19/01/2025 | 15:18 GMT+7, Hà Nội

Phụ huynh “phát sốt” khi trẻ học một buổi, không ăn bán trú

Cập nhật lúc: 07/05/2020, 14:15

Ngày 11/5, học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đi học trở lại sau 3 tháng nghỉ phòng dịch Covid-19. Để phòng, chống dịch, thực hiện quy định giãn cách, nhiều trường quyết định cho học sinh...

Ngày 11/5, học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đi học trở lại sau 3 tháng nghỉ phòng dịch Covid-19. Để phòng, chống dịch, thực hiện quy định giãn cách, nhiều trường quyết định cho học sinh học 1 buổi, không ăn bán trú. Điều này đã khiến nhiều phụ huynh “phát sốt”.

Phụ huynh rối bời

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ở phường Phúc La, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi đi làm cách xa nhà hơn chục cây số nên việc chạy đi chạy về để đưa đón con đi học là vô cùng khó khăn. Trường không tổ chức cho con ăn bán trú, tôi chưa biết phải xoay sở như thế nào”.

Đây không phải là khó khăn của riêng chị Hạnh mà là chủ đề chung được các bậc phụ huynh bàn luận sôi nổi những ngày gần đây, khi các nhà trường đang chuẩn bị đón học sinh tiểu học đi học trở lại.

Chị Trần Thị Minh Thu (phụ huynh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Theo công bố tại buổi họp phụ huynh trực tuyến chiều 6/5, sắp tới, trường con gái chị Thu sẽ tổ chức học 3 buổi/tuần.

“Các con học từ 7h45 đến hơn 11h thì kết thúc. Để phòng dịch Covid-19, tạm thời nhà trường chưa tổ chức bán trú. Tôi có một con học mầm non và một học tiểu học. Nhà ông bà ở xa, chồng cũng đi làm ở tỉnh khác nên một mình mình chạy đi chạy lại đưa đón con như vậy cũng đủ “bở hơi tai””, chị Thu thở dài buồn bã.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, đến sáng 7/5, đa số các trường tiểu học đã lên phương án sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại. Bà Nguyễn Thị Thu Hảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Thực hiện theo hướng dẫn của Sở và phòng GD&ĐT, nhà trường đã lên phương án đảm bảo giãn cách, tách học sinh trong lớp học. Khối tiểu học học 1 buổi/ngày và 3 buổi học trực tiếp/tuần. Nhà trường tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú”.

"Theo bà Hảo, cách tổ chức lớp học này khó tránh khỏi những khó khăn cho phụ huynh. Vì vậy, nhà trường mong các bậc phụ huynh cùng hợp tác để đảm bảo an toàn trong giai đoạn đầu học sinh đi học trở lại. Nhà trường sẽ có những điều chỉnh sau, căn cứ theo hướng dẫn từ thành phố, phòng GD&ĐT”, bà Hảo cho hay.

Được biết, trường Tiểu học Lê Văn Tám có gần 2.000 học sinh với sĩ số khoảng 40 học sinh/lớp.

Nhiều trường “nín thở” chờ hướng dẫn

Tại một số quận khác của Hà Nội, các nhà trường vẫn đang “nín thở” chờ hướng dẫn chi tiết của thành phố và ngành Giáo dục.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, hôm qua (6/5), Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có kết luận trong hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 4 và có hướng dẫn các nhà trường không nhất định phải chia giờ học. Tuy nhiên, đến nay, nhà trường vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể”.

Vị hiệu trưởng này cho biết đang rất hy vọng vào hướng dẫn mới về việc tổ chức lớp học và ăn bán trú của học sinh. “Với đối tượng tiểu học, việc học 1 buổi và không ăn bán trú gây khó khăn rất lớn cho phụ huynh và cả giáo viên. Nhiều gia đình neo người, nhà xa nên đưa đón con rất vất vả”, Hiệu trưởng trường này chia sẻ.

Tại huyện Mỹ Đức, để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại, phòng GD&ĐT huyện cũng đã chủ động xây dựng phương án và có hướng dẫn cụ thể đến các trường.

Ông Lê Văn Thăng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết: “Phòng chỉ đạo từng trường căn cứ theo tình hình cụ thể của đơn vị về cơ sở vật chất, giáo viên để xây dựng phương án cụ thể, chia tách lớp theo hướng dẫn”.

Huyện Mỹ Đức hiện có 27 trường mầm non công lập, 29 trường tiểu học và một cơ sở mầm non tư thục.

Theo ông Thăng, học sinh mầm non, tiểu học nếu đã đi học trở lại thì phải tính đến phương án tổ chức bán trú. Vì học sinh ở lứa tuổi nhỏ, cần có sự quản lý, chăm sóc khác với lứa tuổi trung học. Nếu học 1 buổi/ngày sẽ khó khăn cho các phụ huynh phải đưa đón, quản lý tại nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe. Phòng GD&ĐT huyện vẫn chờ đợi kết luận cụ thể của thành phố để hướng dẫn đến các trường.

"Không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn"

Tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 4/2020 của UBND TP Hà Nội ngày 6/5, kết luận tại phiên họp, về nội dung liên quan đến giáo dục, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao ngành Giáo dục rà soát đảm bảo môi trường giáo dục vận hành thuận lợi nhất.

Chủ tịch UBND TP cho rằng không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn. Các trường cần làm tốt việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn trang thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế.