phẩm tái chế thay vì vứt nó ra ngoài bãi rác như vẫn thường làm”, Sao Mai chia sẻ.

Thời gian tới, khi dịch Covid-19 qua đi, nhóm sẽ quay lại các hoạt động cũ, triển khai chiến dịch đào tạo “Đại sứ môi trường” và thu gom rác. Ngoài ra, hoạt động tái chế vỏ mỳ tôm cũng được đẩy mạnh để giúp hạn chế tối đã những rác thải xả ra môi trường.

Với sứ mệnh tạo ra 10.000 “Đại sứ môi trường”, thông qua các hoạt động thiết thực, các bạn trẻ hy vọng sẽ góp phần tạo ra một cộng đồng sống xanh, sống đẹp, ý nghĩa, có tác động mạnh mẽ đến mọi người.